Bàn về thực trạng huy động vốn của doanh nghiệp ngành Dược ở Việt Nam


Hiện nay, việc huy động vốn của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành Dược nói riêng gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhu cầu dược phẩm cung ứng cho thị trường là rất lớn, đã đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp dược phải cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển… để sản xuất ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bài viết này đánh giá thực trạng huy động vốn của các doanh nghiệp ngành Dược Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc huy động vốn cho các doanh nghiệp ngành Dược trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực trạng huy động vốn của các doanh nghiệp ngành Dược Việt Nam
Việc đổi mới, ứng dụng công nghệ 4.0 vào nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm dược phẩm mới nhằm ngăn chặn, dịch bệnh COVID-19 có ý nghĩa quan trọng, mang tính cấp bách hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Để giải quyết tình trạng này, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất trong ngành Dược giúp doanh nghiệp (DN) giảm thời gian sản xuất và chi phí sản xuất.

Trên thực tế, việc huy động vốn của các DN dược phẩm có cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Thuận lợi là do kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm ổn định, do nhu cầu dược phẩm của người dân tăng cao trong thời gian qua… Ngược lại, khó khăn là do các DN sản xuất dược phẩm phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 80%-90%); đại dịch COVID-19 càng làm cho nguồn cung nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu tăng cao. Do đó, việc huy động vốn của các DN dược phẩm gặp nhiều khó khăn.

Bàn về thực trạng huy động vốn của doanh nghiệp ngành Dược ở Việt Nam - Ảnh 1

Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, các DN dược phẩm Việt Nam chủ yếu huy động nợ ngắn hạn để tài trợ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và huy động vốn chủ sở hữu để đầu tư dài hạn cho DN. Từ năm 2018-2020 có 13/14 các DN dược huy động nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng trên 70% so với các khoản nợ phải trả (Bảng 1) để tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc huy động nợ ngắn hạn tăng cao là do nợ ngắn hạn có tính linh hoạt hơn nợ dài hạn. Tính linh hoạt sẽ giúp các DN linh hoạt trong điều tiết nhu cầu vốn khi nhu cầu sản xuất kinh doanh thay đổi thường xuyên liên tục, góp phần làm giảm rủi ro sử dụng vốn của các DN.

Bên cạnh nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nợ phải trả thì tỷ trọng nợ phải trả tính trên tổng nguồn vốn của DN tương đối thấp, thậm chí có DN chiếm tỷ trọng nợ phải trả 9,74%. Điều này cho thấy, mức độ an toàn tài chính của các DN dược tương đối cao.

Bàn về thực trạng huy động vốn của doanh nghiệp ngành Dược ở Việt Nam - Ảnh 2

Bảng 2 cho thấy, 82,86% (12/14) DN có tỷ trọng nợ phải trả chiếm dưới 46,33% trong tổng nguồn vốn, có 17,14% (2/14 DN có tỷ trọng nợ phải trả chiếm 61,96%% và 65,2% (DHT, MED). Nhìn chung, cơ cấu vốn của DN khá an toàn, nguồn vốn chủ sở hữu nói chung chiếm khoảng 60%, thể hiện chủ sở hữu của các DN chủ động về đồng vốn nên sẽ chủ động trong việc sản xuất kinh doanh.

Trong điều kiện đặc biệt khó khăn về dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, khó khăn về số đăng ký, nguồn nguyên liệu, làm cho quá trình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng các DN dược vẫn đảm bảo khả năng thanh toán hiện thời, nâng tầm uy tín của các DN dược trên thị trường vốn Việt Nam.

Bảng 3 cho thấy, tính đến năm 2020, khả năng thanh toán của của các DN dược hầu hết đều nằm ở mức an toàn (DHT, DNM, LDP, MED, MKV, OPC, PPP, VDP) và rất an toàn (DBD, DCL, DMC, IMP, PMC, TRA), thể hiện rõ tài sản ngắn hạn đảm bảo đủ khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, uy tín của các DN dược khá tốt, đáp ứng được điều kiện cần cho các DN thuận lợi trong quá trình huy động vốn để cải tiến và mở rộng quy mô hoạt động.

Một số giải pháp khuyến nghị

Việc sản xuất dược phẩm được dự báo tiếp tục gặp những khó khăn nhất định trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu và huy động vốn để mở rộng thị trường là không dễ. Vì vậy, huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh ngành Dược thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xác định cơ cấu vốn tối ưu, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn theo đúng cơ cấu vốn mục tiêu đã được xác định.

Đối với những DN có tỷ trọng nợ vượt quá cơ cấu vốn mục tiêu cần tăng cường huy động thêm vốn chủ sở hữu để điều chỉnh cơ cấu vốn phù hợp với mục tiêu đề ra. Nếu không thể huy động thêm vốn chủ sở hữu thì DN cần giảm nợ xuống cho phù hợp với cơ cấu vốn mục tiêu, nghĩa là DN phải thu hẹp quy mô hoạt động để đưa DN trở lại trạng thái tăng trưởng bền vững hơn.

Đối với các DN có tỷ trọng nợ thấp hơn cơ cấu vốn mục tiêu, nên tăng cường sử dụng nợ cho phù hợp với cơ cấu vốn mục tiêu đã được xác định.

Bàn về thực trạng huy động vốn của doanh nghiệp ngành Dược ở Việt Nam - Ảnh 3

Thứ hai, hện nay, tập quán huy động vốn vay của các DN Việt Nam nói chung và DN dược nói riêng chủ yếu là vay từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các DN dược cần mở rộng và đẩy mạnh kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu công ty trên thị trường chứng khoán.

Thứ ba, các cơ quan hữu quan chỉ đạo các cơ quan quản lý nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý tiền kỹ thuật số. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nghiên cứu về tiền kỹ thuật số này, nhưng tiến độ tiếp cận vẫn còn chưa đủ nhanh so với diễn biến trên thế giới. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế chính sách về quản lý tiền kỹ thuật số trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Y tế (2021), Quyết định số 2792/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/ 3/2021 của Thủ tướng Chính phủ";
  2. https://fili.vn/2021/06/nganh-duoc-gap-kho-vinapharm-dat-ke-hoach-loi-nhuan-nam-2021-di-lui-737-869901.htm;
  3. http://vinapharm.com.vn/index.php/news/1690/Hoi-nghi-tong-ket-nam-2020,-trien-khai-ke-hoach-nam-2021-Tong-cong-ty-Duoc-Viet-Nam-%E2%80%93-CTCP.html;
  4. VietstockFinance; tapchitaichinh.vn.

* ThS. Trần Nam Hương - Trường Đại học Tài chính – Marketing

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.