Phân tích các yếu tố góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2023 để có giải pháp thực hiện cho năm 2024

Minh Hà

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá các yếu tố góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2023, từ đó có giải pháp thực hiện cho năm 2024.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Hội nghị rất vui mừng được chào đón và cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, dành thời gian đến dự.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị.

Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời chúc mừng đến Hội nghị và kết quả của năm 2023 có thể nói cao hơn năm 2022; giao nhiệm vụ cho Chính phủ không được chủ quan, thoả mãn mà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để năm 2024 lại có kết quả cao hơn năm 2023.

Theo Thủ tướng, nhìn lại năm 2023, về tổng thể tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong đó, có "những cơn gió ngược" như lạm phát, lãi suất neo ở mức cao; suy giảm tăng trưởng; hậu quả dịch bệnh kéo dài; cạnh tranh chiến lược, xung đột ở Ukraine và Dải Gaza; thiên tai, biến đổi khí hậu; nguy cơ mất an ninh lương thực, năng lượng trên toàn cầu…

Ở trong nước, nền kinh tế chịu "tác động kép" của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn sau đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, nền kinh tế có độ mở cao, khả năng chống chịu, sức cạnh tranh còn hạn chế - một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động, ảnh hưởng lớn đến bên trong.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các đại biểu đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành. "Điểm mới trong chỉ đạo, điều hành năm 2023 là gì? Phải chăng trong điều kiện khó khăn, Chính phủ, chính quyền địa phương đã bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn nhằm "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" để có được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực?", Thủ tướng nêu một số gợi mở.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.

Thủ tướng đề nghị, các đại biểu đánh giá việc các cấp, các ngành, các địa phương nắm tình hình và phản ứng chính sách; lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức quốc tế; cũng như việc tổ chức kịp thời nhiều hội nghị và ra nhiều quyết sách; việc thành lập 5 Tổ công tác giải ngân đầu tư công và 26 Tổ công tác đến các địa phương.

Nhìn nhận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, theo Thủ tướng, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện; uy tín, vị thế của đất nước và niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng lên.

Gợi mở về một số vấn đề khác, Thủ tướng cho rằng, điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng năm 2023 có gì nổi bật so với năm 2022? Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia dưới ngưỡng cảnh báo, nhưng để tận dụng được dư địa chính sách tài khoá này cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải làm gì trong năm tới? Các cấp, các ngành, các địa phương đúc rút được bài học kinh nghiệm gì trong thực tiễn chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá?...

Lưu ý về năm 2024, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá những trọng tâm chỉ đạo điều hành để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá kết hợp với các chính sách khác thế nào, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), vừa đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi, liên kết vùng). 

Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi, đánh giá các yếu tố thúc đẩy cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, sớm giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ còn lại; thúc đẩy liên kết vùng là một động lực mới, quan trọng để thúc đẩy phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị...

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Về văn hoá - xã hội, môi trường, Thủ tướng đề nghị tập trung phân tích về giải quyết bài toán gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển văn hóa, xã hội với kinh tế; phát triển công nghiệp văn hoá, thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Thủ tướng đề nghị phân tích về các nhiệm vụ, giải pháp để không bị động, bất ngờ về chiến lược như chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua; thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội; những cách làm, giải pháp mới để hiện thực hoá kết quả, cam kết của hoạt động đối ngoại cấp cao.

Cùng với đó là những nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội; phát huy hơn nữa vai trò của công tác dân vận, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân cùng cả nước nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2021-2025.

 

Theo chương trình Hội nghị, sau khi nghe đồng chí Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, Hội nghị sẽ nghe lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan và thành viên Chính phủ phát biểu.