Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga
Sáng 10/5 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và phát biểu tại Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA). Xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của Tổng Bí thư.

“Vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trong kỷ nguyên mới, vì hòa bình, hợp tác và phát triển”
Thưa Ngài Vyacheslav Viktorovich Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga,
Thưa Tiến sĩ Aleksey Gennadievich Komissarov, Hiệu trưởng Học viện RANEPA,
Thưa Lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Chính phủ Liên bang Nga,
Thưa các cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia Liên bang Nga và Liên Xô trước đây,
Thưa toàn thể Quý vị và các bạn,
Tôi rất vui mừng được đến thăm và phát biểu tại Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) đúng vào dịp nước Nga tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Xin một lần nữa chúc mừng các đồng chí.
Trong những ngày qua, tôi và các thành viên trong đoàn đại biểu Việt Nam đã nhận được sự đón tiếp vô cùng nồng hậu, thân tình của Lãnh đạo và người dân Nga. Mỗi lần đến nước Nga, tôi đều có cảm giác như được trở về nhà, gặp lại người thân trong gia đình.
Hôm nay, tại Học viện RANEPA, một lần nữa, tôi và các thành viên trong đoàn Việt Nam cảm nhận rõ sự hiếu khách và tính cách phóng khoáng đặc trưng Nga. Đối với tôi, được chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình tại Học viện RANEPA, cơ sở giáo dục đại học lớn nhất của Nga và toàn châu Âu, là một vinh dự lớn. Nhiều nhân tài của nước Nga và thế giới đã được đào tạo, trưởng thành tại ngôi trường danh giá này. Hơn 1.000 cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã học tập tại đây. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo Học viện RANEPA đã trao tặng cho tôi danh hiệu “Giáo sư danh dự” vô cùng cao quý.
Hội trường hôm nay có rất nhiều cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, nhà nghiên cứu, bạn bè Nga và Liên Xô trước đây, những người đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Tôi xin được gửi tới toàn thể mọi người lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành nhất! Xin chào nước Nga và những người bạn Nga yêu quý!
Thưa Quý vị và các bạn,
Chiến thắng ngày 9/5/1945 - Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - là một trong những cột mốc vĩ đại nhất của thế kỷ XX và của toàn bộ lịch sử nhân loại. Trong suốt bốn năm khốc liệt của cuộc chiến tranh thế giới, đất nước Liên Xô đã trở thành thành trì bất khuất của nhân loại tiến bộ. Hơn 27 triệu người con của Liên Xô đã ngã xuống, trong đó có hàng triệu chiến sĩ của Hồng quân đã chiến đấu và hy sinh anh dũng. Nhân loại sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm khảm sự hy sinh vô giá đó, như lời của nữ văn sĩ Olga Berggoltz: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”.
Chiến thắng phát-xít năm 1945 đã kết thúc một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới của hòa bình, giải phóng, xây dựng và phát triển. Chiến thắng ấy tiếp thêm niềm tin, nghị lực và cảm hứng cho các dân tộc thuộc địa - trong đó có Việt Nam - đứng lên đấu tranh giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc.
Lịch sử hơn một thế kỷ qua đã chứng kiến những mối liên hệ đặc biệt giữa hai đất nước chúng ta. Ngay từ những năm 1920, khi phong trào cách mạng Việt Nam còn đang ở giai đoạn tìm đường đi, nước Nga Xô viết - thành quả của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại - đã trở thành ngọn hải đăng soi sáng con đường giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã đến nước Nga năm 1923, học tập tại Quốc tế Cộng sản, tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin. Quá trình tìm thấy “mặt trời Nga” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện như sau: Kìa mặt trời Nga bừng sáng ở phương Đông.Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt…Luận cương đến. Và Người đã khóc. Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lenin…Luận cương của Lenin theo Người về quê Việt. Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến gần rồi.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà trung tâm là Liên Xô, ngày càng mật thiết. Nhiều nhà cách mạng tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam như các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập cũng từng học tập, rèn luyện tại Liên Xô và trở thành những người lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam. Nhiều cán bộ, trí thức của Việt Nam tiếp tục được cử sang Liên Xô học tập, đào tạo trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học-kỹ thuật, tạo nên một đội ngũ nòng cốt cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước sau này.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Liên Xô luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình và vô tư. Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam khối lượng lớn vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại. Hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đã trực tiếp làm việc tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành cùng quân dân Việt Nam trong những thời khắc cam go nhất. Không có vũ khí, khí tài của Liên Xô, chúng tôi khó bắn rơi được pháo đài B52 của Mỹ; bộ đội của chúng tôi có thể có khó khăn, gian khổ, hy sinh nhiều hơn, chiến thắng có thể đến chậm hơn.
Không chỉ giúp đỡ trong chiến tranh, Liên Xô còn là người bạn lớn trong sự nghiệp tái thiết và xây dựng Việt Nam sau chiến tranh. Trong những năm tháng khó khăn nhất, Liên Xô đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ toàn diện từ kinh tế, văn hoá, khoa học-kỹ thuật đến giáo dục-đào tạo. Hàng trăm công trình kinh tế-kỹ thuật trọng điểm, các khu công nghiệp, cơ khí, hóa chất... đã được xây dựng bằng nguồn vốn và công nghệ của Liên Xô. Các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện lớn của Việt Nam đều mang đậm dấu ấn của sự hợp tác Việt-Xô. Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1956, Bác Hồ đã nói: Tôi yêu quý nhân dân Liên Xô như yêu chính đồng bào ruột thịt của mình.
Đặc biệt, Liên Xô đã tiếp nhận hàng chục nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập trong các lĩnh vực kỹ thuật, y tế, kinh tế, giáo dục, quốc phòng. Đội ngũ trí thức ưu tú này sau khi trở về đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ chân thành, thủy chung, vô tư và tình đoàn kết cao cả của Liên Xô trong quá khứ và Liên bang Nga ngày nay là di sản lịch sử quý báu để hai nước tiếp tục vun đắp, xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, thực chất hiện nay và trong thời gian tới.
Vượt lên trên khoảng cách địa lý, hai đất nước chúng ta có sự tương đồng to lớn về lịch sử, tinh thần, tầm nhìn và giá trị. Cả hai dân tộc “đồng điệu” về tâm hồn, “đồng cam” vượt qua những thử thách và “đồng hành” trên những chặng đường phát triển mà trên hết là tình đồng chí, anh em. Đúng như đánh giá của Tổng thống (Vladimir Putin): “Chúng ta cùng có quá khứ anh hùng trong lao động cũng như trong chiến đấu”.
Trên thế giới, ít có đất nước nào luôn chiếm một tình cảm sắt son, sâu đậm trong lòng các thế hệ người Việt Nam như Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Thế hệ cha anh chúng tôi và lớp lớp thanh niên sau này lớn lên trong chiến tranh và những ngày gian khó của đất nước luôn có sự gắn bó đặc biệt với nước Nga. Chúng tôi học tiếng Nga, đọc văn học Nga, xem phim Nga và hát nhạc Nga. Nhiều tác phẩm văn học Nga đã trở thành sách gối đầu giường, góp phần hun đúc lý tưởng, ý chí cách mạng của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Chiến tranh và hòa bình, Thép đã tôi thế đấy có thể coi là những tác phẩm văn học Việt Nam. Hàng vạn cán bộ, sinh viên Việt Nam đã học tập, trưởng thành ở Nga và trở về đóng góp cho quê hương, trong đó nhiều người đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Những công trình biểu tượng của tình hữu nghị vĩ đại giữa hai nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tại Việt Nam là Nhà máy Thủy điện Hoà Bình, Cầu Thăng Long, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Tượng đài Lenin tại Nghệ An (quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh) và tại Hà Nội. Tại Nga là Quảng trường Hồ Chí Minh ở Moscow và Vladivostok, Tượng đài Hồ Chí Minh ở thành phố Ulyanovsk (quê hương lãnh tụ V. I. Lenin) và Saint Petersburg, Đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam tại Moscow.
Tất cả những mối liên hệ nói trên đã làm nên “nước Nga trong lòng Việt Nam” và “Việt Nam trong lòng nước Nga”. Đó cũng chính là nền tảng, là cơ sở vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai đất nước chúng ta.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Trong bối cảnh đầy thách thức của hơn bốn thập kỷ trước, Việt Nam đã tiến hành công cuộc Đổi mới. Vượt qua nhiều khó khăn, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trở thành một nền kinh tế mở, năng động, một điểm sáng về tăng trưởng. Từ một nền kinh tế nghèo nàn, kém phát triển, phụ thuộc nhiều vào viện trợ, Việt Nam hiện đã trở thành một trong 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư nước ngoài và về quy mô thương mại.
Về đối ngoại và hội nhập quốc tế, từ một nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, tham gia tích cực tại hơn 70 diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, thiết lập mạng lưới 36 khuôn khổ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện, trong đó Liên bang Nga là một trong những Đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên (năm 2012).
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó cùng sự ghi nhận của bạn bè quốc tế đã đặt Việt Nam ở một khởi điểm lịch sử mới, tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới, với những định hướng mang tính chiến lược, dài hạn cho chặng đường tiếp theo. Trong đó, trọng tâm của chúng tôi là thực hiện thắng lợi các mục tiêu đánh dấu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030 và 100 năm lập nước vào năm 2045, trong khi tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đồng thời tăng cường đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam trong nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.
Chúng tôi gắn phát triển kinh tế nhanh, bền vững với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực chủ chốt. Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển chiến lược về hạ tầng năng lượng, hạ tầng giao thông, hạ tầng số, trong đó có đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, nhà máy điện hạt nhân, đi vào các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, xây dựng những trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước và địa phương, cùng với phát triển đột phá khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, coi đây là “bộ ba chiến lược” nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm “Ổn định lâu dài - Phát triển bền vững - Đời sống nâng cao” [1].
Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện; đóng góp tích cực và chủ động hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại. Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Đồng thời, chúng tôi nhất quán ủng hộ và thúc đẩy duy trì hệ thống thương mại đa phương tự do, dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chống chính trị hóa quan hệ kinh tế quốc tế và phân mảnh thương mại toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ, trừng phạt kinh tế đơn phương và cạnh tranh không lành mạnh.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời với thế giới. Chúng tôi hiểu rõ Việt Nam không thể thực hiện các mục tiêu nói trên nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có nước Nga. Việc củng cố và nâng cao hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay, đáp ứng lợi ích lâu dài, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước, cũng như nâng cao vai trò của hai quốc gia tại mỗi khu vực và phạm vi toàn cầu.
Những năm gần đây, bất chấp những biến động của tình hình thế giới, khu vực, quan hệ hai nước tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc giữa hai nước diễn ra rất sôi động, đặc biệt là ở cấp cao nhất với chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam vào tháng 6/2024 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Mishustin vào tháng 1/2025.
Hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư dần lấy lại đà hồi phục, trong đó kim ngạch thương mại năm 2024 đạt gần 5 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2023. Hợp tác dầu khí-năng lượng tiếp tục là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Hợp tác quốc phòng-an ninh được thúc đẩy với nhiều hướng và phương diện hợp tác đa dạng, là trụ cột quan trọng của quan hệ.
Hai bên tích cực phối hợp chặt chẽ, ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương. Hợp tác giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân được triển khai tích cực. Hiện nay, hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Nga. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga tiếp tục phát triển và ngày càng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội tại Nga.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những điểm đến yêu thích nhất của du khách Nga ở Đông Nam Á. Trước đại dịch Covid-19, đất nước chúng tôi đã vui mừng được đón hơn 650 nghìn du khách Nga và năm 2024 vừa qua, bất chấp những bất cập về giao thông hàng không, vẫn có hơn 230 nghìn lượt khách Nga đến Việt Nam.
Tôi và Đoàn đại biểu Việt Nam rất vui mừng vì trong chuyến thăm lần này, hai nước dự kiến sẽ ký kết thêm khoảng 20 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thưa Quý vị và các bạn,
Với hành trang của lịch sử và hiện tại, hai nước chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của những thay đổi mang tính thời đại. Mỗi nước chúng ta đang thay đổi từng ngày và thế giới cũng đang chứng kiến những chuyển động chưa từng có.
Những chuyển biến có tính thời đại đó đem đến thời cơ, thuận lợi, cũng như nhiều khó khăn, thách thức đối với cả hai nước chúng ta. Tuy nhiên, khó khăn là cội nguồn của sự đổi mới và vươn lên mạnh mẽ, là động lực để hai nước chúng ta tiếp tục đồng hành cùng nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng thực chất và hiệu quả, vì tương lai của người dân hai nước và hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Với cách tiếp cận đó, chúng tôi và các nhà lãnh đạo Nga đã trao đổi và đưa ra những định hướng nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước chúng ta như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh trao đổi đoàn, tham khảo và đối thoại thường xuyên, thực chất ở cấp cao và cấp cao nhất.
Thứ hai, nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư - lĩnh vực hợp tác trọng tâm của quan hệ hai nước. Đặc biệt, cần ưu tiên, tạo thuận lợi cho mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính-tín dụng phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định pháp luật hai nước nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, cần mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp, chế tạo máy và năng lượng.
Thứ ba, đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng-an ninh, là lĩnh vực giữ vai trò đặc biệt trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Nga, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của tình hình hiện nay, đồng thời góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác khoa học-công nghệ,đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xem đây nhưmột lĩnh vực hợp tác then chốt của quan hệ, trong đó có hợp tác về khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ y sinh học và năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh năm 2026 là Năm hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam-Liên bang Nga, hai nước cần triển khai hiệu quả các dự án hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực ưu tiên.
Chúng tôi đặc biệt coi trọng việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhất là triển khai hiệu quả dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một ưu tiên cao của Việt Nam hiện nay.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, du lịch, giao lưu nhân dân. Đây là những lĩnh vực mà hai nước có thể mở rộng và làm sâu sắc, quy mô hợp tác không giới hạn. Hai nước cần tiếp tục mở rộng hoạt động của Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật Việt - Nga để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tôi đánh giá cao các kết quả hợp tác giữa Học viện RANEPA trong việc triển khai các Bản ghi nhớ hợp tác với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính, Học viện An ninh Nhân dân và gần đây là Đại học Luật Hà Nội; mong muốn Học viện RANEPA sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực hành chính công, kinh tế quốc tế và quan hệ quốc tế.
Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt tại Nga và tiếng Nga tại Việt Nam, bao gồm sử dụng tối đa tiềm năng của các cơ sở giáo dục hai nước, trong đó có Phân viện tiếng Nga mang tên Đại thi hào Pushkin tại Hà Nội và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội. Tôi mong muốn hai nước sẽ sớm thúc đẩy hoàn thành dự án Nhà văn hóa Việt Nam tại Moscow.
Hai nước cần mở rộng hơn nữa hợp tác du lịch, bao gồm tăng cường tần suất các chuyến bay thẳng thường lệ và chuyến bay thuê chuyến, cũng như đơn giản hóa thủ tục đi lại cho công dân hai nước.
Đồng thời, giao lưu giữa các bộ, ngành, địa phương, các Ngày văn hóa hai nước cần được tiến hành thường xuyên cũng như duy trì tiếp xúc giữa các cơ quan thông tin đại chúng, hội hữu nghị và các tổ chức xã hội.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, trong đó có ASEAN, Liên hợp quốc và APEC.
Hai nước cần tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trật tự thế giới đa cực công bằng và bền vững, trong đó Nga là một cực quan trọng, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh mạng, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Vấn đề Biển Đông, Việt Nam mong muốn Liên bang Nga thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò của mình đối với mục tiêu duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông, tiếp tục ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Đồng thời, chúng tôi mong muốn Liên bang Nga tiếp tục ủng hộ việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Nga để làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nga, đẩy mạnh triển khai hợp tác hiệu quả trên cơ sở Kế hoạch hành động toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2021-2025 và hướng tới giai đoạn 2026-2030.
Thưa Quý vị và các bạn,
Lịch sử hào hùng, những thành tựu vĩ đại của đất nước và nhân dân Nga, cũng như quá trình phát triển đầy tự hào của quan hệ hai nước đã khẳng định vai trò và vị trí đặc biệt của nước Nga đối với Việt Nam, trong đó có những đóng góp quan trọng của Học viện RANEPA.
Các thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu tại Học viện chắc chắn sẽ tiếp tục là những cầu nối thúc đẩy tình hữu nghị vĩ đại giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Tôi cũng xin dành lời tri ân sâu sắc đến những cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia Nga đã dành trọn tình cảm và hỗ trợ đất nước Việt Nam qua các thời kỳ. Tất cả đều mãi mãi là những người bạn, người đồng chí, anh em thủy chung, thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Tiếp bước các thế hệ đi trước, thế hệ trẻ hai nước ngày nay cần thấm nhuần tinh thần quốc tế cao cả được vận dụng trong mối quan hệ gắn bó, thủy chung, hiếm có giữa nhân dân Việt Nam và Liên bang Nga cũng như ý nghĩa quan trọng của việc tiếp tục vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa hai nước trong kỷ nguyên mới.
Trên tinh thần đó, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tiếp tục đồng hành trên con đường hướng tới giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc và quan hệ hai nước sẽ phát triển lên một tầm cao mới, tương xứng với tầm vóc lịch sử, văn hóa của mỗi nước và yêu cầu của thời đại.
Xin chúc toàn thể Quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
[1] Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Vươn mình hội nhập quốc tế”.