Phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 sáng 13/7/2023, thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã quan tâm chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp, hỗ trợ ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong Hội nghị tổng kết của ngành Tài chính năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định 2023 sẽ là một năm có nhiều thách thức, đòi hỏi Chính phủ nói chung và ngành Tài chính nói riêng cần đặc biệt nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thực tế 6 tháng đầu năm 2023 đã cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã có những diễn biến chưa thuận lợi.
Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm. Lãi suất có xu hướng giảm nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn rất khó khăn, chi phí vốn tiếp tục tăng cao; Thị trường bất động sản trầm lắng, giải ngân vốn đầu tư thấp… Các yếu tố này khiến tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn dự kiến, chỉ đạt 3,72%; Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm 15,2% so với cùng kỳ...
Trước bối cảnh khó khăn đó, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã quán triệt toàn thể cán bộ, công chức tinh thần chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất ban hành và tổ chức triển khai các chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành các chính sách miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế, phí với tổng quy mô lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có một số chính sách tác động rất lớn tới người dân và doanh nghiệp như: giảm 50% thuế bảo vệ môi trưởng; giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế trước bạ, giảm 36 loại phí... Tính đến hết ngày 30/6/2023, đã triển khai thực tế các chính sách này được khoảng 70 nghìn tỷ đồng.
“Đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính nhằm đảm bảo cân đối thu chi nhưng vẫn tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh kinh tế chững lại và áp dụng nhiều các chính sách giảm, giãn hoãn thuế, phí, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm vẫn đạt 54% - đạt khá so với dự toán nhưng lại giảm 7,8% so với cùng kỳ. Bộ trưởng cho rằng, số liệu thu ngân sách như trên đã phản ánh tình hình khó khăn hiện nay.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật tài chính, chống thất thu thuế, chống gian lận buôn lậu thương mại. Tuy nhiên, qua theo dõi trên hệ thống hóa đơn điện tử đã phát hiện ra 524 doanh nghiệp bán hóa đơn khống và đang tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật... Hiện nay, Bộ đã đưa ra giải pháp là ứng dụng công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong phát hành hoá đơn điện tử để phát hiện sớm những rủi ro, đồng thời, phân công, phân nhiệm cho cán bộ thuế phụ trách để thanh tra, kiểm tra, xử lý ngay.
Thông tin thêm về những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2023, Bộ trưởng cho biết, công tác quản lý nợ công tiếp tục thực hiện chặt chẽ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn Quốc hội đề ra; Các tổ chức xếp hạng tiếp tục xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực và triển vọng; Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp từng bước ổn định, công khai, minh bạch; Công tác quản lý tài sản công tiếp tục được triển khai chặt chẽ, hiệu quả...
Về triển khai nhiệm vụ trong nửa cuối năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, tình hình kinh tế chính trị thế giới trong thời gian tới được dự báo vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành Tài chính tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật; Triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ dự toán thu NSNN để góp phần hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra; Tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính, thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quan trọng để chống thất thu; Ổn định sự phát triển thị trường tài chính, chứng khoán...
Cùng với đó, phát huy vai trò Ban Chỉ đạo điều hành giá trong điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô; Kiểm soát chi, bội chi NSNN, nợ công chặt chẽ, an toàn, bền vững; Đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi, các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đột xuất phát sinh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định đời sống nhân dân.
“Dù khối lượng công việc được giao của ngành Tài chính ngày càng lớn và nặng nề, tuy nhiên, để đáp lại sự tin tưởng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm, phối hợp, chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và ý kiến đóng góp của các các địa phương để cụ thể hóa bằng các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao trong những tháng cuối năm 2023.