Phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong tăng diện bao phủ BHXH, BHYT

Lê Hà

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm tiếp tục mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Phát huy chính sách BHXH, BHYT trong đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và người lao động.
Phát huy chính sách BHXH, BHYT trong đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và người lao động.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách này.

Sự vào cuộc tích cực đó đã góp phần chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân và người lao động; đồng thời, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT từ Trung ương tới địa phương.

Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 4/2023, cả nước có hơn 17,1 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 37,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ bao phủ là 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; hơn 90,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 91,2% dân số, tăng gần 4,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.

Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng được cơ quan BHXH các cấp triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Nhờ đó, 4 tháng đầu năm 2023, có hơn 3,3 triệu người đã được giải quyết hưởng mới BHXH; gần 54,5 triệu người khám chữa bệnh BHYT với số tiền được chi trả gần 37 tỷ đồng.

Nhằm mang lại sự hài lòng, yên tâm, tin tưởng của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia.

Trên 12.400 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân gắn chip với hơn 25,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân thành công; tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích của ứng dụng "VssID-BHXH số”, có hơn 28,8 triệu tài khoản được phê duyệt và kích hoạt sử dụng…

Để đạt được những kết quả tích cực trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam còn là sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Xác định sự vào cuộc này là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã trực tiếp gửi văn bản tới UBND 63 tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp triển khai các nội dung về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, BHXH Việt Nam thường xuyên quán triệt, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Cơ quan BHXH cũng tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành; phòng, chống, xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp…

Nhờ đó, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp, đồng thuận của các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương.

Có thể kể tới một số kết quả nổi bật như: 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong đó Ban chỉ đạo đã xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo lĩnh vực phụ trách.

57/63 tỉnh đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH theo Nghị quyết số
69/NQ-CP của Chính phủ, 62/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết
định số 546/QĐ-TTg vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương tại Nghị quyết của tỉnh…

Như vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHXH, BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Để tiếp tục mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các địa phương, góp phần củng cố, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự đồng thuận cao của xã hội.

 

Đến hết tháng 4/2023, cả nước có hơn 17,1 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 37,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ bao phủ là 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; hơn 90,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 91,2% dân số, tăng gần 4,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.