Phát sinh nhiều vấn đề nếu tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Theo Bộ Tài chính, nếu tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 sẽ dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến cân đối ngân sách địa phương, chưa tuân thủ các cam kết quốc tế và dễ bị khiếu kiện, chưa phù hợp với chủ trương đảm bảo trật tự, chống ùn tắc giao thông của Chính phủ...
Tiếp tục giảm lệ phí trước bạ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề
Sau khi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong năm 2019-2020, trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Việc điều chỉnh giảm mức thu này thời gian qua đã tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.
Chính sách giảm mức thu LPTB góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô. Từ đó, kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng có các tồn tại, hạn chế. Việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngoài việc làm giảm thu ngân sách nhà nước được đánh giá là sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.
Trước đây, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới còn nghiêm trọng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển. Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là kéo dài quá thời gian cần thiết như ý kiến của Bộ Ngoại giao.
Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian qua cũng được đánh giá là chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, các FTA, có nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, nếu tiếp tục thực hiện trong năm 2023, thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc điều chỉnh chính sách này như một khoản trợ cấp của Chính phủ và có thể một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam tiếp tục gửi các yêu cầu, khiếu nại.
Liên quan đến vấn đề này, các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam và Eurocharm đã đề xuất phải thực hiện giảm cả đối với ô tô nhập khẩu để đảm bảo cam kết quốc tế đã ký kết. Nếu thực hiện phương án này thì có thể ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách nhà nước của các địa phương.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ quán triệt thực hiện là “Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy mạnh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn”. Theo đó, việc thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô là chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.
Đã có nhiều chính sách hỗ trợ đã, đang được nghiên cứu ban hành
Bộ Tài chính cho biết, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã và đang theo dõi sát diễn biến, cân đối với điều kiện thực tế, từ đó nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp.
Trong đó, Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu đề xuất triển khai một số giải pháp ngay từ đầu năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, trong đó có doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với tổng gói hỗ trợ khoảng 186.500 tỷ đồng.
Nhiều giải pháp đã và đang đề xuất như: Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023; Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất phải nộp để hỗ trợ thanh khoản, giúp doanh nghiệp, người dân giải quyết khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh trong năm 2023; Giảm tiền thuê đất năm 2023; Giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2023 của tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% trong đó có ô tô.
Từ những phân tích ưu, nhược điểm, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án: Phương án 1 là giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Phương án 2 là giảm 50% mức thu LPTB đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.
Trường hợp nếu thực hiện theo phương án 1 sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe ô tô tồn kho. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, phương án này chưa tuân thủ quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, các FTA, nguy cơ bị phản ứng, khiếu kiện từ các nhà nhập khẩu và các tổ chức quốc tế. Về thu ngân sách, phương án 1 có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng.
Đồng thời, chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Việc gia tăng sử dụng phương tiện cá nhân (trong đó có ô tô) sẽ gây áp lực lên hạ tầng giao thông, đặc biệt là tại các đô thị có mật độ giao thông lớn, nơi lượng xe cá nhân lưu thông chiếm tỷ trọng cao và tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trường hợp thực hiện theo phương án 2 sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; đồng thời sẽ đảm bảo được việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Ngược lại, phương án 2 lại cũng chưa phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, chưa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, giúp ngành sản xuất ô tô trong nước vượt qua khủng hoảng vì người dân sẽ ưu tiên mua xe ô tô nhập khẩu hơn xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Phương án 2 cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước. Thống kê cho thấy, số thu LPTB đối với ô tô chiếm khoảng 70% tổng số thu LPTB. Theo đó, nếu thực hiện theo phương án này thì tổng số thu LPTB đối với ô tô sẽ giảm khoảng 15-16 nghìn tỷ đồng, từ đó ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước năm 2023 và đặc biệt là cân đối ngân sách của một số địa phương khó khăn.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo một trong hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đồng thời, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.