Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng và 35 khoản phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trần Huyền

Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm mức thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 35 khoản thu phí, lệ phí trong năm 2023. Bộ Tài chính cũng đề xuất ban hành các chính sách theo trình tự, thủ tục rút gọn để sớm đi vào cuộc sống.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm mức thu thuế giá trị gia tăng và 35 khoản thu phí, lệ phí trong năm 2023. Ảnh: internet
Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm mức thu thuế giá trị gia tăng và 35 khoản thu phí, lệ phí trong năm 2023. Ảnh: internet

Tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT 

Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế GTGT và các khoản thu phí, lệ phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế GTGT hiện hành quy định 02 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp = số thuế GTGT đầu ra - GTGT đầu vào. Hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT.

Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường phát sinh số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ (không phát sinh số thuế GTGT phải nộp). Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào). 

Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Kết quả thực hiện chính sách này cho thấy, tổng gói hỗ trợ giảm thuế GTGT năm 2022 đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng. Việc giảm thuế GTGT đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành thu của cơ quan thuế, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành liên quan. 

Do vậy, năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%. 

Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thu trên kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023. Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế. 

Dự kiến, số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án nêu trên khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng. 

Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT để xin ý kiến Bộ, ngành, địa phương. Để kịp tiến độ trình Chính phủ, trình Quốc hội, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Đồng thời, đề xuất giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội để bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thông qua ngay tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. 

Giảm 35 khoản thu phí, lệ phí 

Cùng với chính sách giảm thuế GTGT, thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, căn cứ quy định của Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư để quy định việc giảm mức thu nhiều khoản thu phí, lệ phí. Số tiền phí, lệ phí đã thực hiện miễn giảm trong năm 2020 và năm 2021 là khoảng 2 nghìn tỷ đồng mỗi năm; năm 2022 là khoảng 900 tỷ đồng áp dụng trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022. 

Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục thực hiện giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến, chính sách này sẽ tác động làm giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng. 

Theo quy định tại của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Do đó, để sớm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Tài chính ban hành Thông tư về giảm phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Có thể thấy, trong thời gian qua, theo chức năng quản lý, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp vě gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Các chính sách được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vị hỗ trợ rộng đã đóng góp vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân.