Phát triển bền vững kinh tế biển trong bối cảnh COVID-19 và biến đổi khí hậu

Theo Hoàng Giang/baochinhphu.vn

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với Liên hiệp Hội địa phương ở 62 tỉnh/thành phố. Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với Liên hiệp Hội địa phương ở 62 tỉnh/thành phố. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Theo PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA,  Nghị quyết 36-NQ/TW ban hành ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được triển khai hơn 3 năm với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tầm nhìn và tư duy mới của Nghị quyết đã đem đến kỳ vọng cho nhiều địa phương, nhiều ngành kinh tế biển về sự phát triển lớn mạnh mà bền vững.

Mới đây, ngày 24/11, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PGS.,TS. Phạm Quang Thao cho rằng, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 36, bên cạnh những thuận lợi và các thành tựu cơ bản đạt được, hiện nay, kinh tế đất nước nói chung và kinh tế biển nói riêng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và bị tổn thất đáng kể dưới tác động khó lường của đại dịch COVID-19.

Việc nhìn lại các hoạt động chính, các kết quả chủ yếu cũng như các bài học kinh nghiệm thực tế là rất cần thiết, giúp điều chỉnh và đề xuất giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện “bình thường mới”.

Đánh giá về một số kết quả, PGS.,TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, quy mô kinh tế biển và vùng biển đã tăng lên; cơ cấu ngành, nghề bước đầu thay đổi theo hướng chuyển dịch từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh”. Mặc dù dịch bệnh COVID-19, nhưng biển và vùng biển đóng góp lớn vào xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã xây dựng được một số khu kinh tế ven biển, đảo – là các trung tâm kinh tế hướng biển. Hạ tầng giao thông ven biển được nâng cấp đáng kể, hỗ trợ cho liên kết vùng trong phát triển, các đô thị ven biển hiện có được nâng cấp và lần đầu tiên thành lập đô thị đảo (Phú Quốc); vai trò kinh tế “đảo” tăng lên rõ rệt…

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) đang là vấn đề bức xúc; việc phát triển kinh tế biển ở nước ta vẫn theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung”; vẫn còn thiếu các luật, chính sách cơ bản và đặc thù về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước…

Để tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển trong giai đoạn tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất, cần thúc đẩy kinh tế biển “xanh”; có các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các biểu hiện biến đổi đại dương.

Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển năng lượng biển tái tạo; phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên cơ sở khoa học; thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19. Có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa, từng bước biến rác thải nhựa thành tài nguyên; tăng cường chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, ít phát thải.

Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA, việc quản lý đa dạng các hoạt động kinh tế biển và khai thác tài nguyên biển đòi hỏi phải nâng cao kiến thức liên quan đến đại dương một cách thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo tồn các hệ sinh thái biển mong manh.

Khoa học và đổi mới đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng ồ ạt sang bền vững hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, công nghệ, thiết bị nghiên cứu biển của Việt Nam có trình độ lạc hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực có biển đảo, trong khi nguồn nhân lực biển còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Do đó, khó có được những thành tựu nghiên cứu đột phá để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo theo yêu cầu của Nghị quyết 36.

Gợi ý một số chính sách trong thời gian tới, ông Nghiêm Vũ Khải cho rằng cần xác định rõ nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực, các chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các công trình hạ tầng phát triển kinh tế biển.

Để thực hiện các kế hoạch, cần có sự quan tâm chỉ đạo, cơ sở pháp lý và nguồn lực rất lớn, do đó Chính phủ có thể xây dựng và trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư và những có chế đặc biệt đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã thảo luận về các vấn đề: Phát triển điện gió ngoài khơi, chuỗi cung ứng và cảng biển ở Việt Nam; liên kết và tích hợp đa ngành để phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam; phát triển ngành nuôi thủy sản trên biển ở Việt Nam trong quy hoạch tích hợp không gian biển…

Đây là diễn đàn cho các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương của VUSTA, các nhà khoa học trao đổi ý kiến về các vấn đề và giải pháp để tư vấn cho Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương trong việc hoạch định và triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.