Phát triển bền vững logistics xanh ở Việt Nam
Logistics xanh đang là xu hướng tất yếu, là việc tính toán và các ứng dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động về sinh thái của hoạt động logistics. Việc “xanh hóa” ngành logistics và ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững… Nghiên cứu này sẽ giới thiệu tổng quan về logistics xanh và giải pháp đề xuất phát triển bền vững logistics xanh tại Việt Nam.
Đặt vấn đề
Trải qua nhiều thập kỷ, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về mối quan tâm của công chúng và các Chính phủ cho môi trường. Ngày nay, hiện tượng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trái đất ấm lên toàn cầu đang dần lớn hơn và cần được giải quyết ngay tức thời. Logistics là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nhất là việc vận chuyển hàng hóa chiếm khoảng 8% lượng khí thải Carbon Dioxide năng lượng trên toàn thế giới. Kho bãi và quản lý vận tải có khả năng bổ sung thêm 3% tổng số này. Do vậy, logistics xanh đang là xu hướng tất yếu nhằm giảm thiểu các tác động của hoạt động logistics đến môi trường sinh thái.
Tổng quan về logistics xanh
Thuật ngữ “logistics xanh” hay các thuật ngữ tương tự như “logistics bền vững”, “logistics xanh bền vững”… lần đầu tiên được đề cập vào những năm 1980. Kể từ đó đến nay đã có rất nhiều tổ chức và các nhà nghiên cứu đưa ra các khái niệm khác nhau về logistics xanh từ nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tại Việt Nam, khái niệm logistics xanh còn tương đối mới nên hiện nay chưa có một cách hiểu thống nhất và rõ ràng. Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 đưa ra quan điểm về logistics xanh như sau: Logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Logistics xanh chi phối đồng thời cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà ngược lại còn củng cố lẫn nhau. Mọi nỗ lực của logistics xanh đều tập trung đóng góp và đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Logistics xanh nhấn mạnh vào những nỗ lực và biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động logistics, từ đó đạt tới sự cân bằng bền vững giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường (Sbihi và Eglese, 2010). Mọi nỗ lực của logistics xanh đều tập trung đóng góp và đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Các giải pháp “xanh hóa” logistics khá đa dạng trên các phương diện như: (1) Vận tải xanh: sử dụng các phương tiện vận tải tạo ra lượng khí thải thấp hơn như xe điện sử dụng năng lượng sạch, vận tải đường thủy…; (2) Bao bì xanh: sử dụng các bao bì có khả năng tái chế, tái sử dụng, bao bì dùng vật liệu có thể phân hủy và phân hủy sinh học…; (3) Kho bãi xanh: kho bãi sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả, thiết kế công trình bền vững…; (4) Quản lý dữ liệu logistics xanh: ứng dụng công nghệ để quản lý dữ liệu hiệu quả, nâng cao hiệu quả logistics, giảm tối đa thời gian vận chuyển và giao nhận…; (5) Logistics ngược: tăng cường tái sử dụng các sản phẩm, bao bì, vật liệu; tái sản xuất và tân trang…
Nội dung phát triển logistics xanh
- Xanh hóa hoạt động vận tải: Vận tải là hoạt động logistics có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Có 2 yếu tố chính của vận tải ảnh hưởng đến môi trường, bao gồm: hệ thống mạng lưới giao thông và hoạt động của các phương tiện vận tải. Các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại. Đặc biệt, phương tiện giao thông đường bộ có ảnh hưởng nhiều nhất tới môi trường thể hiện ở lượng khí thải, tiếng ồn và ùn tắc giao thông. Hơn nữa, đường bộ, sân bay, bến cảng được xây dựng ngày càng nhiều là nguồn gây ô nhiễm lớn.
Nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, chuyển đổi từ vận chuyển đường bộ sang đường thuỷ, đường sắt; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hoặc ít phát thải khí các-bon và vận hành hệ thống vận tải một cách tối ưu là những giải pháp quan trọng để xanh hoá hoạt động vận tải.
- Xanh hóa hoạt động kho bãi: Việc thiết kế, xây dựng kho trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ sử dụng năng lượng của kho. Thiết kế và xây dựng kho không chỉ yêu cầu đảm bảo lưu trữ an toàn cho hàng hóa như duy trì độ ẩm tốt, chống ăn mòn, chống thấm, chống biến dạng, chống bay hơi, không bị rò rỉ… mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Kho bãi với các tính năng thân thiện môi trường như sử dụng năng lượng mặt trời, ánh sáng tự nhiên, diện tích phù hợp, tường và sàn dày hoặc cho phép tái chế tại chỗ sẽ tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tiếng ồn và khí thải tới môi trường. Ngoài ra, lựa chọn sử dụng các trang thiết bị tại kho thân thiện với môi trường và tổ chức vận hành hoạt động kho một cách tối ưu cũng giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Quy hoạch mặt bằng kho tốt không chỉ giúp tận dụng tối ưu không gian kho mà còn cắt giảm được chuyển động trong kho. Điều này buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn thiết kế xanh hóa kho bãi để không chỉ đạt được hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tăng thêm tính xanh trong hoạt động logistics của mình.
- Xanh hóa hoạt động đóng gói: Đóng gói là một quy trình quan trọng đối với tất cả các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Thường có ba loại bao bì là bao bì chính, bao bì thứ cấp và bao bì vận chuyển. Bao bì chính chứa đựng sản phẩm. Kích thước, hình dạng và vật liệu cấu tạo bao bì có ảnh hưởng đến chi phí kho hàng và chi phí vận chuyển. Việc đóng gói sản phẩm tốt hơn cùng với các vật liệu tái sử dụng và pallet được sắp xếp theo mô hình tối ưu sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí nhờ việc giảm sử dụng vật liệu, tăng sử dụng không gian nhà kho và dung tích phương tiện vận tải, giảm số lượng bao bì cần xử lý. Bao bì không phù hợp có thể dẫn đến hư hỏng sản phẩm trong quá trình vận chuyển và gây lãng phí bao bì, tăng lượng rác thải ra môi trường. Do đó, công nghệ đóng gói sáng tạo sẽ giúp giảm thiểu tổn thất của sản phẩm trong quá trình vận chuyển, đồng thời giảm tác động đến môi trường.
- Xanh hoá hệ thống thông tin: Một hệ thống thông tin hoàn hảo có thể tăng mức độ xanh hóa hoạt động logistics bằng việc cung cấp những thông tin thực tế về mặt thời gian và điều khiển một cách chính xác, tối ưu các hoạt động trong logistics như đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, chế biến, phân phối, xếp dỡ, xử lý hàng tồn kho... nhằm tuân thủ các yêu cầu về kinh tế cũng như môi trường, tạo điều kiện cho việc thực hiện dịch vụ logistics gắn với trách nhiệm môi trường.
Bên cạnh đó, việc số hóa dữ liệu không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, quản lý dữ liệu mà còn giảm thiểu in ấn, đồng nghĩa với giảm tác hại đến môi trường. Đặc biệt, mạng lưới liên kết thông tin giữa các doanh nghiệp với cơ quan chuyên ngành sẽ giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cũng như hạn chế việc di chuyển, góp phần giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.
- Phát triển logistics ngược: Phát triển logistics xanh không thể thiếu phát triển logistics ngược (bao gồm 2 hoạt động chính là thu hồi, tái sử dụng sản phẩm và xử lý chất thải). Logistics ngược là quá trình các doanh nghiệp thu hồi sản phẩm khách hàng trả lại, sản phẩm cần bảo hành, bảo dưỡng hoặc sản phẩm, bao bì kết thúc sử dụng từ người tiêu dùng cuối cùng; tận dụng nguyên liệu tái chế, phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất; tận thu phế liệu từ vật liệu đóng gói, vận chuyển. Hoạt động logistics ngược sẽ góp phần bảo vệ môi trường và mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quản lý chất thải là một nội dung quan trọng để bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên. Chẳng hạn như, khi nhà kho phát sinh số lượng lớn chất thải bao bì hay khi sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng thì chúng trở thành phế thải. Khi đó, việc xử lý chất thải thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường là vô cùng quan trọng.
Giải pháp phát triển bền vững hệ thống logistics xanh ở Việt Nam
Một hệ thống logistics xanh là sự tích hợp lớn các hệ thống con khác nhau với nhiều kết nối và ràng buộc. Tất cả các hệ thống con trong mô hình đều có các vị trí và vai trò khác nhau. Hệ thống logistics xanh cũng không biệt lập mà cần có sự tương tác về thông tin và năng lượng với môi trường bên ngoài.
Mô hình dưới đây giới thiệu một khung sườn hữu ích cho quan điểm này. Nó cung cấp các hợp phần cơ bản của một hệ thống logistics xanh với sự tham dự của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng xanh, hệ thống hạ tầng và những kết nối cần thiết trong các chương trình và dự án logistics xanh. Nó đòi hỏi sự có mặt của các cơ quan quản lý Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động logistics xanh trong toàn xã hội.
Đây là nền tảng cơ sở vật chất để thực hiện hệ thống logistics xanh. Chuỗi cung ứng xanh tạo môi trường xanh cho phát triển bền vững, mở đường, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics xanh. Các chuỗi cung ứng xanh hình thành các trung tâm thu gom chuyên biệt để xử lý các sản phẩm cần thu hồi từ mọi thành viên hạ nguồn như người tiêu dùng, nhà bán lẻ, nhà phân phối để tái chế và phục hồi các giá trị cần thiết. Nhờ đó, tạo ra một hệ logistics tuần hoàn. Hệ thống logistics cho chuỗi cung ứng xanh phải có 3 cấp độ:
Thứ nhất, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với các biện pháp logistics đạt tiêu chuẩn xanh.
Thứ hai, tạo một nền tảng xanh liên công ty và mạng lưới chuỗi cung ứng xanh.
Thứ ba, kết nối chuỗi cung ứng tuần hoàn với các hoạt động logistics ngược và tăng cường cơ chế phản hồi.
Xây dựng hệ thông tin logistics xanh
Hệ thông tin logistics xanh cung cấp thông tin cho các thành viên trong hệ thống logistics xanh theo thời gian thực. Giám sát và đánh giá chính xác về quá trình hoạt động logistics của các thành viên, giám sát bao bì sản phẩm, lưu trữ, vận chuyển, xử lý phân phối, giao nhận và xếp dỡ… để tuân thủ các yêu cầu về môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyết định logistics môi trường. Các vai trò chính bao gồm:
Kiểm soát bao bì xanh: Thúc đẩy các bộ phận sản xuất sử dụng nguyên liệu bao bì đơn giản nhất và có thể phân hủy sinh học. Hợp lý hóa việc đóng gói và đánh giá các chỉ số xanh với quá trình sản xuất và sử dụng bao bì sản phẩm của doanh nghiệp.
Kiểm soát giao thông xanh: đánh giá các hoạt động gây hư hại hàng hóa và tác động ô nhiễm tới môi trường trong quá trình vận chuyển...
Kiểm soát kho xanh: giám sát mọi yếu tố không xanh trong nhà kho.
Kiểm soát quy trình xanh: giám sát sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng theo các quy trình thực hiện đóng gói, phân khúc, đo lường, lắp ráp, dán nhãn giá, gắn nhãn hiệu, kiểm tra hàng hóa...
Kiểm soát tải và dỡ tải xanh: Theo dõi các hoạt động diễn ra trong vận chuyển, lưu trữ, đóng gói hoặc di chuyển, giao nhận hàng hóa…
Đánh giá logistics xanh: Trên bốn khía cạnh là hiệu quả về môi trường, hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả kinh tế, hiệu suất kỹ thuật của hệ thống logistics xanh.
Hỗ trợ quyết định quản lý logistics xanh: Nhằm thiết lập các mô hình logistics xanh đầy đủ để cung cấp cho các thành viên tham gia các quyết định và lựa chọn tối ưu hóa.
Xây dựng hệ thống giao thông tích hợp xanh (Hệ giao thông xanh hợp nhất)
Hệ giao thông xanh hợp nhất nhằm giảm tắc nghẽn giao thông, giảm ô nhiễm, thúc đẩy sự hài hòa xã hội và tiết kiệm chi phí vận chuyển. Trong kinh tế thị trường, các phương thức vận tải thông qua cạnh tranh cung cấp dịch vụ vận tải chất lượng cho nền kinh tế quốc gia và đời sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh quá mức giữa các phương thức vận tải sẽ gây lãng phí rất lớn như trùng lặp và lãng phí tài nguyên… do đó, việc thiết lập một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông xanh tích hợp là nền tảng cho toàn bộ hệ thống logistics xanh và cần tập trung vào ba khía cạnh.
Xây dựng một trung tâm giao thông tích hợp là xương sống trong việc kết nối mạng lưới đường bộ và hành lang giao thông liên thành phố, tạo tác động trực tiếp đến hiệu quả chung của hệ thống giao thông.
Bên cạnh đó, tận dụng tối đa lợi thế của các phương tiện giao thông khác nhau: Khi phải đối mặt với việc lựa chọn các phương tiện giao thông khác nhau, nên tận dụng lợi thế so sánh của vận chuyển đường thủy như khối lượng hàng hóa vận chuyển lớn, tiêu thụ năng lượng thấp, ô nhiễm ít. Coi đây là một trong những hệ thống phân phối và vận chuyển chính tại cho các tuyến chủ đạo.
Tăng cường phối hợp các phương tiện giao thông khác nhau và thiết lập mạng lưới giao thông tích hợp thân thiện với môi trường. Điều chỉnh cấu trúc mạng giao thông theo hướng tích hợp và nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường. Tuân thủ các điều kiện địa phương để tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên giao thông và phối hợp trơn tru, hiệu quả trong hệ giao thông tích hợp xanh.
Xây dựng hệ điều hành và giám sát logistics xanh
Vai trò điều hành logistics xanh thuộc về Chính phủ, logistics xanh không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà phải được sự chỉ đạo từ Chính phủ. Chính phủ có vai trò quản lý hệ thống và tạo ra một khuôn khổ pháp lý để xác định hướng đi và kiềm chế hành vi của các doanh nghiệp. Thông thường điều hành logistics xanh của Chính phủ tập trung vào các vấn đề sau:
Quản lý các nguồn gây ô nhiễm theo luật định để điều chỉnh lượng khí thải và lượng phát thải NO2 từ xe cơ giới qua hạn chế các loại phương tiện trên đường. Khuyến khích sử dụng các phương tiện đủ điều kiện và kiểm soát giới hạn tiếng ồn. Hướng dẫn hợp lý hóa việc sử dụng các phương tiện vận tải khác nhau và khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức vận tải phù hợp. Áp các mức thuế và biện pháp hành chính để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp trong ngành logistics với vấn đề ô nhiễm. Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp chuỗi cung ứng, hỗ trợ xây dựng trung tâm logistics để giảm chi phí và ô nhiễm. Chịu trách nhiệm lập kế hoạch, xây dựng mạng lưới đường giao thông, hiện đại hóa hệ thống kiểm soát giao thông. Xây dựng quy tắc kiểm soát các hoạt động lưu thông, dừng đỗ xe trên đường, kiểm soát lưu lượng giao thông...
Hệ thống giám sát logistics xanh thuộc về vai trò của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có yêu cầu riêng cho sản phẩm và dịch vụ xanh. Yêu cầu xanh này xuất phát từ cơ chế sinh lý của con người đối với môi trường tự nhiên và sinh thái. Khi yêu cầu xanh của con người có khả năng thanh toán sẽ chuyển đổi thành nhu cầu xanh. Nhu cầu xanh của người tiêu dùng là động lực chính để các công ty thực hiện các biện pháp logistics xanh. Với sức mạnh thị trường, người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong quản lý logistics xanh. Hành vi tiêu dùng xanh của người tiêu dùng thúc đẩy công ty thực hiện quản lý logistics xanh, buộc doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ logistics xanh. Hành vi tiêu dùng xanh cũng gây áp lực lên Chính phủ để hình thành các quy tắc quản lý logistics xanh thông qua tiếng nói chung của nhu cầu tiêu dùng xanh.
Tài liệu tham khảo:
- Anh, N. (2022), Thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam ước đạt giá trị 4,88 tỷ USD vào năm 2030. Báo Doanh Nghiệp và Kinh Doanh;
- Anh, Q (2022), Doanh nghiệp logistics Việt Nam ượt khó để phát triển (pp. 1-5). Viet Nam Business Forum. https://vccinews.vn/news/43859/doanh-nghiep-logistics-viet-nam-vuot-kho-de-phat-trien.html;
- CBRE (2022), Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản khu công nghiệp (pp. 1-3);
- Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (2022), Hiệp hội BĐS Việt Nam dự báo xu hướng phát triển của thị trường 5 - 10 năm tới (pp. 1-4);
- Kết quả điều tra về phát triển logistics xanh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam năm 2022, Ban Biên tập Báo cáo;
- Ngân hàng Thế giới (2019), Chuỗi Báo cáo Phân tích về Ngành Giao thông Vận tải Việt Nam: Tăng cường ngành vận tải hàng hoá đường bộ Việt Nam hướng đến giảm chi phí logistics và phát thải khí nhà kính.