Phát triển các kỹ năng kế toán nhằm hướng đến thông tin tài chính hữu ích
Để đáp ứng các yêu cầu đổi mới kế toán của Việt Nam phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đó là việc nâng cao các kỹ năng, kiến thức của người làm kế toán. “Người làm kế toán cần có các kỹ năng để xử lý dữ liệu và trình bày các dữ liệu đó trên Báo cáo tài chính (BCTC), biến các con số khô khan trở thành các con số biết nói” đây là lời chia sẻ của ông Trịnh Đức Vinh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính).
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào khi chế độ kế toán (CĐKT) coi trọng phương pháp ghi chép sổ thông qua các giao dịch?
Ông Trịnh Đức Vinh: Trước đây chúng ta thường nghĩ rằng, kế toán chủ yếu là việc ghi chép (BOOKEEPING) các giao dịch kinh tế phát sinh tại đơn vị. Nhiệm vụ của kế toán là tổng hợp, phân tích thông tin và trình bày BCTC, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc trình bày BCTC chưa được nhấn mạnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của người làm kế toán. Kèm theo đó, do còn mang nặng yêu cầu quản lý Nhà nước, kế toán được hướng đến mục đích đảm bảo số thu ngân sách hơn là phục vụ chính công tác quản trị, điều hành của bản thân DN (DN).
Vì vậy, chế độ kế toán (CĐKT) hướng đến coi trọng phương pháp ghi chép, lập các bút toán định khoản, phương pháp kế toán chịu ảnh hưởng nặng nề của các quy định về thuế, như: Yêu cầu các DN phải thực hiện hệ thống tài khoản thống nhất về số hiệu, tên gọi; Một số loại chứng từ kế toán, hệ thống sổ kế toán và các hình thức sổ kế toán phải theo mẫu và quy trình bắt buộc… với những lý do đó người làm công tác kế toán chưa nhận thức được vai trò tiên quyết của kế toán là phục vụ việc ra quyết định quản lý điều hành của chủ DN (nhà đầu tư) hơn là phục vụ mục đích thuế. Do vậy, chưa thoát ra được cái bóng của người ghi sổ (BOOKEEPER).
Ngay cả trên bình diện quốc tế, trước đây Ủy ban Chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế (IASB) cũng đặt tên cho Chuẩn mực của mình là CMKT quốc tế (IAS) nhưng nay đã và đang chuyển đổi thành Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS). Việc đổi tên gọi Chuẩn mực quốc tế không đơn thuần chỉ là việc thay tên đổi họ cho một hệ thống Chuẩn mực, vấn đề cốt lõi là muốn nhấn mạnh đến mục đích của Chuẩn mực là cung cấp thông tin trên BCTC chứ không phải là ghi chép kế toán.
Tôi cho rằng, việc ghi chép ban đầu trên sổ kế toán, tập hợp các thông tin trên hóa đơn đầu vào là công đoạn đầu tiên và chỉ đóng vai trò thứ yếu, chưa thể coi là tất cả công việc cần phải làm, sản phẩm cuối cùng của người làm kế toán chính là BCTC. Việc công bố BCTC sẽ được sử dụng công khai và có hiệu quả, theo tôi đây chính là thành công của người làm kế toán.
Trong bối cảnh hiện nay, người làm kế toán đã có sự thay đổi như thế nào trong công tác kế toán, thưa ông?
Trong bối cảnh tin học hóa diễn ra mạnh mẽ, hầu hết các DN đã sử dụng phần mềm cho công tác kế toán. Các phần mềm ngày càng hiện đại, càng giúp tiết kiệm công sức của người làm kế toán, làm thay nhiệm vụ của một BOOKEEPER, người làm công tác kế toán không còn phải lập các bút toán định khoản như trước đây, khi làm kế toán thủ công. Vì vậy, kỹ năng định khoản lập các bút toán kế toán không còn được xem trọng, dần chuyển thành kỹ năng nhập dữ liệu là chính.
Tôi chia sẻ rằng, kế toán trước đây cũng như ngày nay hướng đến việc cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho người sử dụng BCTC nên người làm kế toán cần phải được trang bị các kỹ năng và kiến thức để lập và trình bày BCTC một cách hợp lý và trung thực. Trong quá trình lập BCTC, phần lớn thời gian được dùng để thu thập và xử lý dữ liệu, đây mới là công việc chính của người làm kế toán, việc nhập dữ liệu không phải là công việc mất nhiều thời gian, kỹ năng và công sức, thậm chí không cần đến người làm công tác kế toán phải đích thân nhập dữ liệu. Trên thực tế, thông tin tài chính ban đầu lại không xuất phát từ phòng kế toán mà đến từ các bộ phận kỹ thuật, kinh doanh, nghiên cứu thị trường, tổ chức..., người làm kế toán căn cứ vào các thông tin thô (các số liệu khô khan chưa có ý nghĩa và chưa có giá trị sử dụng), được các bộ phận liên quan cung cấp để xử lý thành thông tin tài chính hữu ích (các thông tin có giá trị sử dụng cho việc ra quyết định kinh tế).
Với tình hình trên, ông đưa ra những lời khuyên nào cho người làm kế toán để đáp ứng với yêu cầu đổi mới và hội nhập, thưa ông?
Theo tôi, để đáp ứng yêu cầu đổi mới về lĩnh vực kế toán tại Việt Nam hiện nay, người làm kế toán cần phải trang bị những kỹ năng và kiến thức như sau:
Thứ nhất, do yếu tố quyết định đối với phương pháp kế toán là bản chất và cách thức vận hành của giao dịch kinh tế nên người làm kế toán cần phải có các kiến thức về các giao dịch kinh tế và bản chất của các giao dịch. Bên cạnh đó, người làm kế toán cũng cần nắm vững các nguyên tắc kế toán thì mới có thể lựa chọn các nguyên tắc kế toán phù hợp khi phản ánh các giao dịch kinh tế phát sinh và biết cách vận dụng các nguyên tắc lý thuyết của chuẩn mực kế toán vào từng tình huống cụ thể của thực tiễn đơn vị.
Thứ hai, nhiều quy định của Chuẩn mực yêu cầu sử dụng các kỹ năng tính toán tài chính, như tính dòng tiền chiết khấu, xác định giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, ước tính tổn thất...; Ngoài ra, do nhiệm vụ của kế toán là cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý của chủ DN nên người làm kế toán phải có được các kiến thức về tài chính, nắm được kỹ năng tổng hợp và phân tích thông tin tài chính quá khứ và dự báo trong tương lai.
Thứ ba, người làm kế toán phải hiểu được yêu cầu của người sử dụng BCTC để có thể cung cấp thông tin tài chính hữu ích. Như trên tôi đã nói, phần lớn dữ liệu đầu vào cho kế toán không xuất phát từ bộ phận kế toán, như vậy người làm kế toán cần biết cách lấy dữ liệu, tức là đưa ra yêu cầu cụ thể đối với các bộ phận liên quan (bộ phận kỹ thuật, kinh doanh, chiến lược, thẩm định giá...) để họ có thể cung cấp được dữ liệu theo đúng yêu cầu cho việc lập và trình bày BCTC.
Thứ tư, khi đã có dữ liệu được cung cấp, người làm kế toán cần có các kỹ năng để xử lý dữ liệu và trình bày các dữ liệu đó trên BCTC, biến các con số khô khan trở thành các con số biết nói.
Thứ năm, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước luôn là một nhiệm vụ không thể thiếu của DN, vì vậy người làm kế toán phải có các kiến thức về kê khai, quyết toán thuế.
Tôi cho rằng, tất cả các kỹ năng nêu trên đều có vai trò và vị trí của nó, tuy nhiên các kỹ năng lập và trình bày BCTC, các hiểu biết về bản chất và cách thức vận hành của các giao dịch kinh tế đóng vai trò then chốt vì thiếu nó, người làm công tác kế toán không thể cung cấp được thông tin tài chính hữu ích cho người sử dụng BCTC phục vụ việc ra các quyết định quản lý, điều hành – mục đích chính của công tác kế toán. Các kỹ năng ghi sổ kế toán (lập các bút toán định khoản), kê khai thuế đóng vai trò thứ yếu, chỉ mang tính chất hỗ trợ cho mục đích chính của công tác kế toán.
Xin cảm ơn ông!