Bà Rịa - Vũng Tàu:

Phát triển công nghiệp hỗ trợ có chiều sâu

Theo Tâm Anh/daibieunhandan.vn

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Đồng cho biết, triển khai Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, tỉnh có gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với đa dạng các ngành nghề như linh kiện điện tử, đóng sửa tàu thuyền, linh kiện máy móc, hóa chất, cơ khí…

Công nghiệp hỗ trợ chiếm 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp

Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.

Ngày 6/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (Nghị quyết 115). Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao. Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ hình thành 5 trung tâm hỗ trợ kỹ thuật trên toàn quốc để cung cấp các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, điện tử và 2 trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghiệp lĩnh vực dệt may, da giày nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, sản xuất thử nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết 115, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án, từ đó đạt được những kết quả nhất định trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh đã quan tâm thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của tỉnh. Tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp đã được cải thiện, tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, thân thiện với môi trường.

Tính đến cuối năm 2021, giá trị công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tương đương 150.000 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước sau một thời gian đầu tư vào tỉnh, thành công đã tăng vốn, mở rộng sản xuất.

Sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao

Cuối tháng 12/2021, Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina (Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã khánh thành, đưa vào hoạt động dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, công suất sản xuất 650.000 tấn polypropylene/năm. Trong đó, 300.000 tấn được cung cấp cho thị trường nội địa Việt Nam với chất lượng vượt trội và giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu hiện có, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành sản xuất trong nước. 350.000 tấn còn lại sẽ không chỉ được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á lân cận mà còn sang châu Mỹ và châu Âu.

Ông Choi Young Gyo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina cho biết, doanh thu năm 2021 của giai đoạn 1 của dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene đạt hơn 240 triệu USD, nộp về ngân sách nhà nước hơn 1.400 tỷ đồng. Polypropylene là sản phẩm hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu tạo ra các sản phẩm ứng dụng đa dạng vào các lĩnh vực như dệt may, dụng cụ y tế và vật liệu đóng gói bao bì.

Công ty TNHH Pavonine Vina (Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng, thị xã Phú Mỹ) là một trong những nhà cung cấp chính các phụ kiện điện tử bằng vật liệu nhôm cao cấp cho Tập đoàn Samsung. Giám đốc Nhân sự Công ty Lee Minseog cho biết, năm 2022, doanh nghiệp dự kiến gia công khoảng 2 triệu sản phẩm, tăng 30% so với năm 2021. Các sản phẩm bao gồm khung tivi và các sản phẩm điện tử khác nhau… Cũng theo ông Lee Minseog, “doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư thêm máy móc tự động hóa trong hệ thống dây chuyền sản xuất để tăng công suất 30%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặc biệt chú trọng đến cả môi trường lao động cho công nhân”.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Đồng cho biết, triển khai Nghị quyết 115 của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, tỉnh có gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với đa dạng các ngành nghề như linh kiện điện tử, đóng sửa tàu thuyền, linh kiện máy móc, hóa chất, cơ khí…

Cũng theo ông Đồng, những năm tiếp theo, cụ thể là 5 năm tới đặt mục tiêu sẽ trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ có chiều sâu. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định tiếp tục lựa chọn các dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, không thâm dụng lao động.