Phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại còn nhiều thách thức
(Taichinh) - Dù đã có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây, song việc phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt Nam sẽ găp phải nhiều thách thức” - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) Phạm Xuân Hòe đã nhận định như vậy khi nói về xu hướng phát triển của loại hình dịch vụ này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Xuất hiện nhiều loại hình, dịch vụ tài chính
Theo phân tích của ông Hòe, nếu như trong giai đoạn 2006 - 2010 hệ thống ngân hàng Việt Nam có những thay đổi đáng kể cả về số lượng và cơ cấu của các loại hình tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng thì giai đoạn 2011-2015 được xem là thời điểm bùng nổ của các loại hình sản phẩm, dịch vụ, kênh bán hàng trong ngành ngân hàng.
Theo đó, hầu hết các hệ thống như máy ATM, POS, các kênh Internet banking, mobile banking đều đã được chú trọng phát triển. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011- 2014, số lượng ATM tăng gần 1,5 lần trong khi số lượng POS đã tăng gần 2,5 lần.
Bên cạnh các dịch vụ thanh toán truyền thống như ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, các phương tiện và dịch vụ thanh toán mới trên nền tảng công nghệ hiện đại cũng đã được phát triển một cách đa dạng và dần đi vào cuộc sống như thẻ ngân hàng, Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Home Banking, Ví điện tử...
Tính đến cuối quí I/2015, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 86 triệu thẻ; giao dịch bằng thẻ cũng liên tục tăng qua các năm, nhờ đó, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thành toán đã giảm xuống 12 - 13% đầu năm 2015 dự kiến đạt dưới 11% vào cuối năm 2015.
Ngoài ra, kênh tín dụng và các sản phẩm từ tín dụng như cho vay, bảo lãnh, chiết khấu, bao thanh toán cũng như các phương thức cho vay cũng đã được phát triển mạnh và trở thành kênh chủ lực trong huy động và phân bổ nguồn lực tài chính đối với nền kinh tế.
Cụ thể, thông qua dịch vụ tiền gửi, hệ thống ngân hàng đã huy động được một lượng vốn lớn cho nền kinh tế, trong đó, tín dụng ngân hàng tiếp tục là nguồn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng huy động vốn qua thị trường cổ phiếu và phát hành trái phiếu.
Về thủ tục và thời gian giao dịch cũng đã được rút ngắn tối đa, kết quả khảo sát của NHNN cho thấy, 90% doanh nghiệp được hỏi đánh giá dịch vụ ngân hàng là tiện lợi, 100% đánh giá đảm bảo an toàn và 70% đánh giá chi phí dịch vụ là hợp lý.
Bên cạnh đó, cùng với sự chỉ đạo của NHNN, các công ty chuyển mạch thẻ đã hoàn thành kết nối liên thông hệ thống ATM, liên thông mạng lưới POS trên phạm vi toàn quốc, với trên 16.100 ATM và trên 192.000 POS/EDC được lắp đặt tính đến cuối tháng 3/2015, qua đó thẻ của một ngân hàng đã có thể sử dụng để rút tiền, thanh toán tại hầu hết ATM/POS của các ngân hàng khác, tạo ra tiện ích lớn hơn cho chủ thẻ.
Còn nhiều thách thức
Theo ThS. Đào Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, việc phát triển của các dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng đang gặp nhiều thách thức. Trong đó, yếu tố văn hóa, thói quen tiêu dùng và trình độ dân trí là một rào cản đối với việc phát triển các dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam.
Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm chủ yếu trong tổng phương tiện thanh toán. Trong khi đó, có 30% khách hàng giao dịch tại quầy ít nhất 01 lần/tháng. Mặc dù tỷ lệ giao dịch qua ATM chiếm 70%, nhưng hầu hết là các giao dịch rút tiền mặt vẫn còn e ngại về tính an toàn, ổn định của các phương thức thanh toán điện tử.
Một yếu tố bất lợi khác cho việc ứng dụng công nghệ cao trong việc phát triển và mở rộng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam là tính thiếu ổn định của hệ thống công nghệ. Thực tế cho thấy, việc nghẽn mạng, mất kết nối vẫn xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến tính liên tục và ổn định của các dịch vụ.
Bên cạnh đó, chênh lệch về hạ tầng công nghệ giữa khu đô thị và khu vực nông thôn còn cao cũng gây khó khăn cho ngân hàng trong việc tăng khả năng thâm nhập của các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng, cập nhật của công nghệ đang gia tăng sức ép cho ngân hàng, do phải nhanh chóng đưa ra các sản phẩm mới trên thị trường để đáp ứng thị thiếu của khách hàng và tăng sức cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với áp lực quản lý ngày càng gia tăng khi ngân hàng vẫn phải đảm bảo rằng việc phân tích rủi ro và an toàn giao dịch phải được tiến hành đầy đủ trước khi đưa sản phẩm vào thị trường.
Từ những rào cản trên, ông Hòe cho rằng, trong giai đoạn tới, việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử còn phải chịu tác động từ 8 nhân tố, đó là: Môi trường pháp lý thay đổi, sự phát triển của ngành công nghiệp ngân hàng, sự thay đổi về dân số học, thay đổi về lối sống của người dân, cạnh tranh giữa các định chế tài chính là ngân hàng hay phi ngân hàng, hội nhập và liên kết xu hướng sẽ làm thị trường tài chính ngày các phức tạp, tính bất ổn của thị trường sẽ gia tăng do áp lực tài khóa.
Theo ông Hòe, những nhân tố tác động này sẽ làm cho xu hướng phát triển dịch vụ của các ngân hàng có sự thay đổi rất lớn. Do đó cần thực hiện nhóm giải pháp về hoàn thiện môi trường thể chế đồng bộ, minh bạch, khuyến khích phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng như kênh cung ứng sản phẩm để mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần cải thiện về nguồn lực tài chính, ưu tiên đầu tư mạnh cho phát triển hệ thống công nghệ thông tin để vừa phát triển mạnh về sản phẩm điện tử, vừa triển khai mở rộng kênh bán hàng qua mạng Internet, mobile banking, mạng xã hội nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, Chính phủ cũng nên có chiến lược rõ ràng về giáo dục tài chính đến người dân và đảm bảo sự hoạt động của hệ thống cũng như tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thanh toán quốc tế; các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới.