Ngành ngân hàng đương đầu “cuộc chơi” hội nhập
(Taichinh) - Cùng với xu thế chung của thế giới cũng như cả nước, ngành ngân hàng cũng từng bước tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập đặc biệt là khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Vậy làm sao để thắng thế trong cuộc chơi khốc liệt này đang là thách thức đặt ra với ngành ngân hàng Việt Nam.
Đối mặt thách thức cạnh tranh
Thời gian qua, ngành ngân hàng Việt nam được đánh giá đã phát triển khá mạnh mẽ và từng bước để hội nhập với khu vực và thế giới bằng việc tìm cách mở chi nhánh và văn phòng đại diện tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Tuy nhiên, với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế mà điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã đặt ra thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng trong quá trình điều chỉnh và cải cách để tiến đến một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững và ổn định.
Những rào cản về đầu tư, pháp lý sẽ được gỡ bỏ theo từng hiệp định thương mại tự do được ký kết cộng thêm dân số trên 90 triệu người thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường hấp dẫn cho các định chế tài chính lớn của các nước thành viên xâm nhập và đón đầu các cơ hội. Sự gia nhập này của các ngân hàng nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt đối với các ngân hàng trong nước.
Thách thức đó ngày càng hiện hữu khi hàng loạt các ngân hàng nước ngoài đã có những bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc tận dụng các cơ hội tiếp cận thị trường và có kế hoạch tăng cường sự hiện diện và mở rộng quy mô tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, ngân hàng ở các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều và mở thêm nhiều chi nhánh tại Việt Nam như Singapore, Malaysia, Thái Lan… Đến nay, thị trường Việt Nam đã có hơn 50 văn phòng đại diện, 50 chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài, 6 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 4 ngân hàng liên doanh.
Vững vàng trong cuộc chơi
Mặc dù đã có những bước phát triển nhất định trong thời gian qua nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể giành thế chủ động trong hội nhập khi những hàng rào bảo hộ được dỡ bỏ và lĩnh vực dịch vụ ngân hàng mở cửa hoàn toàn theo các cam kết quốc tế, đòi hỏi hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu không chỉ tập trung vào số lượng mà phải thực chất về chất lượng. Các ngân hàng phải được cải tổ về cách quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước quốc tế đặc biệt là công ước Basel trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, các ngân hàng cần xây dựng được chiến lược cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tối ưu hóa dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng quốc tế hóa là một trong những lời giải cho vấn đề này của các ngân hàng thương mại Việt Nam để khai thác thị trường bán lẻ, nhằm tiếp cận khách hàng và tạo được điểm nhấn khác biệt cho sản phẩm. Đồng thời, cần chú trọng phát triển các kênh phân phối ở nhất là tại những nước và vùng lãnh thổ có tiềm năng phát triển với Việt Nam như Trung quốc và các nước ASEAN...
Tuy nhiên, điều quan trọng để khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường là xác định được phân khúc cốt lõi. Để làm được điều này, ngành ngân hàng phải có những điều tra về chiều sâu để đánh giá đúng nhu cầu khách hàng để từ đó xác định đối tượng mục tiêu và xây dựng hình ảnh của ngân hàng gắn kết với phân khúc đó.
Nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các ngân hàng Việt Nam cũng không thể thiếu yếu tố con người. Hệ thống ngân hàng cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự đủ lớn về chất và lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Cùng với đó là nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, phát triển và hiện đại hóa hệ thống thanh toán và thanh toán liên ngân hàng trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo nên một hệ thống thông suốt và an toàn.