Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới

Thu Mỹ

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động không ngừng gia tăng qua các năm. Trong năm 2022, số DN đang hoạt động đã tăng lên nhờ tăng tốc khởi nghiệp. Năm 2022, số DN đăng ký thành lập mới kỷ lục (148,5 nghìn DN), tăng cao so với những năm trước đó.

Điều đó thể hiện sự hồi phục của kinh tế sau khi Nhà nước thay đổi chiến lược phòng chống đại dịch COVID-19, môi trường đầu tư được cải thiện và sự nỗ lực của đội ngũ doanh nhân trong khởi nghiệp.

Số DN khởi nghiệp tăng đã góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế vượt xa so với mục tiêu đề ra (8,02% so với 6-6,5%) và là tín hiệu khả quan cho việc tăng tốc khởi nghiệp trong các năm tới.

Trong đó, số DNNVV chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng DN Việt Nam, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp đáng kể khoảng 40% GDP hàng năm. Giữ vai trò là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân, khu vực DNNVV đã có những đóng góp thúc đẩy sự chuyển mình và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua.

Nhìn chung, số lượng DNNVV tại Việt Nam tăng trưởng nhanh. DNNVV đã thu hút một lượng vốn đáng kể trong dân cư vào sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta.

Các DNNVV đã nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Các DNNVV phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm.

Các DNNVV đã đóng góp một tỷ lệ đáng khích lệ về giá trị sản xuất của các ngành, đóng góp vào ngân sách hàng năm của nước ta. Các điều kiện nhằm phát triển DNNVV đã  được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm và phần nào được cải thiện, tạo điều kiện cho DNNVV ra đời và hoạt động.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, thực tế cũng cho thấy, phát triển DNNVV tại Việt Nam chưa gắn với lợi ích chung, lâu dài bền vững của toàn xã hội; DNNVV nhỏ bé về quy mô vốn, lao động, sức cạnh tranh yếu; Trình độ và năng lực quản lý sản xuất kinh doanh của các chủ DN; trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề của người lao động trong các DNNVV vẫn còn rất nhiều hạn chế; Thiết bị máy móc phần lớn lạc hậu, chưa ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý; Các DNNVV gặp khó khăn về vốn, khả năng tự tài trợ vốn còn kém; Năng lực cạnh tranh sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ bé; Khả năng liên kết, hợp tác, tham gia hiệp hội của các DNNVV còn hạn chế; Các điều kiện phát triển DNNVV đã cải thiện, nhưng còn nhiều hạn chế.

Giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Xuất phát từ thực trạng trên, tác giả cho rằng chúng ta nên mở rộng liên kết, liên doanh, đa dạng hoá ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, vươn ra thị trường quốc tế; Phát triển DNNVV gắn với phát triển bền vững; Phát triển DNNVV phải phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Để DNNVV phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội cần quan tâm đến một số giải pháp sau:

- Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự tạo lập và hoạt động của DNNVV.

 Chính quyền địa phương cần quan tâm cải thiện một số nội dung sau: Tăng cường tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tăng cường nỗ lực cải cách hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời DN; phát triển dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao tính năng động tiên phong của đội ngũ lãnh đạo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế.

- Hoàn thiện chính sách về thị trường. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các DN trong việc xây dựng thương hiệu; Khuyến khích phát triển các dịch vụ tư vấn hoặc xây dựng hệ thống cung cấp thông tin pháp luật, thông tin kinh doanh miễn phí.

- Tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực. Về nguồn lực đất đai, cần tập trung chỉ đạo và có cơ chế hoạt động cụ thể để tăng cường chức năng giám sát của chính quyền và đoàn thể các cấp; Về nguồn lao động, cần đẩy mạnh đào tạo nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý doanh nghiệp; Về nguồn vốn, tạo giải pháp mở rộng và nâng cao khả năng tín dụng đối với các DN thông qua việc đổi mới cơ chế và chính sách tín dụng của các tổ chức ngân hàng.

- Nâng cao năng lực quản lý và điều hành DN. Ba khối kiến thức và kỹ năng mà các nhà quản trị doanh nghiệp cần quan tâm đào tạo là: Kiến thức, kỹ năng quản trị hiện đại và chuyên nghiệp; Ngoại ngữ;  Tin học ứng dụng trong thương mại và quản lý hệ thống thông tin DN.

DNNVV quan tâm đến một số cách để tạo ra nguồn vốn phục vụ cho hoạt động của DN như sau: Tạo vốn từ nguồn tự có; Tạo vốn thông qua vay; Tạo vốn thông qua đi thuê tài chính; Tạo vốn thông qua liên kết.

- Nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại. Đối với thị trường nội địa: lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh, không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng. Đối với thị trường xuất khẩu: cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xây dựng kênh phân phối, mở rộng đại lý bán hàng ở nước ngoài, thúc đẩy các mối quan hệ và xúc tiến thương mại qua các hiệp hội, các cơ quan thương mại, tham gia hội chợ quốc tế.

- DNNVV cần sắp xếp bố trí hợp lý đội ngũ lao động hiện có; Tiêu chuẩn hoá lao động trong DN; tăng cường đào tạo, đào tạo lại dưới nhiều hình thức. Tạo sự gắn bó về quyền lợi và trách nhiệm của người lao động với DN bằng các chính sách nhằm tạo động lực cho người lao động.

- Nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ theo hướng: nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý kỹ thuật - công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng 23 công nghệ cao; nắm bắt và làm chủ công nghệ then chốt, mũi nhọn, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

- Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết thông qua hợp đồng gia công, nhà thầu phụ hoặc tham gia hiệp hội DN. Cần chú ý sử dụng chung cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết khác của hiệp hội hoặc của các DN với nhau nhằm duy trì hoạt động giúp kết nối các bên trở nên mạnh hơn.

Trong giai đoạn hiện nay, DNNVV giữ vai trò ổn định nền kinh tế đồng thời đóng góp to lớn, quan trọng vào thu ngân sách, tạo công ăn việc làm trong cả nước, đóng góp một phần không nhỏ vào giá trị GDP cho nước ta.

Tuy nhiên, phát triển DNNVV đang gặp những rào cản, khó khăn, nhất định. Để DNNVV có thể phát triển một cách bền vững, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp từ chính mỗi DNNVV.