Giải pháp nâng cao năng lực quản trị rủi ro của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và hoạt động quản trị rủi ro còn nhiều bất cập, trong thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam buộc phải dừng hoạt động. Làm thế nào để nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho doanh nghiêp nhỏ và vừa là mối quan tâm hiện nay
Thưc trạng quản trị rủi ro của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Các doanh nghiệp nhỏ vừa vừa (DNNVV) ở Việt Nam chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác quản trị rủi ro (QTRR). Theo Vũ Anh (2021), phần lớn DNNVV ở Việt Nam chưa có cơ chế và phương pháp luận để chống đỡ rủi ro. Theo Thúy Hà (2017), khoảng 30% - 40% DNNVV ở Việt Nam thực hiện một vài bước trong quy trình QTRR. Đây là một tỷ lệ rất thấp phản ánh năng lực quản trị chưa tốt của các nhà quản lý DNNVV. Hệ quả tất yếu của tình trạng này là khả năng chống đỡ rủi ro của các DNNVV ở mức thấp khi bối cảnh đại dịch xảy ra.
Theo Báo cáo tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với DN Việt Nam, tại Việt Nam, 87,2% DN bị ảnh hưởng “hoàn toàn tiêu cực” hoặc “phần lớn” do dịch bệnh. Trong đó, chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 03 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ, nhỏ.
Do hoạt động QTRR chưa được quan tâm nên các đợt bùng phát dịch bệnh kéo dài, cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội đã đẩy các DNNVV vào hoàn cảnh khó khăn. Các DNNVV thường tập trung trong những lĩnh vực thương mại, dịch vụ như thương mại bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, các dịch vụ cá nhân khác.
Đây là nhóm ngành bị ảnh hưởng tiêu cực nhất do những hạn chế về tiếp xúc, giãn cách xã hội… Điều này làm cho khi biến cố bất thường xảy ra, khả năng đáp ứng thanh khoản kém hơn. Mặc dù được sự hỗ trợ từ các gói chính sách của Chính phủ nhưng các DNNVV phần suy giảm mạnh dòng tiền, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN.
Bên cạnh đó, các DN nhỏ cũng chưa chú trọng đến QTRR hoạt động cũng có lượng hàng tồn kho và mạng lưới nhà cung cấp nhỏ hơn nên dễ bị tổn thương hơn khi chuỗi cung ứng bị dứt gãy và tăng giá do ảnh hưởng của đại dịch. Do không có năng lực QTRR nên các DNNVV thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh trước các biến động của môi trường.
Theo Tổng cục Thống kê (2021), thiếu hụt lao động đang trở thành vấn đề của các DN, bao gồm DNNVV ở một số ngành khát nhân lực nghiêm trọng, như: sản xuất da và các sản phẩm liên quan gần 52%; sản xuất trang phục 49%.
Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và hoạt động QTRR còn nhiều bất cập, hàng loạt các DNNVV buộc phải dừng hoạt động. Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ba quý đầu năm 2021, có đến hơn 79 nghìn DN, trong đó chủ yếu là các DNNVV, tương ứng tăng 255% so với cùng kỳ năng trước.
Tình hình vẫn tiếp tục kém khả quan khi trong quý I/2022, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 35,7 nghìn DN, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước; 11,3 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,1%; hơn 3,8 nghìn DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sức chống chịu của các DN nhỏ và siêu nhỏ rất hạn chế.
Nâng cao năng lực quản trị rủi ro của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dựa trên cơ sở lý thuyết về quản trị rủi ro DNNVV, thực trạng QTRR trong giai đoạn vừa qua, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các DNNVV Việt Nam trong thời gian tới, như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về hoạt động quản trị rủi ro. Trải qua biến cố dịch bệnh COVID-19, các DNNVV vẫn đang tiếp tục hoạt động được xem như là một thành công. Tuy vậy, các nhà quản trị cũng cần phải nhận thức rõ vai trò của QTRR đặc biệt trong bối cảnh nhiều bất ổn như hiện nay. Khi thấy được tầm quan trọng của quản trị rủi ro trong hoạt động DN, các nhà quản trị sẽ chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan về quản trị rủi ro để áp dụng cho DN.
Thứ hai, khi đã nhận thức được vai trò quan trọng của QTRR trong việc đảm bảo duy trì hoạt động bền vững của DN, trước mắt, các nhà quản lý cần giải quyết các vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của thay đổi môi trường đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đặc biệt, cần phải xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời với những thay đổi của điều hành chính sách trong bối cảnh “bình thường mới”. Phải xem dịch bệnh và những thay đổi chính sách trong môi trường quốc tế nhiều bất ổn như hiện nay là rủi ro để DNNVV có thể chủ động ứng phó.
Thứ ba, các nhà quản lý cần xây dựng quy trình QTRR, tối thiểu phải đảm bảo các nguyên tắc và các bước trong quy trình QTRR. Trong đó, bước thiết lập mục tiêu đòi hỏi các nhà quản lý có thông tin, cơ sở dữ liệu và tầm nhìn để xây dựng mục tiêu phù hợp với môi trường kinh doanh.
Điều này đòi hỏi bản thân các nhà quản trị cũng phải không ngừng hoàn thiện năng lực quản trị của bản thân. Bên cạnh đó, các nhà quản trị cần phải xây dựng cơ chế nhận diện rủi ro liên quan đến đầy đủ các bộ phận, các hoạt động của DN, nhằm làm cơ sở đánh giá, định lượng ảnh hưởng của rủi ro đến DN.
Từ đó, DNNVV phải chủ động xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với các loại rủi ro quan trọng. Toàn bộ các nội dung có liên quan phải được truyền tải đến từng bộ phận, từng nhân viên nhằm đảm bảo hiệu quả của hoạt động QTRR. Hoạt động giám sát rủi ro phải liên tục, thường xuyên duy trì nhằm có sự đánh giá, điều chỉnh kịp thời. Trong đó, các rủi ro được xem là trọng yếu bên trong DN như rủi ro thanh khoản, rủi ro thanh toán, rủi ro hoạt động cần phải được ưu tiên đánh giá và thực hiện các hoạt động quản trị phù hợp.