Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng


Cùng với quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), vị trí, vai trò của doanh nghiệp ngày càng được xác định rõ ràng, đầy đủ hơn. Đại hội XIII của Đảng xác định, phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, đồng thời đưa ra mục tiêu và các định hướng cho phát triển khu vực này. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Dây chuyền sản xuất của nhà máy sữa Vinamilk tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP
Dây chuyền sản xuất của nhà máy sữa Vinamilk tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP

Doanh nghiệp - lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước

Trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí của doanh nghiệp cũng như định hướng phát triển doanh nghiệp có sự phát triển theo hướng ngày càng tiệm cận với quan niệm về nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế, mà trước hết là bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự do cạnh tranh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Về vai trò và định hướng phát triển các loại hình doanh nghiệp, Đại hội XI nhấn mạnh: “Cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước”(1), các loại hình doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Đến Đại hội XII, Đảng tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xác định đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, bên cạnh việc khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, văn kiện xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là một bước phát triển quan trọng góp phần khơi gợi tiềm năng to lớn trong nhân dân để phát triển đất nước.

Về vai trò và định hướng phát triển các loại hình doanh nghiệp, Đại hội XII có cách nhìn tổng quan hơn, bước đầu xem xét các doanh nghiệp Việt Nam như một tổng thể hữu cơ, gắn bó với nhau: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”(2) và đã ra nhiệm vụ: “Có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(3), “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”(4).

Đại hội XIII tiếp tục thống nhất và nâng cao một bước nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó xác định: “... kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(5).

Tuy vẫn có đánh giá riêng về vai trò, vị trí và định hướng phát triển của từng loại hình doanh nghiệp(6) nhưng nhìn chung, xuyên suốt văn kiện là tinh thần coi doanh nghiệp Việt Nam là một tổng thể gắn bó, liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh bình đẳng, tạo nên năng lực cạnh tranh của đất nước trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam góp phần quyết định vào việc thực hiện mục tiêu đưa nước ta đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp và thực hiện các mục tiêu tiếp theo đến năm 2030 và năm 2045.

Văn kiện đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60% - 65%.

Đây là mục tiêu lớn, đầy tham vọng nếu tính đến thực trạng doanh nghiệp Việt Nam cũng như những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Về số lượng doanh nghiệp, “Giai đoạn 2016  - 2020, trung bình mỗi năm có 128,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng hơn 2,6 lần so với năm 2015. Lũy kế đến hết năm 2020, số doanh nghiệp đã đăng ký (đã trừ các doanh nghiệp giải thể) là 1,4 triệu doanh nghiệp”(7).

Tuy nhiên, số doanh nghiệp đang hoạt động ít hơn rất nhiều. Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, có 508.770 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, chiếm 67,1%; 239.755 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 31,6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.085 doanh nghiệp, chiếm 1,3%.

Một số địa phương có mật độ doanh nghiệp tập trung cao như: TP. Hồ Chí Minh có 239.623 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 31,6% tổng số doanh nghiệp cả nước; Hà Nội: 155.940 doanh nghiệp, chiếm 20,6%; Bình Dương: 31.599 doanh nghiệp, chiếm 4,2%; Đồng Nai: 22.398 doanh nghiệp, chiếm 2,95%; Đà Nẵng: 22.566 doanh nghiệp, chiếm 2,97%(8). Bình quân cả nước chỉ có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân trong khi bình quân các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 11 doanh nghiệp/1.000 người dân, còn các nước phát triển thì có 100 doanh nghiệp/1.000 người dân(9).

Không chỉ hạn chế về số lượng, chất lượng của doanh nghiệp cũng còn những vấn đề phải quan tâm. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, cơ chế quản trị lạc hậu; phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu; nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ trung bình, chủ yếu gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước.

Những hạn chế đó cũng chính là những hạn chế của nền kinh tế như nhận định tại Đại hội XIII của Đảng: “Năng lực và trình độ của nền kinh tế nhìn chung còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế;...”(10).

Định hướng phát triển doanh nghiệp Việt Nam

Để đạt mục tiêu phát triển số lượng và chất lượng doanh nghiệp, trên cơ sở quan điểm của Đảng về phát triển doanh nghiệp tại Đại hội XIII, có thể rút ra những định hướng cho sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam cho giai đoạn tới như sau:

Thứ nhất, phát triển doanh nghiệp bền vững gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Các mô hình tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường đang ngày càng được nhiều quốc gia lựa chọn. Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm phát triển tổng quát đã được Đảng ta xác định. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững thì mỗi doanh nghiệp phải phát triển bền vững, nghĩa là doanh nghiệp cũng cần hài hòa 3 mục tiêu của tam giác phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường.

Doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch, định hướng của Nhà nước, tuân thủ pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, đóng góp nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực thể hiện trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước hết là bảo đảm phúc lợi ngày một tốt hơn cho những người lao động của mình, đồng thời tham gia tích cực vào công tác xã hội ở địa phương, nơi doanh nghiệp hoạt động cũng như toàn xã hội nói chung.

Yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ thì doanh nghiệp cần tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của nó vào thực tiễn, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững.

Phát triển doanh nghiệp Việt Nam để không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới. Qua đó, khẳng định vai trò, vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu và có khả năng cung cấp những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Muốn vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường gắn kết chặt chẽ với các trường đại học, các viện nghiên cứu để đưa ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu thành thực tiễn, đồng thời tham gia hiệu quả vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ trực tiếp cho nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo của bản thân mỗi doanh nghiệp. Định hướng nêu trên được xác định rõ trong văn kiện Đại hội XIII: “phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”(11); “phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ”(12).

Thứ hai, phát triển doanh nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua tuy đạt được một số kết quả quan trọng nhưng về cơ bản vẫn chưa tạo được bước chuyển sang mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và của đất nước và nhất là trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đại hội XIII của Đảng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, bao gồm công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu bảo đảm độc lập, tự chủ, văn kiện Đại hội XIII định hướng: “Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những ngành công nghiệp mới, hiện đại”(13).

Trong cơ cấu lại nông nghiệp, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới thông qua “phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp nông nghiệp”(14).

Thứ ba, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp.

Một cách tổng quan, Đại hội XIII đã nhìn nhận các doanh nghiệp Việt Nam như một hệ thống hữu cơ của nền kinh tế quốc dân với các mối liên hệ liên kết, hợp tác, cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi loại hình doanh nghiệp đều phải cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, qua đó có vị trí xứng đáng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Sự phát triển của mỗi loại hình doanh nghiệp không dàn đều mà có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu xây dựng một số tập đoàn, doanh nghiệp mạnh về năng lực tài chính, quản trị, công nghệ, có khả năng dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp khác, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Với tinh thần đó, cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị doanh nghiệp nhà nước theo các chuẩn mực quốc tế; bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Đồng thời, “Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, thực hiện quyền tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”(15).

Đối với doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Đây là một hướng quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. “Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”(16).

Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chuyển trọng tâm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí thu hút chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp

Mục tiêu phát triển doanh nghiệp mà Đại hội XIII đề ra rất to lớn, đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được Đại hội XIII đưa ra với tinh thần chung là lấy doanh nghiệp là trung tâm, giải pháp tổng thể là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. “Phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu”(17).

Thời gian qua, vấn đề phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thực tế hằng năm, Chính phủ đều tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, kiến nghị, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Hằng năm, Chính phủ đều ban hành một nghị quyết riêng về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với các nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp. Nhiều giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được triển khai.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 6,8 nghìn trong tổng số 9,9 nghìn dòng hàng kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 3,9 nghìn trong tổng số 6,2 nghìn điều kiện kinh doanh; cắt giảm 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; hơn 1,5 nghìn mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được xử lý;... Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng nhanh, từ thứ 90/189 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2016 lên thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019(18).

Trong thời gian tới, để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cần tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, những khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp thường gặp, cụ thể:

Trước hết, về cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tiếp tục cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra, môi trường, đặc biệt là công tác kiểm tra chuyên ngành. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành đẩy mạnh việc cắt giảm, loại bỏ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng doanh nghiệp vẫn có nhiều kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, loại bỏ các thủ tục kiểm tra không cần thiết.

Thực hiện chức năng kiến tạo phát triển, Chính phủ, chính quyền các cấp phải đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Trong thành công của doanh nghiệp, có đóng góp của chính quyền và trong thất bại của doanh nghiệp cũng phải thấy trách nhiệm của chính quyền. Thành công của doanh nghiệp, của doanh nhân là thành công của đất nước. Vì vậy, cần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực quản lý liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tích cực đổi mới phương thức làm việc, thực sự lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động công vụ; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, kịp thời biểu dương, khen thưởng sự tận tụy, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và xử lý nghiêm các vi phạm.

Về tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung vào xây dựng và phát triển thể chế thị trường khoa học và công nghệ; phát triển các tổ chức và thiết chế hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ như sàn giao dịch công nghệ, vườn ươm khoa học - công nghệ, trung tâm ứng dụng, môi giới và chuyển giao công nghệ, dịch vụ sở hữu trí tuệ, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp, hoàn thiện chính sách về vay vốn, thuế, hỗ trợ phát triển, tạo động lực và điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ; thường xuyên rà soát, đánh giá các ngành, nghề kinh doanh, tiêu chuẩn, điều kiện được tiếp cận các ưu đãi về thuế, tín dụng, vừa bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo đúng mục tiêu thúc đẩy khoa học và công nghệ, vừa bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; phát huy hiệu quả của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,...

Có cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, các viện nghiên cứu để đặt hàng, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; tham gia hiệu quả vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Về bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi những chồng chéo, mâu thuẫn trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật, trước mắt là xử lý 20 chồng chéo lớn thuộc các lĩnh vực có tác động rất lớn tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh như: đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản... theo tổng hợp và phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, được rút ra từ hơn 200 vấn đề phản ánh thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp(19).

 Để tiếp tục nâng cao chất lượng trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, nói chung, liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, cần thực hiện nghiêm túc việc tham vấn các đối tượng chịu tác động và tham vấn chuyên gia; nâng cao chất lượng và trách nhiệm tham gia của cán bộ pháp chế cũng như người đứng đầu các bộ, ngành. Thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp để có các phản ứng chính sách kịp thời; giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập liên quan đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp là một nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính sách tài chính - tiền tệ cần hướng tới việc bảo đảm một mặt bằng lãi suất phù hợp, khuyến khích đầu tư, kinh doanh. Nghiên cứu quy định mức đóng góp của người sử dụng lao động một cách hợp lý, vừa bảo vệ quyền lợi của người lao động, vừa không tạo gánh nặng chi phí cho người sử dụng lao động (tiền lương tối thiểu, phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,...). Giảm, giãn nộp, hoãn nộp tiền thuê đất, thuế, nhất là trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động của doanh nghiệp(20).

Một trong những hướng giảm chi phí kinh doanh quan trọng là giảm chi phí lô-gi-stíc. Chi phí này đang chiếm tỷ lệ rất cao trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới là 20% GDP) mà nguyên nhân chủ yếu là: thủ tục thông quan (hải quan và kiểm tra chuyên ngành) phức tạp; các khu, cụm công nghiệp chưa gắn kết tốt với quy hoạch hạ tầng giao thông; hạ tầng các dịch vụ kho bãi thiếu và yếu...

Về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Nhà nước cần có kế hoạch tổng thể về cải cách tư pháp liên quan đến hoạt động doanh nghiệp nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và có thể dự báo được. Trước mắt, tập trung vào việc rút ngắn thời gian xét xử các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp và thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp; đưa ra các mục tiêu và giải pháp để rút ngắn thời gian và tăng tính hiệu quả khi thi hành án dân sự; có chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chính đáng, hợp pháp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu doanh nghiệp.

Cuối cùng, để thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp, không thể thiếu vai trò đội ngũ doanh nhân. Hiện chúng ta đã có hàng triệu doanh nhân đang điều hành hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh, tạo ra việc làm cho hàng chục triệu người dân, đóng thuế cho Nhà nước và tham gia giải quyết vấn đề xã hội.

Trong phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước.

Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi,... Tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(21)./.

-----------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 36
(2), (3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 105, 106.

(5), (6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 129, 129 - 130.

(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 30.

(8) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020, tr. 25. 

(9) Văn phòng Chính phủ: Thông cáo báo chí Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ngày 23-12-2019.

(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 80.

(11), (12), (13), (14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 121, 226, 43 - 44, 243.

(15), (16), (17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 240, 224.

(18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 29.

(19) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Báo cáo tổng hợp, đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2019, số 0036/PTM - KHTH, ngày 8/1/2020.

(20) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngày 19/4/2021, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 167 - 168.

Theo Nguyễn Đức Kha/Tạp Chí Cộng sản.