Phát triển Du lịch vùng Tây Bắc trong bối cảnh đại dịch COVID-19


Vùng Tây Bắc là khu vực có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng lại có nhiều lợi thế đặc thù trong phát triển du lịch. Du lịch đã và sẽ là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Vùng. Tuy nhiên, thời gian qua, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây rất nhiều khó khăn cho phát triển du lịch của Vùng. Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động du lịch của Vùng trong giai đoạn đại dịch COVID-19, từ đó đề xuất một số khuyến nghị giúp Vùng Tây Bắc hồi phục và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Giới thiệu

Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là địa bàn sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em, trong đó khoảng gần 70% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Với đặc thù về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, du lịch Tây Bắc cần trở thành trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của Vùng.

Thời gian qua, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đối mặt với đại dịch Covid -19. Đại dịch COVID-19 tác động đến hầu hết các ngành nghề, trong đó ngành Du lịch được xem là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ hoạt động du lịch trong nước nhưng thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động… (Tổng cục Thống kê, 2020).

Hoạt động du lịch vùng Tây Bắc cũng không ngoài xu hướng chung này, tuy nhiên thách thức và cơ hội luôn đan xen, vấn đề cần có những điều chỉnh hợp lý, cũng như biến các thách thức thành cơ hội phát triển du lịch vùng Tây Bắc thời gian tới.

Tiềm năng phát triển du lịch Tây Bắc

Tây Bắc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, cụ thể:

Về cảnh quan thiên nhiên: Tây Bắc có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; Sa Pa-Thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải với những khu ruộng bậc thang nổi tiếng; Hồ Pá Khoang, Thác Bà rộng lớn nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; Thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào.

Về truyền thống văn hóa: Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khau Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ Pí cặp, pí sên, khèn môi… là tiềm năng du lịch hấp dẫn những du khách thích khám phá và trải nghiệm.

Về hạ tầng giao thông: Tây Bắc là vùng rộng lớn với địa hình hiểm trở, rừng núi trập trùng, vì vậy để phát triển du lịch về không gian thì điều kiện tiên quyết là phải có sự kết nối của các tuyến đường giao thông thuận lợi. Chính phủ đã đầu tư và hoàn thành tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc này có ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao khả năng tiếp cận các tỉnh vùng Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đi qua 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch nói riêng, tạo đà dịch chuyển và góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội khu vực nói chung. Tuy nhiên, hiện hệ thống giao thông vùng Tây Bắc chưa được đầu tư đồng bộ, đường xá đi lại còn gặp nhiều khó khăn.

Về sản phẩm du lịch: - Du lịch cộng đồng- sinh thái: Du lịch cộng đồng- sinh thái là thế mạnh của vùng Tây Bắc với sự đa dạng văn hóa các dân tộc. Điều quan trọng là bản sắc văn hóa các dân tộc vẫn được giữ gìn qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, thể hiện qua các phong tục, tập quán, các lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khau Vai, múa sạp, xòe, hát then, múa khèn và biểu diễn pí cặp, pí sên, khèn môi; trong nét kiến trúc nhà ở, bản làng; những phiên chợ vùng cao nhiều màu sắc và những nét ẩm thực đặc trưng, độc đáo của vùng. Hồ Thác Bà – một biển hồ trong lòng Tây Bắc, Vùng văn hóa Mường Lò…

- Du lịch khám phá, trải nghiệm và mạo hiểm: Sự đa dạng về văn hoá, cộng đồng nhiều dân tộc sinh sống đậm bản sắc văn hoá, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hùng vĩ là niềm khao khát chinh phục của những người yêu thích khám phá, trải nghiệm và mạo hiểm. Tây Bắc có địa hình chủ yếu là núi và cao nguyên với cảnh quan hùng vĩ, trải dài và liên tục; thảm thực vật với hệ sinh thái vô cùng đa dạng, đặc trưng đủ các kiểu loại khí hậu của vùng nhiệt đới với những khu rừng nguyên sinh rậm rạp...

Bên cạnh đó, còn có quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là khu di tích lịch sử Mường Phăng, khu di tích quốc gia Căng và đồn Nghĩa Lộ và di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La… là nơi để khám phá, tìm hiểu lịch sử của các nhà nghiên cứu, du khách nước ngoài.

- Du lịch nghỉ dưỡng: Nhiều điểm du lịch nổi tiếng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như Bản Lác, Bản Poong Cọm (Mai Châu). Bên cạnh đó, Hòa Bình còn có nguồn nước khoáng phong phú, chất lượng như suối khoáng Kim Bôi, khoáng nóng xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn), xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy)… là những điều kiện tốt để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Về nguồn nhân lực du lịch: Đối với đội ngũ lao động nghiệp vụ, đại đa số lao động trong ngành Du lịch của vùng chủ yếu là lao động phổ thông ở trình độ thấp, không có tay nghề cơ bản nên hoạt động kinh doanh còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trong kinh doanh du lịch. Cơ cấu lao động chưa cân đối, chủ yếu tập trung vào lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, đội ngũ hướng dẫn viên và liên quan còn thiếu.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, số lượng lao động trong lĩnh vực du lịch của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ là 25.183 người, số lượng lao động này được tính bao gồm cả nhân lực các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc và cả lao động của các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Những năm gần đây, các địa phương còn được thừa hưởng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện, nhiều cư dân cộng đồng địa phương, các đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch để phát triển du lịch cộng đồng, nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo.

Hầu hết lực lượng lao động trong ngành Du lịch của vùng được chuyển công tác từ các bộ phận và chuyên ngành khác nhau đến làm du lịch, vì thế kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về du lịch chủ yếu được tiếp thu qua các lớp tập huấn ngắn ngày, qua học tập kinh nghiệm… Vì vậy, số lao động này chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, quản lý và kinh doanh hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch sẵn có.

Về hệ thống cơ sở lưu trú: Hiện tại, vùng Tây Bắc có 307 cơ sở lưu trú được xếp hạng với gần 9.000 buồng. Trong đó, có 3 cơ sở 4 sao, 13 cơ sở 3 sao, 94 cơ sở 2 sao và 197 cơ sở 1 sao và chưa có cơ sở nào đạt tiêu chuẩn 5 sao. Hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí tại vùng Tây Bắc vẫn thiếu so với tiềm năng phát triển.

Thực trạng hoạt động du lịch vùng Tây Bắc

Những năm gần đây, khách du lịch đến với Tây Bắc ngày một tăng, nhưng lượng khách phân bổ không đều giữa các địa phương, tính mùa vụ cao, tập trung vào các lễ hội đầu năm. Năm 2018, lượt khách tham quan du lịch đến các tỉnh Tây Bắc ước đạt gần 18 triệu lượt khách, tăng khoảng 12% so với năm 2017; khách lưu trú du lịch đạt trên 6,4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt, tăng hơn 11%... Trong đó, Lào Cai đón gần 2 triệu lượt khách, lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng 1,5 lần, tăng trưởng kinh tế của Lào Cai đạt 14,1%; Hòa Bình đón hơn 2,5 triệu lượt khách; Sơn La đón gần 1,6 triệu lượt khách; Yên Bái đón khoảng 466.000 lượt khách; Điện Biên đón khoảng 420.000 lượt khách; Lai Châu đón 182.400 lượt khách; Thời gian lưu lại của khách du lịch năm 2020 trung bình rất ngắn, dưới 1,5 ngày; Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể. Với thực tế đó, nguồn thu từ du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Thời gian gần đây, khách nội địa từ các tỉnh phía Nam đến Tây Bắc đang có xu hướng tăng. Khách quốc tế chủ yếu đến từ châu Âu, Australia và Nhật Bản đến Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai; khách Trung Quốc qua các cửa khẩu Lào Cai là chủ yếu. Tuy nhiên, giai đoạn từ giữa năm 2020 đến nay, do đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch gần như đóng băng, lượng du khách giảm đến 80% trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, hầu hết các hoạt động liên quan đến du lịch như: Lữ hành, điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí, điểm di tích lịch sử, các dịch vụ bổ trợ... đều phải tạm dừng hoạt động. Ðiều đó khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp du lịch buộc phải tạm dừng hoặc thu gọn quy mô hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.

Đại dịch COVID-19 đã bào mòn năng lực của doanh nghiệp, khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp du lịch buộc phải tạm dừng hoặc thu gọn quy mô hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Phần lớn các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về tài chính để khôi phục hoạt động, nhiều doanh nghiệp chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh. Điều này cũng dẫn đến số lượng người lao động trong các đơn vị cũng buộc phải tạm nghỉ việc; một vài đơn vị duy trì việc làm cho lượng người lao động nhưng rất hạn chế còn lại đa phần những người trong gia đình tự quản lý, phục vụ. Thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu thị trường giảm sút... Trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ dù đã có chủ trương nhưng chưa đến được với doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch.

Ứớc tính, trong giai đoạn đại dịch vừa qua, tổng thu từ hoạt động du lịch vùng Tây Bắc chỉ đạt khoảng 30% so với kế hoạch của các địa phương trong Vùng. Dịch bệnh bùng phát đúng vào thời gian cao điểm mùa du lịch Tây Bắc, nhất là việc buộc phải dừng tổ chức nhiều lễ hội như lễ hội Hoa Ban năm 2020 của Điện Biên khiến cho lượng du khách giảm mạnh.

Theo báo cáo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch của 6 tỉnh thuộc vùng Tây bắc thì đóng góp của ngành Du lịch đến phát triển kinh tế của địa phương nhìn chung là giảm so với những năm trước đại dịch, đặc biệt là năm 2019. Cụ thể:

Năm 2020, tỉnh Hòa Bình đón được 1.983.723 lượt khách (so với cùng kỳ năm trước đạt 63,8%, đạt 65,5% kế hoạch), trong đó khách quốc tế là 258.453 lượt (so với kế hoạch đạt 51,7%); khách nội địa: 1.725.270 lượt khách (so với cùng kỳ năm trước đạt 63,8%, đạt 61,6% kế hoạch). Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.886 tỷ đồng.

Tại Điện Biên, năm 2020, hoạt động du lịch của Tỉnh chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Cả năm, Tỉnh đón 351 nghìn lượt khách, giảm 2,4 lần so với năm 2019. Trong đó khách quốc tế đạt 16,8 nghìn lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 575 tỷ đồng, giảm 2,4 lần so với năm 2019. Ngành Du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động trong toàn Tỉnh, trong đó có khoảng 2,5 nghìn lao động trực tiếp và 3,5 nghìn lao động gián tiếp.

Năm 2020, tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt 2,2 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 100.840 lượt khách (giảm 87,5% so với cùng kỳ 2019); khách nội địa đạt trên 2 triệu lượt (giảm 52% so với cùng kỳ 2019). Tổng thu du lịch đạt 6.370 tỷ, (giảm 66,8% so với cùng kỳ).

Năm 2020, tuy bị ảnh hưởng mạnh từ đại dịch COVID-19, nhưng Yên Bái vẫn thu hút trên 760.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng.

Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày một tăng. Giai đoạn 2016-2020, lượng khách du lịch đến Lai Châu đạt 1,5 triệu lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt 14%/năm. Dù bị tác động không nhỏ bởi đại dịch COVID-19 nhưng trong 3 tháng đầu năm 2021, Lai Châu đã đón trên 156 nghìn lượt khách, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một tín hiệu vui, cũng là động lực rất lớn cho địa phương này.

Một số khuyến nghị phát triển du lịch vùng Tây Bắc thời gian tới

Để phát huy những tiềm năng vốn có, khắc phục những hạn chế, tồn tại, vượt lên những khó khăn do bối cảnh mới đặt ra, du lịch vùng Tây Bắc cần quan tâm thực hiện các nội dung gồm:

Một là, ban hành kế hoạch tổng thể khắc phục khó khăn và thúc đẩy du lịch trong vùng thời hậu COVID-19

Cụ thể, ngành Du lịch vùng Tây Bắc cần tiếp tục đề xuất và phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước, duy trì quảng bá ra thị trường du lịch nước ngoài; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch… Cần có một kế hoạch tổng thể khắc phục khó khăn và thúc đẩy du lịch trong vùng thời hậu COVID-19. Kế hoạch này cần đề cập những giải pháp cụ thể nhằm giúp các địa phương khắc phục đại dịch và phát triển du lịch như giãn thuế, giảm thuế, hỗ trợ tài chính… hộ chiếu vaccine nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch và dần thu hút khách du lịch trở lại.

Hai là, tập trung phát triển du lịch nội địa và các loại hình du lịch mới.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến xu hướng du lịch mới để có những thay đổi cho phù hợp. Nhu cầu của khách hàng hoàn toàn thay đổi sau đại dịch COVID-19, khách đi ngắn ngày, đi nhiều lần, đi nhóm nhỏ, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sản phẩm combo (máy bay và phòng khách sạn). Các sản phẩm du lịch hướng đến sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga, du lịch gần gũi với thiên nhiên sẽ được quan tâm hơn sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cũng sẽ đi vào có chiều sâu bởi du khách hướng vào các loại hình du lịch có chất lượng. Các doanh nghiệp cần tập trung vào những hoạt động coi trọng nền tảng văn hóa bản địa. Du lịch của các địa phương cần định hướng tiếp tục khai thác mạnh thị trường nội địa, chú trọng phát huy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp theo phương châm "Liên kết, hành động và phát triển".

Ngoài ra, cần đa dạng hoá các loại hình du lịch mới như Tour Caravan (Du lịch lữ hành) Tây Bắc mùa hoa ban nở trải dài từ Hà Nội- Ngọc Chiến- Mù Cang Chải - Tam Đường- Lai Châu - Điện Biên- Quỳnh Nhai - Sơn La - Hòa Bình. Điểm khác biệt của các tour Caravan này là được xây dựng trên nền tảng của câu chuyện văn hóa vùng miền của trên 20 dân tộc vùng cao Tây Bắc như du khách được giao lưu văn hóa với người Thái ở Ngọc Chiến (Sơn La), người Dao ở bản Sì Thâu Chải, người H’mong ở bản Lao Chải 1 (Tam Đường, Lai Châu) hoặc hòa mình vào không gian văn hóa văn nghệ độc đáo của người Lự ( Bản Thẳm, Tam Đường, Lai Châu). Cũng trong hành trình này, du khách không chỉ được nhìn, ngắm, mà còn thực sự hòa mình vào cuộc sống hàng ngày của người dân vùng cao như làm nương rẫy, giã gạo, dệt vải, thưởng thức các món ăn dân tộc và cùng tham gia các trò chơi dân gian…

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Du lịch (2019), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
  2. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo hoạt động du lịch 2020;
  3. Các trang web: http://itdr.org.vn/; Laocai.gov.vn, www.vietnamtourism.gov.vn.

*ThS. Nguyễn Phạm Anh -Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.