Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo mô hình liên kết nhà trường - doanh nghiệp

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 11/2020

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được coi là một trong các giải pháp trọng tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong đó, nhà trường đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường. Bài viết phân tích thực trạng liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp hiện nay, đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp theo mô hình này trong thời gian tới.

Vấn đề liên hết giữa nhà trường và cơ sở dạy nghề hiện nay

Trong thời gian qua, cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tham gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tiếp tục được cụ thể hóa và hoàn thiện. Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua với nhiều quy định mới, cụ thể đã giúp DN tham gia sâu hơn, rộng hơn trong lĩnh vực GDNN như: DN được phép thành lập cơ sở GDNN hoặc mở lớp đào tạo nghề để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở GDNN đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp…

Đào tạo và sử dụng nhân lực có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, tác động lẫn nhau theo quan hệ cung cầu. Các cơ sở đào tạo đã nhận thức và chú trọng đến vấn đề đào tạo theo nhu cầu. Đào tạo theo nhu cầu phải dựa trên nhu cầu của DN về kỹ năng, kiến thức và thái độ. Để có được được những thông tin đó cần phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ nhà trường và DN.

Hoạt động gắn kết GDNN với DN tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, GDNN thu hút được nhiều DN đồng hành phát triển. DN ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, từ khâu phát triển chương trình đào tạo, tham gia đào tạo, thi, kiểm tra đánh giá người học, tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp. Thống kê cho thấy, năm 2019, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm, có trường, có nghề đạt tỷ lệ 100% với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Nhiều DN, tập đoàn lớn như: Mường Thanh, VinGroup, FLC... đã tạo dựng các cơ sở đào tạo cho riêng mình, chủ động nhân lực. Điều này cho thấy, DN ngày càng chủ động tham gia đào tạo để chủ động nguồn nhân lực lâu dài cho DN.

Tuy nhiên, hợp tác cơ sở giáo dục đào tạo và DN ở Việt Nam thời gian qua còn hạn chế cả về phương thức, thời hạn và nội dung. Các hợp tác còn mang tính ngắn hạn, được triển khai trong giai đoạn ngắn hạn hoặc có tính “nhiệm kỳ”, chưa có các hợp tác thành công mang tính dài hạn giữa các bên trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Về phương thức, các cơ sở GDNN chủ yếu thực hiện hình thức nhận tài trợ từ DN; hoạt động chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học theo đặt hàng của các DN còn thấp. Đồng thời, nội dung hợp tác thời gian qua của các cơ sở GDNN và DN chủ yếu ở hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho DN. Hợp tác trong nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế và chưa theo kịp xu thế của thế giới.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển ngày nay, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng khốc liệt và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và môi trường sản xuất của các DN. Cách mạng công nghiệp 4.0 đào thải nhiều ngành nghề và cũng sinh ra những nhiều công việc mới đòi hỏi phải có nguồn nhân lực với trình độ cao. Do đó, việc gắn kết nhà trường và DN trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế là nội dung quan trọng cần được đẩy mạnh nhằm phát triển GDNN trong bối cảnh mới.

Giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp theo mô hình liên kết nhà trường - doanh nghiệp

Để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển GDNN theo mô hình liên kết nhà trường - DN, trong thời gian tới, cần sự vào cuộc của các bên liên quan với các nhóm giải pháp đồng bộ cần triển khai trong vấn đề này.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác thống kê; thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp với dự báo về thị trường lao động, việc làm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý GDNN, việc làm, thị trường lao động từ trung ương đến địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo và sử dụng sau đào tạo; vinh danh các DN có đóng góp vào các cơ sở GDNN và xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ về thị trường lao động để các DN qua hệ thống thông tin này tuyển dụng...

Đối với các cơ sở GDNN, cần có các chiến lược, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn và hằng năm về hợp tác đào tạo và tuyển dụng với DN để điều chỉnh, hoàn thiện chương trình đào tạo và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng phù hợp, đáp ứng với nhu cầu của DN. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận làm nhiệm vụ đầu mối hợp tác đào tạo với DN; nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác cho người làm công tác hợp tác đào tạo với DN của nhà trường.

Cơ sở GDNN chủ động và thường xuyên phối hợp với bộ phận nhân sự của các DN để đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của DN, trên cơ sở đó để triển khai các hoạt động đào tạo phù hợp; thực hiện đa dạng các hình thức hợp tác với DN thông qua ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác như: Liên kết, đặt hàng đào tạo, mời DN tham gia hội đồng trường hoặc hội đồng quản trị, xây dựng chương trình, giáo trình, giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở GDNN...

Đối với các DN, cần chủ động liên kết đào tạo với các nhà trường, phải tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên, sinh viên được thực tập, thực hành tại nơi sản xuất của DN; tạo điều kiện, tiếp nhận những sinh viên đã từng thực tập tại DN trước đây vào làm việc, tham gia vào quá trình sản xuất ngay và không phải đào lại; cùng nhà trường tham gia xây dựng chương trình đào tạo nhằm kịp thời bổ sung, điều chỉnh những chương trình mang tính thiết thực, gắn với nhu cầu thực tiễn của DN.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Văn Quân, Trường Cao đang Công nghiệp Huế, https://gdnn.edu.vn/giao-duc-nghe-nghiep/xay-dung-mo-hinh-lien-ket-nha-truongdoanh-nghiep-trong-dao-tao-va-nghien-cuu-khoa-hoc-tai-cac-co-sodao-tao-199.html;
2. Nguyễn Ngọc Trung - Đại học Điện lực, Tạp chí Tài chính, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ve-hieu-qua-moi-lien-ketgiua-doanh-nghiep-va-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc-143072.html;
3. Dương Đình Dũng, Thúc đẩy quan hệ giữa trường dạy nghề và DN trong bối cảnh hội nhập, https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thuc-dayquan-he-giua-truong-day-nghe-va-doanh-nghiep-trong-boi-canh-hoinhap-post202444.gd;
4. Nguyễn Hưng (2017), "Phát triển tiêu chuẩn nghề từ mô hình đào tạo phối hợp", Giáo dục và Thời đại.