Trao đổi về công tác quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 8/2020

Quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là quá trình quản lý huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động của nhà trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác quản lý tài chính tại trường nghề hiện nay, bài viết đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường nghề trong thời gian tới.

Công cụ quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

- Về cơ chế, chính sách quản lý tài chính: Hiện nay, việc quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015. Những văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có định hướng triển khai công tác quản lý tài chính đảm bảo đúng định mức theo quy định của Nhà nước.

-  Về quản lý tài chính theo Quy chế chi tiêu nội bộ: Việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ tại các trường nghề giúp quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính của trường. Thông qua Quy chế chi tiêu nội bộ của các trường nghề góp phần thực hiện việc quản lý tài chính được tập trung, thống nhất trong nhà trường.

- Công tác hạch toán kế toán: Hạch toán kế toán là một phần không thể thiếu của công tác quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Để ghi nhận, xử lý và cung cấp thông tin tài chính tại các trường nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của các nhà quản lý, đòi hỏi công tác ghi chép, tính toán, phản ánh số hiện có, tình hình luân chuyển và sử dụng tài sản và kết quả hoạt động sử dụng kinh phí của các trường phải kịp thời, chính xác.

- Tổ chức bộ máy quản lý tài chính: Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tài chính - kế toán tại các trường nghề phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm công tác để đưa hoạt động quản lý tài chính tại các trường nghề vào nề nếp, tuân thủ các chế độ quy định về tài chính kế toán của Nhà nước.

Vấn đề đặt ra trong công tác quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài chính tại các trường nghề cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định sau:

Một là, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.

Hai là, phương thức quản lý tài chính tại các trường nghề chưa thực sự thống nhất giữa việc lập dự toán, thực hiện dự toán và quá trình quyết toán còn thực hiện sơ sài, chưa chi tiết đối với các mục chi, khoản chi, nhất là đối với khoản chi khác chiếm tỷ trọng khá lớn hàng năm nhưng các khoản chi này chưa dược chi tiết hóa. Mặc dù, các trường dạy nghề đã chủ động đưa ra các định mức chi tiêu nội bộ trong việc tự chủ tài chính nhưng chưa đưa ra định mức giới hạn phù hợp với nguồn lực tài chính của trường mà chủ yếu là khoán chi và dựa vào các định mức của Nhà nước quy định.

Ba là, việc kiểm tra, kiểm toán nội bộ về công tác kế toán tại các trường nghề chưa được thực hiện thường xuyên, trong khi đó các thành viên làm công tác kiểm tra, kiểm toán chủ yếu là cán bộ quản lý và giảng viên làm công tác kiêm nhiệm nên hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó việc kiểm tra quá trình thu chi, phân phối chênh lệch hàng năm, cũng như quản lý tài sản của trường chủ yếu mang nặng tính hình thức và hiệu quả chưa cao…

Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường nghề

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý tài chính theo hướng sau:

Thứ nhất, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý tài chính. Để thực hiện tốt nội dung này, các trường nghề cần xác định rõ chức năng, quyền hạn của các đơn vị trong trường. Đặc biệt, đối với bộ máy quản lý tài chính thông qua phòng Tài chính - Kế toán cần tuân thủ thực hiện đúng chức năng là bộ phận tham mưu cho Hiệu trưởng trong việc tổ chức công tác quản lý tài chính; chịu trách nhiệm trong việc lập dự toán, phân bổ dự toán, thực hiện công tác báo cáo quyết toán theo quy định của Nhà nước; Phối hợp với phòng đào tạo thực hiện các khoản chi cho hoạt động đào tạo phù hợp trong các khoản chi về làm thi, coi thi, chấm thi.

Thứ hai, chú trọng vào việc nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ cán bộ kế toán, quản lý tài chính tại các trường nghề, trong đó cần căng cường công tác kiểm tra chéo giữa các khâu trong quá trình quản lý; Thường xuyên cử cán bộ tài chính, kế toán đi tập huấn, thực hành kế toán, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao trình độ. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, điều kiện học tập để cán bộ kế toán theo học các lớp nghiệp vụ, các khóa học cung cấp chứng chỉ kiểm toán trong nước và quốc tế.

Thứ ba, hoàn thiện phương thức quản lý tài chính đảm bảo theo đúng nguyên tắc quản lý tài chính theo quy định của Nhà nước tại các trường nghề.

Thứ tư, hoàn thiện công tác kiểm tra, kiểm soát quản lý tài chính, trong đó chú trọng xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ của trường theo các tiêu chí cụ thể, định lượng rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, giảng viên, người lao động công tác tại các trường nghề. Bên cạnh đó, các trường nghề cần thường xuyên thực hiện việc kiểm tra đối chiếu các chứng từ kế toán đảm bảo khớp về số liệu và nội dung chi; phổ biến nguyên tắc quản lý tài chính, quy trình, chế độ thanh quyết toán, quy chế chi tiêu nội bộ đến toàn bộ cán bộ, giảng viên trong nhà trường nhằm tăng cường giám sát nội bộ, công khai minh bạch tài chính trong nội bộ nhà trường.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2019), Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;

2. Chính phủ (2015), Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 về quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021;

3. Hoàng Thi Thu Hiên (2017), Một số vấn đề đặt ra về công tác quản lý tài chính đối với các trường đại học công lập ở Việt Nam hiện nay;

4. Đinh Thị Hải Yến (2019), Quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Giao thông Vận tải;

5. Nguyễn Hoàng Lan (2018), Hoàn thiện công tác quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ trong các trường cao đẳng.