Phát triển hệ thống Giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao

Ngọc Ánh

Sau 3 năm triển khai, Dự án Đổi mới và Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu đạt những kết quả tích cực, khẳng định vai trò tiên phong trong chặng đường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, hòa nhập sâu rộng với mạng lưới nhân lực khu vực và quốc tế.

Trang thiết bị được cơ sở GDNN đầu tư theo chương trình đào tạo, giúp học sinh có cơ hội thực hành trên máy móc hiện đại.
Trang thiết bị được cơ sở GDNN đầu tư theo chương trình đào tạo, giúp học sinh có cơ hội thực hành trên máy móc hiện đại.

Tiếp cận các chương trình đào tạo mang tầm quốc tế

Dự án Đổi mới và Nâng cao chất lượng GDNN là 01 trong 03 Dự án thành phần của Chương trình mục tiêu GDNN – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 nhằm hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp về cơ chế chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhằm tạo đột phá về chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới.

Với những kết quả tích cực đã đạt được sau 3 năm triển khai, Dự án Đổi mới và Nâng cao chất lượng GDNN đã góp phần cụ thể hóa Luật GDNN, đưa Luật vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn. Theo TS. Khương Thị Nhàn – Giám đốc Ban quản lý GDNN vốn chương trình mục tiêu, một trong những kết quả nổi bật của Dự án phải kể đến là lần đầu tiên các trường nghề được tiếp cận các chương trình đào tạo mang tầm quốc tế.

Đến nay, Dự án đã hỗ trợ chuyển giao 34 bộ chương trình của Úc và Đức. Theo đó, người học được trải nghiệm những kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới, đồng thời, giáo viên cũng được chuẩn hóa kỹ năng dạy, đổi mới cấu trúc chương trình GDNN từ tách biệt lý thuyết - thực hành sang đào tạo theo hình thức tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp. Trang thiết bị được đầu tư theo chương trình đào tạo, giúp học sinh có cơ hội thực hành, thực tập trên máy móc hiện đại, phù hợp với thực tế sản xuất.

Hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nguồn: gdnn.gov.vn
Hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nguồn: gdnn.gov.vn

Công nghệ thông tin đã được áp dụng triệt để trong quản lý, hoạt động dạy và học. Một số trường đã thực hiện số hoá, mô phỏng hoá các chương trình đào tạo theo các phần mềm tiên tiến trên thế giới. Việc này vừa giúp bài giảng sinh động, thực tế hơn và giúp người học hứng thú với học tập, tiếp thu nhanh hơn với việc khai thác hình ảnh trực quan, thông tin mới cập nhật… đồng thời còn góp phần giảm chi phí đầu tư, vật tư thực hành...

Đổi mới, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được

Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo GDNN cũng được Dự án chú trọng đầu tư với kinh phí là 1.862.296 triệu đồng, chiếm 57% tổng kinh phí đã bố trí cho Dự án. Trong đó, hỗ trợ đầu tư cho 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ với số kinh phí là 1.076.296 triệu đồng; Hỗ trợ đầu tư cho 05 trường đại học sư phạm kỹ thuật với tổng kinh phí là 108.000 triệu đồng; Hỗ trợ đầu tư cho 27/30 trường chuyên biệt để đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật với tổng kinh phí là 180.000 triệu đồng; Hỗ trợ đầu tư cho 104 trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm với số kinh phí là 498.000 triệu đồng.

Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo GDNN cũng được Dự án chú trọng đầu tư.
Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo GDNN cũng được Dự án chú trọng đầu tư.

Theo báo cáo của 71/180 trường được thụ hưởng trong giai đoạn 2016-2018, các trường đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho 179 lượt ngành, nghề trọng điểm các cấp độ; trong đó, cấp độ Quốc tế là 44 lượt; Khu vực ASEAN là 41 lượt; Quốc gia là 94 lượt với tổng kinh phí giải ngân là 606 tỷ đồng. Trung bình mỗi lượt ngành, nghề đã được đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ đầu tư tập trung đồng bộ cho các trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm đã từng bước góp phần thực hiện quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện về GDNN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó, chất lượng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN đã không ngừng được đổi mới, hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo. Đặc biệt, những trường được lựa chọn đầu tư các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN tham gia đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình được chuyển giao từ nước ngoài như Úc, Đức thiết bị đào tạo được đầu tư theo hướng hiện đại hóa, được các tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới đánh giá đủ điều kiện để đào tạo theo các bộ chương trình được chuyển giao.

Trong 3 năm, 1.200 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng trong nước về nghiệp vụ sư phạm GDNN; 15.000 giáo viên được đào tạo theo tín chỉ, biên soạn giáo án và tổ chức giảng dạy tích hợp, tổ chức đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện, kỹ năng mềm; 2.850 lượt cán bộ quản lý GDNN; Đào tạo, bồi dưỡng cho 391 giáo viên tại Úc, Đức để dạy các nghề nhận chuyển giao.

Đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý của các cơ sở GDNN cũng không ngừng được đào tạo, chuẩn hóa. Trong 3 năm, 1.200 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng trong nước về nghiệp vụ sư phạm GDNN; 15.000 giáo viên được đào tạo theo tín chỉ, biên soạn giáo án và tổ chức giảng dạy tích hợp, tổ chức đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện, kỹ năng mềm; 2.850 lượt cán bộ quản lý GDNN; Đào tạo, bồi dưỡng cho 391 giáo viên tại Úc, Đức để dạy các nghề nhận chuyển giao.

TS. Khương Thị Nhàn cho biết, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm 2019-2020, Dự án tập trung triển khai hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các đơn vị và các hoạt động kỹ thuật phục vụ dùng chung cho toàn Ngành như: Ứng dụng công nghệ thông tin; Chuẩn hóa chương trình, đào tạo đội ngũ giảng viên; Kiểm định chất lượng… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới.