Phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán bền vững, lành mạnh tại Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thị trường dịch vụ kế toán vận hành trong mối quan hệ chặt chẽ với thị trường dịch vụ của các nước.
Do vậy, trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ kế toán cần bám sát các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện. Bài viết hệ thống hóa các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán ở Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy thị trường này phát triển bền vững, lành mạnh trong bối cảnh mới.
Hệ thống hóa các quy định về cung cấp dịch vụ kế toán
Thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam được hình thành từ gần 3 thập kỷ qua. Đến nay, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Từ chỗ chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán vào năm 2008, đến năm 2018, số lượng DN cung cấp dịch vụ kế toán Việt Nam đã lên đến 120.
Đặc biệt, khuôn khổ pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán từng bước được hoàn thiện gắn với sự phát triển của thị trường tài chính và cam kết quốc tế. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán (2003, 2015)... để đáp ứng những thay đổi trong hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định hoặc ban hành theo thẩm quyền một số thông tư hướng dẫn liên quan. Nhờ đó, đến nay, các quy định về hoạt động dịch vụ kế toán đã được quan tâm điều tiết, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho sự phát triển của thị trường.
Theo Luật Kế toán, kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật này cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Để hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tạo nên uy tín thương hiệu trên thị trường, việc nắm rõ các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán rất quan trọng. Dựa trên việc khảo cứu và tổng hợp các quy định về pháp luật kế toán nói chung và quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán nói riêng, tác giả tổng hợp một số vấn đề liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán mà các DN kinh doanh cần phải nắm rõ. Cụ thể:
Thứ nhất, quy định về doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán
Theo Điều 59, Luật Chứng khoán, DN kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo các loại hình sau đây: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên; Công ty hợp danh; DN tư nhân. DN chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán khi bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Kế toán và được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Theo quy định hiện hành, DN kinh doanh dịch vụ kế toán không được góp vốn để thành lập DN kinh doanh dịch vụ kế toán khác, trừ trường hợp góp vốn với DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài để thành lập DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam. DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây: Góp vốn với DN kinh doanh dịch vụ kế toán đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để thành lập DN kinh doanh dịch vụ kế toán; Thành lập chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài...
Thứ hai, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
Theo Điều 60 Luật Kế toán, công ty TNHH 2 thành viên trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; Có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề; Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty TNHH phải là kế toán viên hành nghề.
Đặc biệt, cần bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong DN, tỷ lệ vốn góp của các thành viên là tổ chức theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, tỷ lệ vốn góp của thành viên là tổ chức của công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Thành viên là tổ chức được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty TNHH dịch vụ kế toán hai thành viên trở lên. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ của công ty TNHH dịch vụ kế toán 2 thành viên trở lên (Điều 26, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP).
Trong khi đó, đối với tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề tại công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Công ty TNHH dịch vụ kế toán phải có ít nhất 02 thành viên góp vốn là kế toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kế toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty. Kế toán viên hành nghề không được đồng thời đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại 2 đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán trở lên trong cùng một thời gian (Điều 27, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP).
Theo Luật Kế toán, công ty hợp danh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây: Có Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; Có ít nhất 2 thành viên hợp danh là kế toán viên hành nghề; Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty hợp danh phải là kế toán viên hành nghề.
DN tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau: Có Giấy chứng nhận đăng ký DN, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật; Có ít nhất 2 kế toán viên hành nghề; Chủ DN tư nhân là kế toán viên hành nghề và đồng thời là giám đốc.
Chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau: Được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật của nước nơi DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đặt trụ sở chính; Có ít nhất 2 kế toán viên hành nghề, trong đó có giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh; Giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài không được đồng thời giữ chức vụ quản lý, điều hành DN khác tại Việt Nam; DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán mà DN kinh doanh dịch vụ kế toán, chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc trong trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đã bị thu hồi thì cần phải thông báo ngay cho cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục xóa cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của DN, chi nhánh.
Trước khi tham gia kinh doanh dịch vụ kế toán, DN cần phải có Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán gửi Bộ Tài chính. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cho DN; trường hợp từ chối cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp cần làm rõ vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính yêu cầu DN đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán giải trình. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán tính từ ngày nhận tài liệu giải trình bổ sung.
Ngoài ra, DN có thể xin cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong các trường hợp sau đây: Có sự thay đổi về tên, người đại diện theo pháp luật, giám đốc, tổng giám đốc và địa chỉ trụ sở chính của DN, chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán bị mất hoặc bị hư hỏng. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cho DN; trường hợp từ chối cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thứ ba, trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán
Theo Điều 25, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, DN kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, DN kiểm toán (sau đây gọi chung là đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán) không được cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị khác khi người có trách nhiệm quản lý, điều hành hoặc người trực tiếp thực hiện dịch vụ kế toán của đơn vị thuộc các trường hợp sau đây: Là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý, điều hành, kế toán trưởng của đơn vị kế toán, trừ trường hợp đơn vị kế toán là DN tư nhân, công ty TNHH do một cá nhân làm chủ sở hữu, các DN thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước là DN siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Trong những năm qua, khuôn khổ pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán từng bước được hoàn thiện gắn với sự phát triển của thị trường tài chính và cam kết quốc tế. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán (2003, 2015)... để đáp ứng những thay đổi trong hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán. Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định hoặc ban hành theo thẩm quyền một số thông tư hướng dẫn liên quan.
Ngoài ra, các trường hợp khác quy định tại Luật Kế toán gồm: Có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó; Không đủ năng lực chuyên môn hoặc không đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ kế toán; Đang cung cấp dịch vụ làm kế toán trưởng cho khách hàng là tổ chức có quan hệ kinh tế, tài chính với đơn vị kế toán đó; Đơn vị kế toán yêu cầu thực hiện những công việc không đúng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hoặc không đúng với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán, tài chính.
Thứ tư, xử phạt trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán được đánh giá là khá nghiêm khắc. Theo Điều 26, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi giới thiệu sai sự thật về trình độ, kinh nghiệm, khả năng và điều kiện cung cấp dịch vụ của kế toán viên hành nghề và DN kinh doanh dịch vụ kế toán. Đồng thời, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với các hành vi thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin sai sự thật khi cung cấp dịch vụ kế toán.
Theo Điều 28, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với DN không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nhưng không làm thủ tục xóa cụm từ "dịch vụ kế toán" trong tên gọi theo quy định. Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với DN thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; Tiếp tục kinh doanh dịch vụ kế toán khi đã tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kế toán; bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán; bị chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
Một số kiến nghị
Theo khảo sát của Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), trong những năm qua, số lượng khách hàng và doanh thu dịch vụ các DN kế toán tăng trưởng khá nhưng trên bình diện chung, tốc độ tăng vẫn còn thấp. Tổng doanh thu của thị trường chỉ chiếm khoảng 0,08% GDP/năm. Sự phát triển của dịch vụ kế toán Việt Nam chưa phát triển xứng tầm với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, để hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán nói riêng và thị trường dịch vụ kế toán nói chung phát triển bền vững, lành mạnh, trong thời gian tới cần chú trọng triển khai một số nội dung sau:
Đối với cơ quan quản lý
- Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về dịch vụ kế toán theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.
- Tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể cung cấp dịch vụ trên thị trường. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường dịch vụ kế toán, trong đó chú trọng cần nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán thông qua việc kiểm tra, giám sát chất lượng định kỳ đối với các DN này.
- Phát triển thị trường phải gắn với việc đa dạng hóa dịch vụ, hướng tới các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Chẳng hạn như: Tích hợp dịch vụ kế toán với các dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thuế, quản trị rủi ro, tư vấn xây dựng hệ thống quản trị… Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán thông qua việc kiểm tra, giám sát chất lượng định kỳ đối với các DN này.
- Phát triển số lượng các DN cung cấp dịch vụ kế toán một cách hợp lý; khuyến khích hình thành các công ty kế toán có quy mô lớn, có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và hướng tới cung cấp dịch vụ tại các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, vẫn khuyến khích các DN cung cấp dịch vụ quy mô nhỏ nhằm đáp ứng cá dịch vụ kế toán của các DN tư nhân, hộ gia đình vốn thường có tâm lý ngại sử dụng dịch vụ kế toán của các công ty lớn hoặc chi phí cao. Tuy nhiên, các DN cung cấp dịch vụ kế toán phải đảm bảo được chất lượng dịch vụ kế toán.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển thị trường dịch vụ kế toán. Hiện nay, trên thế giới, đặc biệt là các nước có nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển, thì hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán của các DN rất sôi động và chuyên nghiệp. Cần phải thừa nhận rằng, trong hoạt động chung của nền kinh tế nói chung và hoạt động của cộng đồng DN nói riêng, không thể thiếu các hoạt động kế toán, vì vậy việc cung cấp dịch vụ kế toán càng trở nên quan trọng, thúc đẩy sự vận hành suôn sẻ của DN, gắn với việc nâng cao tính minh bạch của thông tin kế toán.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán
- Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn nhằm tăng năng suất nghề nghiệp. Cần lưu ý rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu, ghi sổ kế toán cũng như cho phép thực hiện các nghiệp vụ trong môi trường tin học hóa. Do vậy, các DN cung cấp dịch vụ kế toán cũng cần dành nguồn lực tài chính để đầu tư vào công nghệ.
- Tăng cường hợp tác kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ trọn gói và toàn diện cho khách hàng. Các DN cung cấp dịch vụ kế toán cần tăng cường hợp tác, khai thác các thế mạnh của nhau để có thể cùng đưa ra các dịch vụ kế toán để cung cấp cho các đối tượng có nhu cầu trong nền kinh tế.
- Tăng cường kiểm soát yếu tố chuyên môn, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên nhằm tạo dựng uy tín, thương hiệu của mình. Thông tin kế toán có vai trò quan trọng đối với nội bộ DN và các đối tượng bên ngoài DN (cơ quan thuế, nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan kiểm toán...). Vì vậy, việc cung cấp các dịch vụ kế toán chất lượng, đúng quy định của pháp luật vô cùng quan trọng, nhưng ngoài việc thực hiện quy định của pháp luật, điều này lại phải gắn với trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của những con người trong DN cung cấp dịch vụ kế toán.
- Chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cùng với đó, có xây dựng một chế độ lương thưởng hấp dẫn để giữ chân những người giỏi. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, để khẳng định uy tín, tạo dựng thương hiệu, các DN cung cấp dịch vụ kế toán cần xây dựng và phát triển được một đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, am hiểu quy định của pháp luật, am hiểu về công nghệ ứng dụng trong dịch vụ kế toán. Đồng thời, các DN cung cấp dịch vụ kế toán cũng cần không ngừng xây dựng và vận dụng cơ chế lương, thưởng hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút người tài.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán;
2. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định một số điều của Luật Kế toán;
3. Chính phủ (2018), Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập;
4. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 phê duyệt “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;
5. Mai Ngọc Anh (2020), Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán: Những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2020;
6. Một số website: mof.gov.vn, thuvienphapluat.vn, tapchitaichinh.vn.