Phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Cuộc cách mạng này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với các lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, lĩnh vực kế toán, kiểm toán được xác định là sẽ chịu nhiều tác động và đòi hỏi phải thay đổi để thích ứng.
Làm thế nào để phát triển phù hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả trông bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ như hiện nay là vấn đề đặt ra đối với ngành Kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0” ở Đức từ năm 2013. Mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc CMCN 4.0 diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh chóng hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và được dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới, sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực Internet, công nghệ số.
CMCN 4.0 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Điều đó yêu cầu các ngành, các doanh nghiệp (DN), cá nhân phải nỗ lực không ngừng để thích ứng với những thay đổi do CMCN mang đến. CMCN 4.0 mang đến sự thay đổi cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0
CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam thể hiện như sau:
Thứ nhất, cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với công nghệ kế toán, kiểm toán quốc tế. Ảnh hưởng của CMCN 4.0, cụ thể là internet, internet vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… sẽ mở ra cơ hội tốt cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán tiếp cận những phần mềm kế toán tiện ích, chi phí phù hợp, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận hệ thống kế toán, kiểm toán quốc tế. Thông qua việc sử dụng các trang thiết bị, chương trình, công nghệ số hiện đại, kế toán viên, kiểm toán viên có thể thu thập được các thông tin, dữ liệu mà trước đây rất khó khăn mới có thể thu thập được.
Thứ hai, cuộc CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu cho các tổ chức, DN phải thích ứng với khoa học – kỹ thuật hiện đại. Điều này thúc đẩy cơ quan quản lý, các DN trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán phải đầu tư và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ.
Thứ ba, nhờ CMCN 4.0 mà hệ thống công nghệ thông tin được ứng dụng sâu rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong quản lý điều hành ngân sách nhà nước; Quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; Thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; Triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa; Quản lý nợ công, giá, quản lý tài sản công… Điều đó giúp cho các kiểm toán viên có thể khai thác nguồn dữ liệu, thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Thứ tư, những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 là động lực giúp các cá nhân, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong nước phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. Bởi Cuộc CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn.
Thứ năm, việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngày càng có nhiều thuận lợi. Việc thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả, góp phần giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh cho DN.
Thứ sáu, kế toán, kiểm toán là một trong các lĩnh vực dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin. Quy trình kế toán đã và sẽ có sự thay đổi căn bản khi hầu hết các phần thực hành kế toán đều ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả hoạt động ghi sổ, lập báo cáo tài chính. Công nghệ dữ liệu lớn cho phép xử lý nhanh và đơn giản các nghiệp vụ thuộc phần thực hành kế toán, cho phép truy cập nhanh vào các dữ liệu trong một thời gian ngắn.
Thứ bảy, CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Thành tựu của CMCN 4.0 với hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa sẽ giúp công việc kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Theo đó, kế toán viên, kiểm toán viên tại Việt Nam có thể thực hành công việc kế toán, kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới.
Thứ tám, CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, phương thức sản xuất, trong đó có quy trình xử lý, cung cấp thông tin cho bộ phận kế toán và kiểm toán.
Thứ chín, CMCN 4.0 tác động lớn đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam, không chỉ là công cụ giúp các công ty kế toán, kiểm toán nâng cao chất lượng, dịch vụ mà còn mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet.
Thứ mười, CMCN 4.0 tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu và nâng cao độ tin cậy của việc lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán, kế toán theo nhu cầu. Dự báo trong 3 đến 10 năm tới, các phần mềm và hệ thống thông minh sẽ thay thế công việc thủ công, tự động hóa các quy trình phức tạp và đa diện, hỗ trợ các xu hướng dịch vụ thuê ngoài và tái sử dụng nội bộ một số dịch vụ khác.
Thách thức đặt ra với lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam
CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít thách thức như:
Thứ nhất, về vấn đề bảo mật, trước hết là bảo mật trong thông tin kế toán quản trị, nghiệp vụ thanh toán, các hoạt động đầu tư, kiểm toán... Điều này đòi hỏi hệ thống tài chính phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn đến tính an toàn và riêng tư trong thông tin kế toán, kiểm toán.
Thứ hai, về việc hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ hoạt động kế toán, kiểm toán. Việc xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của lĩnh vực kế toán, kiểm toán để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ.
Thứ ba, CMCN 4.0 đòi hỏi các tổ chức, DN trong nước cần phải xem xét lại mô hình tổ chức để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh… Đặc biệt, các đơn vị hành nghề kế toán, kiểm toán cần phải nghiên cứu, thay đổi các dịch vụ một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng.
Thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 với hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa sẽ giúp công việc kế toán, kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Kế toán viên, kiểm toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện các phần hành công việc kế toán, kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên thế giới.
Thứ tư, sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số sẽ làm tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động. Điều này đặt ra thách thức cho toàn bộ ngành Kế toán, kiểm toán về các vấn đề như: An toàn cho hệ thống thông tin, vấn đề bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về số lượng, chất lượng, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin phục vụ cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Thứ năm, một thách thức lớn đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán là việc đầu tư phát triển trang thiết bị để thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ số. Đầu tư cho các thiết bị công nghệ sẽ giúp mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên chi phí đầu tư là vấn đề đáng quan tâm.
Thứ sáu, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cá nhân, tổ chức, DN, đòi hỏi các cá nhân và đơn vị phải tích cực thay đổi, sáng tạo và có phương án phát triển tốt nếu không sẽ bị tụt lùi và loại bỏ.
Thứ bảy, cách mạng số đặt ra yêu cầu mới về số lượng, chất lượng kế toán viên, kiểm toán viên và cán bộ, nhân viên quản lý ngành kế toán, kiểm toán. Để giải quyết những hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ, nhân viên và sắp xếp công việc cho một số lượng công nhân viên là một bài toán không hề dễ đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam.
Nâng cao năng lực kế toán, kiểm toán Việt Nam
Trước sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 lĩnh vực kế toán, kiểm toán, cần phải tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua những thách thức, khó khăn. Theo đó, cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Một là, để chủ động chuẩn bị tranh thủ tối đa các lợi thế cũng như hạn chế tác động của cuộc CMCN 4.0, cần đổi mới và thiết lập các quy trình kế toán, từ việc thu thập, xử lý và nhập dữ liệu chứng từ kế toán đến quy trình xử lý thông tin. Nâng cao tính hữu ích của thông tin kế toán thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin trong phân tích, đánh giá thông tin kế toán….
Hai là, xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chiến lược được xây dựng căn cứ vào thực trạng kế toán, kiểm toán và những vấn đề do cách mạng số đặt ra; Tập trung phát triển đảm bảo ngành Kế toán, kiểm toán vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với cơ chế thị trường và thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng số.
Ba là, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các thành tựu công nghệ hiện đại được phát minh từ CMCN 4.0 thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Ưu tiên nguồn lực để phát triển những giải pháp công nghệ mới, khuyến khích những ý tưởng và kế hoạch sáng tạo nhằm ứng dụng và phát triển công nghệ kỹ thuật.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động kế toán, kiểm toán, đảm bảo sự phù hợp với các nguyên tắc thị trường và cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật, các chính sách, quy định, hướng dẫn có liên quan đến hoạt động của lĩnh vực kế toán, kiểm toán để nắm bắt và chỉnh sửa kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động hiệu quả.
Năm là, chú trọng đến vấn đề an ninh mạng. Cần đầu tư, trang bị các giải pháp về an ninh, bảo mật, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh, bảo mật; phát hiện và xử lý kịp thời những lỗ hổng về bảo mật; nâng cao năng lực tài chính, quản trị DN, nhất là quản trị rủi ro; bảo đảm bí mật thông tin kế toán, kiểm toán của các cá nhân, DN và các tổ chức.
Sáu là, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế đáp ứng yêu cầu phổ cập tài chính chất lượng cao cho nền kinh tế; phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán đa dạng có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ kế toán, kiểm toán của các DN, tổ chức.
Bảy là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực kế toán, kiểm toán, trong đó chú trọng đổi mới và tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ kế toán, kiểm toán viên đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ so với khu vực và thế giới...
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Diệu Hồng, Phạm Thanh Hà, Nguyễn Thị Thành Vinh (2018), Định hướng phát triển ngành ngân hàng trong bối cảnh CMCN 4.0, Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Tháng 6/2018;
2. Phạm Thị Thu Oanh (2018), Kế toán, kiểm toán Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0, Tạp chí Tài chính;
3. Đoàn Thị Hồng Thịnh, Nguyễn Thị Huyền (2018), Phát triển lĩnh vực kế toán – kiểm toán trước cuộc CMCN 4.0, Tạp chí Tài chính;
4. Nguyễn Thị Hiền, Đỗ Thị Bích Hồng (2017), Tác động của CMCN lần thứ 4 tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Tạp chí Tài chính.