Phát triển kiểm toán hoạt động – ưu tiên hàng đầu của kế hoạch chiến lược Kiểm toán Nhà nước
(Tài chính) Đối với Việt Nam, thuật ngữ hay khái niệm “Kiểm toán hoạt động" (KTHĐ) chỉ mới được biết đến vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX qua các nguồn tài liệu từ nước ngoài. Cho đến nay, số lượng người hiểu biết cũng như các điều kiện để tiếp cận kiến thức và nội dung của loại hình kiểm toán này và vận dụng đó vào trong thực tiễn vẫn còn hạn chế so với kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ.
Giá trị và lợi ích của kiểm toán hoạt động
Việc công nhận và phát triển kiểm toán hoạt động (KTHĐ) xuất phát từ những lợi ích và giá trị của nó so với các loại hình kiểm toán khác, có thể nhận thấy trên hai phương diện chính sau đây:
Một là, đối với nền kinh tế - xã hội, qua thực hiện KTHĐ:
- Giúp cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên của đất nước một cách hiệu quả, tiết kiệm và tránh được những lãng phí;
- Giúp cho các hoạt động của Chính phủ được thực hiện đúng chương trình, kế hoạch chặt chẽ và có hiệu lực, bằng cách phát hiện những vấn đề sai sót và kiến nghị hướng khắc phục hoặc lựa chọn những phương án khác tốt hơn; xem xét việc chi tiêu công quỹ ngân sách với lợi ích cao nhất cho người dân.
- Tạo sự an tâm và tin tưởng của xã hội đối với mọi hoạt động của Chính phủ thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình của các nhà quản lý có liên quan đến việc quản lý các hoạt động cũng như việc chi tiêu công quỹ.
Hai là, đối với đơn vị được kiểm toán, qua kết quả KTHĐ:
- Xác định vấn đề trong hệ thống quản lý và kiểm soát cần phải được cải thiện để nâng cao hiệu quả;
- Thu hút sự chú ý của nhà quản lý đến những nhân tố tích cực cũng như tiêu cực có ảnh hưởng đến tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực của các hoạt động.
- Giúp cho nhà quản lý có cơ hội để hiểu biết sâu sắc về những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động và quá trình thực hiện của đơn vị.
- Nâng cao nhận thức về khái niệm giá trị của đồng tiền tại những bộ phận trong đơn vị chưa được kiểm toán.
Tiềm năng kiểm toán hoạt động của KTNN
KTHĐ vẫn chưa được chú trọng và triển khai rộng rãi, nhưng với những gì đã và đang xảy ra cho thấy, ở đất nước ta là tình trạng lãng phí hay thất thoát công quỹ, các nguồn lực công sử dụng cho tất cả các hoạt động của nền kinh tế còn rất phổ biến, thì theo xu thế chung tất yếu chúng ta phải thực hiện KTHĐ để ngăn chặn, hạn chế bớt tình trạng đó. Vì vậy, KTHĐ có rất nhiều tiềm năng trong hoạt động của KTNN. KTNN cần sớm nghiên cứu, triển khai và áp dụng loại kiểm toán này để nó thật sự trở thành công cụ đắc lực góp phần vào việc sử dụng các nguồn lực công một cách hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với KTNN, vấn đề liên quan đến KTHĐ được chính thức đề cập và biết đến ở mức độ rất hạn chế tại Nghị định số 93/2003/NĐ-CP ngày 13/08/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN (thay thế Nghị định số 70-CP ngày 11/07/1994 về việc thành lập KTNN). Cụ thể, tại Điều 1 của Nghị định về vị trí chức năng của KTNN có nêu: “KTNN… kiểm toán tính kinh tế trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công…”. Mặc dù chưa đề cập một cách đầy đủ về KTHĐ, nhưng đây là cơ sở đầu tiên cho KTNN hình thành chức năng và triển khai KTHĐ sau này.
Luật Kiểm toán nhà nước ra đời năm 2005 và có hiệu lực từ năm 2006 đã đánh một dấu mốc quan trọng về căn cứ pháp lý cho việc phát triển KTHĐ của KTNN. Điều 36 đã quy định về các loại hình kiểm toán, trong đó có KTHĐ; Điều 39 quy định rõ ràng về các nội dung KTHĐ trong hoạt động KTNN.
Tiếp đó, ngày 19/4/2010 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, trong đó có đề cập đến việc phát triển KTHĐ, như: “… Kết hợp nhuần nhuyễn kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động… tiến tới đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tào sản nhà nước…”
Và đặc biệt, trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 đặt ra mục đích chiến lược “tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công” là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng trong nhằm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2020. Mục đích chiến lược này cũng có nghĩa là đẩy mạnh phát triển KTHĐ của KTNN.
Từ những căn cứ pháp lý trên, kể từ khi Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực đến nay; đặc biệt là trong những năm gần đây, vấn đề KTHĐ được KTNN rất quan tâm từ khâu lập kế hoạch cho đến thực hiện để triển khai chức năng KTHĐ theo Luật Kiểm toán nhà nước. Việc triển khai KTHĐ chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong hầu hết các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tiền và tài sản của các đơn vị, báo cáo tài chính doanh nghiệp… Ngoài ra, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề gắn với việc thực thi các chính sách của Nhà nước, trong đó có chú trọng đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực của chính sách, quản lý sử dụng tiền, ngân sách và tài sản nhà nước…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chức năng KTHĐ trong KTNN đến nay đang còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện các cuộc KTHĐ một cách độc lập như một chức năng vốn có quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước; hiện nay KTNN chưa có chiến lược, những chính sách cụ thể cũng như hệ thống các công cụ (quy trình, hướng dẫn, cẩm nang…), đội ngũ kiểm toán viên chuyên sâu và kinh nghiệm và bộ máy tổ chức để thực hiện KTHĐ một cách rộng rãi và thường xuyên.
Trong thời gian qua, KTNN đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hình thành các điều kiện cần thiết để triển khai KTHĐ vào thực tiễn kiểm toán như: đào tạo nguồn nhân lực, trong việc lập kế hoạch thực hiện kiểm toán hàng năm đã lồng ghép nội dung KTHĐ, tăng số cuộc kiểm toán chuyên đề có tính chất KTHĐ…
Định hướng và giải pháp
Phát triển KTHĐ là tiềm năng lớn đối với KTNN. Để triển khai và phát triển KTHĐ một cách đầy đủ nhằm hướng tới việc KTNN triển khai thực hiện rộng rãi và đẩy mạnh KTHĐ trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN (tiến hành các cuộc KTHĐ độc lập), chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, trên cơ sở Kế hoạch chiến lược chung của KTNN giai đoạn 2013-2017 và theo khuyến cáo của chuẩn mực kiểm toán quốc tế cho các Kiểm toán tối cao (ISSAIs) trong KTHĐ, KTNN cần xây dựng một kế hoạch chiến lược phát triển KTHĐ trong thời gian thông thường từ 3 - 5 năm.
Lập kế hoạch chiến lược là một trong những yêu cầu quan trọng trong KTHĐ, là cơ sở quan trọng để KTNN lập kế hoạch hoạt động hàng năm và lựa chọn các chủ đề kiểm toán cho từng cuộc kiểm toán với những khu vực rủi ro hoặc có tiềm năng đưa ra các cải thiện trong quản lý khu vực công. Kế hoạch chiến lược này có thể được đánh giá, cập nhật sửa đổi hàng năm trên cơ sở những yếu tố đầu vào, môi trường quản lý thay đổi.
Các chủ đề kiểm toán được lựa chọn có tầm quan trọng (không chỉ quan trọng về tài chính mà cả về mặt xã hội và chính trị), có thể kiểm toán được, thuộc nhiệm vụ quyền hạn của KTNN và mang lại lợi ích quan trọng cho quản trị và tài chính công, cho đơn vị được kiểm toán cũng như là công chúng nói chung.
Các chủ đề KTHĐ được lựa chọn trên cơ sở việc đánh giá các vấn đề và/hoặc rủi ro tập trung vào các kết quả đạt được thông qua việc áp dụng các chính sách công, ngoại trừ các cuộc kiểm toán được thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội hoặc cơ quan có thẩm quyền…
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện các cơ sở pháp lý, hướng dẫn/sổ tay/cẩm nang và phương pháp cho KTHĐ.
Việc triển khai KTHĐ cần phải có những hướng dẫn cụ thể từ việc lựa chọn vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện, lập báo cáo,…việc xây dựng các hướng dẫn/sổ tay/cẩm nang và phương pháp cho KTHĐ là những công cụ quan trọng cho KTNN việc hướng dẫn thực hiện và quản lý.
Thứ ba, tích cực học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng nhận thức, kiến thức về KTHĐ cho đội ngũ kiểm toán viên.
Đội ngũ những người triển khai KTHĐ là yếu tố then chốt để triển khai thành công. Đối với nhiều cơ quan KTNN khác trên thế giới, đã triển khai loại hình KTHĐ từ rất lâu và chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kiểm toán. Do đó, việc họ đã có những hệ thống các chính sách, chiến lược, quy trình mang tính chuẩn (thông lệ tốt),… cho việc triển khai KTHĐ từ khâu lập kế hoạch cho đến triển khai thực hiện, báo cáo kết quả,… Do đó, việc học tập kinh nghiệm của các nước là một cách tiếp cận hiệu quả, nhằm giảm bớt quá trình nghiên cứu,…
Thứ tư, xây dựng và phát triển tổ chức bộ máy KTHĐ.
Việc thiết lập bộ máy có chức năng riêng để triển khai và tăng cường KTHĐ là hướng đi tất yếu và hoàn toàn đúng đắn của KTNN. Để triển khai KTHĐ một cách độc lập, chuyên sâu, cần có một đội ngũ có tổ chức và chuyên nghiệp, chuyên sâu về cách tiếp cận, tổ chức triển khai KTHĐ. Theo thông lệ phổ biến, việc tổ chức KTHĐ cần có một bộ phận riêng trong cơ cấu tổ chức của KTNN, ban đầu có thể thành lập các Nhóm để thực hiện các cuộc kiểm toán thử nghiệm đơn giản, sau đó có thể phát triển thành một đơn vị KTHĐ bên cạnh các kiểm toán chuyên ngành khác. Bộ phận KTHĐ này có chức năng, nhiệm vụ quyền hạn riêng, rõ ràng, không chồng chéo và có mối quan hệ chặt chẽ, phối hợp, tương hỗ với các đơn vị kiểm toán khác trong suốt quá trình hoạt động, đặc biệt là khâu lập kế hoạch kiểm toán, tổ chức thực hiện.
Việc xây dựng và phát triển bộ máy KTHĐ cần có những chính sách thu hút, động viên cụ thể đối với đội ngũ kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ KTHĐ, vì đây là loại hình kiểm toán khó khăn, việc triển khai thực hiện đòi hỏi nhiều nghiên cứu, kinh nghiệm, nguồn lực và thời gian thực hiện.
Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 3 - 2014