Tỉnh Long An:

Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả

Theo Lê Đức/Báo Long An

Qua 20 năm (2002 - 2021) xây dựng và phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Long An theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, đã tạo chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển Kinh tế - Xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Kinh tế tập thể đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất cũ, tạo được chuỗi liên kết và đầu ra ổn định hơn cho nông sản. Ảnh: Lê Đức
Kinh tế tập thể đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất cũ, tạo được chuỗi liên kết và đầu ra ổn định hơn cho nông sản. Ảnh: Lê Đức

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Để phát triển KTTT theo Nghị quyết 13, tỉnh Long An chỉ đạo và triển khai rộng rãi đến các địa phương. 20 năm qua, tỉnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ KTTT phát triển như đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất, vốn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tiếp thị và mở rộng thị trường, chế biến sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng,...

Cụ thể, đã phối hợp các cấp, các ngành bồi dưỡng, tập huấn cho gần 6.000 cán bộ HTX. Các địa phương cho 36 HTX mượn hoặc thuê đất để mở trụ sở, nhà kho, khu sơ chế. Các tổ chức tín dụng cho HTX vay vốn khoảng 10 tỷ đồng; từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, đã hỗ trợ 200 dự án của các HTX thành viên trong tỉnh; hỗ trợ 140 lượt HTX ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới với kinh phí gần 37 tỷ đồng, trong đó vốn của tỉnh gần 10 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Trung ương; hỗ trợ gần 120 tỷ đồng cho 45 HTX đầu tư xây dựng trụ sở, nhà kho sơ chế, chế biến.

Xây dựng và quảng bá được 12 chuỗi (thực hiện trên 12 HTX) liên kết tiêu thụ thực phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi trên các sản phẩm rau, gạo, cá (1 chuỗi thủy sản, 10 chuỗi rau và 1 chuỗi trên thanh long) có thị trường tiêu thụ chủ yếu tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, Big C, Aeon và hơn 70 hệ thống siêu thị mini trên toàn quốc; hỗ trợ 22 HTX được cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc và 8 HTX được cấp mã số vùng trồng.

Đến nay, có 27 đơn vị đăng ký nhu cầu vốn hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản (26 HTX và 1 doanh nghiệp), với 29 dự án, kế hoạch (10 dự án và 19 kế hoạch); tổng chi phí đầu tư của các dự án, kế hoạch liên kết hơn 80,5 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng gần 60 tỷ đồng, vốn hỗ trợ ngân sách hơn 21,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có chính sách đặc thù của địa phương để xây dựng mô hình HTX điểm sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, rau, thanh long và con bò.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, ở tỉnh đã có một số mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao trong quản trị điều hành, sản xuất. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc), HTX Dịch vụ Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa),...

Tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực phát triển cho kinh tế tập thể

Bên cạnh những kết quả, tỉnh Long An chỉ rõ, trong 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 về phát triển KTTT, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa được như mong muốn. Đó là số lượng HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả chưa nhiều, khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước hạn chế.

Phần lớn các HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất hàng hóa không đồng đều, chưa năng động, chậm khắc phục khó khăn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa chủ động mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa ngành nghề; chưa có các hình thức liên doanh liên kết khu vực HTX, HTX với các tổ chức doanh nghiệp.

“Ở nhiều HTX nông nghiệp, mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp còn bất cập, vẫn xảy ra tình trạng không tuân thủ hợp đồng liên kết. Ngoài ra, có những HTX được thành lập để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không dựa trên nhu cầu thực tiễn nên sau đó phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc hoạt động thoi thóp” - Chi cục Phó Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải cho rằng: “Năng lực hoạt động của các HTX hiện không đồng đều, trình độ lao động còn thấp; phát triển chưa bền vững, thiếu ổn định. Một số HTX chưa mở rộng được các hoạt động, hiệu quả thấp, lợi ích kinh tế mang lại cho các thành viên chưa nhiều. Mặt khác, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra”. Về trình độ nhân lực, qua thống kê, số cán bộ quản lý HTX là 957 người nhưng chỉ 274 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; 87 người có trình độ sơ, trung cấp và chưa qua đào tạo là 596 người.

Mặt khác, các chính sách hỗ trợ HTX giai đoạn 2002 - 2021 nhiều nhưng thiếu nguồn lực thực hiện. Một số chính sách thực hiện chưa hiệu quả, chưa thật sự đi vào cuộc sống như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm, hỗ trợ lao động,... hạn chế về nguồn kinh phí, nhất là chưa bố trí được nguồn vốn riêng hỗ trợ KTTT phát triển. Không những vậy, thời gian qua, do dịch COVID-19 nên hoạt động của nhiều HTX bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tê liệt, nhất là các HTX trong các lĩnh vực giao thông - vận tải, xây dựng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; tăng cường đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh, hiệu quả khoa học - công nghệ tiên tiến cho KTTT, trong đó ưu tiên HTX nông nghiệp.

Khuyến khích phát triển KTTT bền vững , nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình KTTT hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể tham gia