Phát triển kinh tế tư nhân nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
Kinh tế tư nhân là khu vực có tiềm lực lớn giúp nâng cao năng lực nội sinh của đất nước và được coi là điều kiện không thể thiếu để xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986), Đảng và Nhà nước ta đã xác định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân và đã có chủ trương, chính sách nhất quán phát triển lĩnh vực kinh tế này. Tuy nhiên, để tạo được sự chuyển biến tích cực, giúp kinh tế tư nhân phát triển đột phá, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cần có sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân.
Quá trình đổi mới tư duy của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân
Trước thời kỳ đổi mới, sau khi thống nhất đất nước, do chưa nhận thức đầy đủ về những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thời kỳ đấy là quá độ lên CNXH và do tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa (XHCN), nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh.
Vào những năm 1980, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng, trước tình hình đó, Đại hội VI (1986) của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần, quan điểm về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN) đã được bổ sung và hoàn thiện dần qua mỗi giai đoạn phát triển kinh tế đất nước.
Tới Đại hội VII (1991), Đảng khẳng định: “KTTN được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước” và “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”.
Như vậy, từ chỗ coi kinh tế tư bản tư nhân là một thành phần kinh tế “tàn dư” của chế độ xã hội cũ, Đại hội VII đã thực sự coi KTTN là một thành phần kinh tế độc lập, có tiềm năng phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996), Đảng tiếp tục khẳng định thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, “khuyến khích mọi doanh nghiệp (DN), cá nhân trong và ngoài nước khai thác các tiềm năng, ra sức đầu tư phát triển, yên tâm làm ăn lâu dài, hợp pháp, có lợi cho quốc kế dân sinh, đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, không phân biệt sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh”.
Đến Đại hội IX (2001), quan điểm của Đảng về KTTN đã có bước phát triển mới: “Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; Chuyển thành DN cổ phần, bán cổ phần cho người lao động; Liên doanh liên kết với nhau với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước”.
Tại Đại hội X (2006), Nghị quyết của Đảng nêu rõ: “Trên cơ sở ba chế độ sở hữu, hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, KTTN (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… KTTN có vai trò quan trọng là một trong những động lực của nền kinh tế”.
Như vậy, lần đầu tiên, KTTN được xác định chính thức với tư cách là một thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển và vấn đề đảng viên làm KTTN được Đảng ta chính thức đưa ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Đến Đại hội XI (2011), Đảng ta xác định phải “hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”.
Đặc biệt, tại Đại hội XII (2016), Nghị quyết của Đảng đã khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nêu quan điểm chỉ đạo: “KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP”.
Thực trạng phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta
Những thay đổi về tư duy và nhận thức quan trọng đó đã tạo điều kiện giúp khu vực KTTN ở nước ta từng bước phát triển cả về lượng và chất.
Cụ thể, KTTN đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; Hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; Hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền.
Bảng 1: Vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam |
|
STT |
Vai trò |
1 |
Góp phần xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Làm cho các quan hệ sở hữu của nền kinh tế nước ta trở nên đa dạng hơn, từ đó làm cho quan hệ sản xuất trở nên linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất vốn còn thấp và phát triển không đều giữa các vùng, các ngành trong cả nước |
2 |
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn nhàn rỗi của xã hội và sử dụng tối ưu các nguồn lực của địa phương, tạo lập sự cân đối trong phát triển giữa các vùng, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các vùng, miền |
3 |
Tạo công ăn việc làm và thu hút một bộ phận lớn lực lượng lao động, từ lao động thủ công đến lao động chất lượng cao ở tất cả mọi vùng, miền của đất nước, ở tất cả mọi tầng lớp dân cư... Đào tạo nên đội ngũ lao động mới có kỹ năng và tác phong công nghiệp cho thị trường lao động |
4 |
Thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản lý thông qua hình thức liên doanh, liên kết với nước ngoài |
KTTN (bao gồm cả kinh tế cá thể) liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp 39,21% GDP so với 28,7% của khu vực kinh tế nhà nước, 18,07% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và 4,04% của khu vực kinh tế tập thể.
KTTN thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực tư nhân tốt hơn so với các thành phần kinh tế khác, cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân của nền kinh tế và hơn 1,9 lần so với khu vực Nhà nước.
Đến nay, nước ta bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn KTTN có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị DN. Trách nhiệm xã hội của DN, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên…
Tuy nhiên, dù đã khẳng được vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, song khu vực KTTN hiện nay đang bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của KTTN có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm, giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 7,54%/năm. KTTN có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ kinh doanh; Trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Đại bộ phận các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Cơ cấu ngành nghề của KTTN còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Nhiều DN tư nhân đã phải ngừng hoạt động, giải thể và phá sản trước sức ép của cạnh tranh và hội nhập.
Tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong KTTN còn khá phổ biến. Tình trạng sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; gian lận thương mại… diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Bảng 2: Một số mục tiêu cụ thể đặt ra liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân |
|
STT |
Mục tiêu cụ thể |
1 |
Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp |
2 |
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65% |
3 |
Bình quân giai đoạn 2016-2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu |
Nhiều DN tư nhân không bảo đảm lợi ích của người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, báo cáo tài chính không trung thực, nợ quá hạn ngân hàng, trốn thuế và nợ thuế kéo dài.
Xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các DN của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về Kinh tế - Xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
Nhiều quy định của pháp luật về KTTN chưa được thực hiện nghiêm; Môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch; Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa KTTN và các thành phần kinh tế khác; Chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho DN vẫn còn khá phổ biến.
Theo thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có nhiều giấy phép kinh doanh các loại đang được vận dụng nhưng nhiều loại giấy phép kinh doanh có mục tiêu không rõ ràng, hiệu lực quản lý thấp, tạo cơ hội cho việc lạm quyền, gia tăng nhiều khoản chi phí không chính thức.
Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ chi phí gia nhập thị trường của các DN thuộc loại cao nhất trong khu vực. Để thành lập một DN và đi vào hoạt động cần làm nhiều thủ tục (lắp đặt hệ thống điện nước, điện thoại, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng nhà xưởng, giấy chứng nhận về môi trường...).
Chi phí này cộng thêm sự bất lợi của quá trình sản xuất - kinh doanh là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá thành sản phẩm của DN cao, khả năng cạnh tranh hạn chế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế…
Bên cạnh đó, trong hoạt động của KTTN xuất hiện tình trạng nhiều “DN ma” được thành lập để sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng đã gây tác hại không nhỏ môi trường kinh doanh.
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đầu cơ buôn lậu lũng đoạn thị trường, trốn thuế đang đặt ra nhiều vấn đề và công tác quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện. Nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển thành DN vì tâm lý ngại các thủ tục hành chính khi thành lập và hoạt động kinh doanh dưới sự quản lý của cơ quan công quyền.
Đa số các DN tư nhân đang sử dụng công nghệ kém, trong đó 52% đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ có 10% là thiết bị tương đối hiện đại. Đây là điều đáng báo động trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Một số giải pháp phát triển kinh tế tư nhân
Để KTTN phát triển, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước…
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra mục tiêu phát triển KTTN, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%.
Để thực hiện được mục tiêu đó, cần chú trọng bám sát triển khai những giải pháp, nhiệm vụ cơ bản nhằm phát triển KTTN được nêu ra tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khoá XII lần thứ 5, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển KTTN nhằm tạo ra nhận thức thống nhất trong hệ thống chính trị - xã hội về vai trò động lực của KTTN, từ đó tạo mọi điều kiện phát triển KTTN, phát huy thế mạnh và tiềm năng của KTTN; đồng thời, hạn chế những mặt tiêu cực phát sinh trong quá trình phát triển KTTN.
Tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết định của người kinh doanh, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp đồng thời phải có chế tài, chế độ khen thưởng và xử phạt nghiêm minh cả với người kinh doanh và người thi hành công vụ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển KTTN.
Hai là, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN. Trước hết, cần bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô song song với việc nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của KTTN phát triển.
Ban hành và thực thi hiệu quả pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, hình thành khung khổ pháp lý cho việc bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và kiểm soát độc quyền kinh doanh, mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.
Tăng cường phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ đối với KTTN, nhất là cho hộ kinh doanh cá thể. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước để tăng thêm không gian hoạt động cho KTTN. Tạo mọi khả năng để các DN tư nhân dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực phát triển như: Tài chính, đất đai, công nghệ, nhân lực…
Ba là, hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, tạo mọi cơ hội cho DN tư nhân tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh.
Phát triển thị trường vốn dài hạn, thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo... Có các biện pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp và một số DN đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ trung bình, công nghiệp phụ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu.
Khuyến khích các cơ sở khoa học, các nhà quản lý, các nhà khoa học liên kết với DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các DN và chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến cho DN… Nhà nước sớm quy định về tiêu chí để đánh giá, phân định hộ kinh doanh cá thể và các loại hình DN khác của tư nhân cho đúng tính chất của từng loại hình kinh tế, làm cơ sở cho việc áp dụng cơ chế và phương thức quản lý phù hợp, tạo điều kiện để chuyển dịch hiệu quả các hộ kinh doanh cá thể thành DN tư nhân.
Bốn là, đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ này tức là bộ máy nhà nước phải được xây dựng trên tinh thần gọn nhẹ, công chức phải có trình độ chuyên môn thích ứng.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện xây dựng một Nhà nước, một Chính phủ kiến tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tạo dựng minh bạch hệ thống thông tin quản lý trong xã hội.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển KTTN nhằm mục đích để KTTN phát triển đúng hướng, bền vững, phát huy tốt vai trò động lực trong nền kinh tế quốc dân. Các cấp uỷ cần quan tâm chỉ đạo việc quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển KTTN.
Tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển KTTN. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc động viên xã hội tham gia phát triển KTTN đúng hướng, lành mạnh và bền vững…
Có thể nói, tư duy nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí của KTTN trong nền kinh tế thị trường đã thay đổi, nhờ đó, những nghị quyết, những cải cách đã được ban hành đồng bộ.
Tuy nhiên, ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng và Chính phủ cũng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các hội nghề nghiệp, các ngân hàng, đặc biệt, bản thân các DN tư nhân cũng cần phải nâng cao năng lực, đẩy mạnh liên doanh liên kết, có như vậy mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế...
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010;
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần II, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010;
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011;
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016;
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Văn Phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017;
6. Tô Hoài Nam, Thách thức, thời cơ với DN Việt Nam trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Báo Tuổi trẻ ra ngày 28/11/2016.