Phát triển kinh tế tuần hoàn - Xu hướng tất yếu cho Việt Nam
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thách thức phát triển kinh tế tuần hoàn
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đứng thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số nhưng hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm.
Các số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP. Cùng với đó, tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế của Việt Nam.
Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, Việt Nam cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình "kinh tế truyền thống" sang "kinh tế tuần hoàn".
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức đang hiện hữu. Đó là nhận thức đúng về bản chất của kinh tế tuần hoàn được thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo để tạo ra một đồng thuận chung.
Kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ nhưng Việt Nam là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn, cũng chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn.
Một thách thức khác với Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng. Người dân và cả doanh nghiệp còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế. Đây là thách thức không nhỏ đối với thực tiễn vận hành của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Cần một hành lang pháp lý rõ ràng
Theo dự báo, lượng rác thải của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới và Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Một lượng chất thải đáng kể đang được chôn trực tiếp tại các bãi chôn lấp hoặc xả ra biển.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, theo các chuyên gia phân tích, Việt Nam cần có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, cần xác định doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện.
Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình. Đó là: Cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu và cách tiếp cận theo quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý.
Bên cạnh đó, lộ trình cũng cần tiếp tục thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn, như khuyến khích năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường...