Phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Nguyễn Thị Hải Yến – Đại học Kiểm sát Hà Nội

Hiện nay, công nghệ tài chính (Fintech) là một thuật ngữ không còn xa lạ và được nhắc tới tương đối nhiều trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về lĩnh vực này. Bài viết này đánh giá tổng quan về một số nội dung liên quan đến công nghệ tài chính như Fintech là gì, các loại Fintech, hệ sinh thái Fintech và các khó khăn thách thức khi phát triển Fintech tại thị trường Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về Fintech

Fintech là gì?

Chúng ta đều biết rằng, công nghệ thông tin và mạng Internet đang ngày một phát triển vượt bậc hơn, thậm chí đã và đang đổ bộ vào hầu hết mọi khu vực trên thế giới cũng như mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.

Tất nhiên, một ngành kinh tế hiện đại như tài chính - ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế này. Các ứng dụng của công nghệ thông tin được ví như những con sóng mới, làm thay đổi toàn bộ hệ thống phương thức cung ứng và vận hành của các dịch vụ tài chính đã có từ hàng trăm năm nay.

Vậy thì chính xác Fintech là gì? Đã có rất nhiều tác giả và các công trình khoa học khác nhau nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên cách hiểu được thống nhất rộng rãi chính là: FinTech là việc áp dụng các công nghệ, đổi mới, sáng tạo và hiện đại cho lĩnh vực tài chính, nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống (Patrick, 2016).

Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của FinTech bao gồm và liên quan đến thanh toán kỹ thuật số, cho vay số, đầu tư số, tiền số, bảo hiểm số (insurtech), các dịch vụ tài chính ngân hàng số khác. Những sản phẩm, dịch vụ và giải pháp này được phát triển trong hệ sinh thái FinTech với các chủ thể gồm Chính phủ, các định chế tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính, các công ty phát triển công nghệ, và các công ty khởi nghiệp FinTech (Lee và Shin, 2018).

Các loại Fintech

Việc phân chia Fintech thành các loại dựa trên các tiêu chí khác nhau. Cụ thể:

Nếu sử dụng tiêu thức phân loại là công nghệ, Fintech có thể được phân chia thành các phân khúc như: Giao diện lập trình ứng dụng- API (Application Programming Interface), Trí tuệ nhân tạo – AI (Artificial Intelligence), công nghệ chuỗi khối - Blockchain, điện toán phân tán (Distributed Computing) và những công nghệ khác, bao gồm dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình robot...

Nếu sử dụng tiêu thức phân loại là các sản phẩm dịch vụ, Fintech có thể được phân chia thành các phân khúc như: thanh toán, chuyển tiền, tài chính cá nhân, cho vay, bảo hiểm và những dịch vụ khác như quản lý tài sản...

Dựa trên tiêu thức ngành công nghiệp tiêu dùng cuối cùng, thị trường FinTech có thể được chia thành các phân khúc: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và các lĩnh vực khác như thương mại điện tử...

Tổng quan thị trường Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Trong những năm gần đây, thị trường Fintech tại Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư. Fintech xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2017, song phải đến năm 2020, đặc biệt là năm 2021, thị trường mới chứng kiến sự phát triển cả về lượng và chất của các công ty khởi nghiệp Fintech trong lĩnh vực này. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 04 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.

Liên kết và hợp tác giữa các công ty Fintech và các ngân hàng vẫn là xu hướng chính và chủ đạo trong những năm qua tại Việt Nam. Hợp tác giữa Fintech và ngân hàng chiếm tới hơn 90% số lượng các công ty Fintech. Đối với lĩnh vực trung gian thanh toán, 100% các công ty Fintech do NHNN cấp phép hoạt động đều hợp tác với các ngân hàng (Sơn, 2020). Đối với các lĩnh vực khác, sự hợp tác giữa các công ty Fintech và các ngân hàng cũng rất chặt chẽ dựa trên những lợi thế riêng của từng bên để có thể cung ứng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng, lợi ích tốt hơn và tiết kiệm chi phí hơn cho khách hàng.

Mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, song thị trường Fintech ở Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. So với các nước trong khu vực, số lượng công ty Fintech tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Fintech ở Việt Nam chưa thực sự phát triển do hệ sinh thái Fintech chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tài chính, công ty khởi nghiệp Fintech, công ty phát triển công nghệ...) cũng như khuôn khổ pháp lý quản lý lĩnh vực Fintech chưa được đồng bộ.

Các yếu tố cấu thành hệ sinh thái Fintech

Hệ sinh thái FinTech bao gồm 5 yếu tố chính, mỗi yếu tố có sự liên quan, tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của FinTech. Một hệ sinh thái cộng sinh và ổn định sẽ thúc ẩy sự phát triển của lĩnh vực FinTech cũng như thị trường FinTech.

Năm yếu tố của hệ sinh thái FinTech bao gồm:

Một là, các công ty khởi nghiệp FinTech (FinTech startups)

Các công ty khởi nghiệp FinTech là các công ty dựa trên công nghệ mới cung cấp các giải pháp sáng tạo trong ngành tài chính. Các công ty này chịu trách nhiệm về các bước đổi mới đột phá trong các lĩnh vực thanh toán, quản lý tài sản, cho vay, huy động vốn từ cộng đồng, bảo hiểm và thị trường vốn… vì vậy được coi là phần trung tâm của hệ sinh thái. Các doanh nghiệp khởi nghiệp FinTech có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến người tiêu dùng trong chuỗi giá trị tài chính. Các công ty này sử dụng các kênh kỹ thuật số làm đầu mối liên hệ và mỗi kênh trong số đó có các hình thức thanh toán, dịch vụ, bảo mật và quyền lợi khác nhau. Bên cạnh việc tập trung vào các cơ chế vận hành với chi phí thấp, các công ty khởi nghiệp FinTech cũng ưu tiên đáp ứng nhu cầu thị trường ngách bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ tùy chỉnh hơn cho khách hàng của họ so với các tổ chức tài chính truyền thống.

Hai là, các cơ quan quản lý

Chính phủ và các cơ quan quản lý là chủ thể tạo môi trường pháp lý cho FinTech. Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể tác động tích cực đến các khía cạnh khác nhau của hệ sinh thái. Ví dụ, bằng cách đơn giản hóa các quy định thương mại, quy định về bảo mật thông tin, hoặc bằng cách giảm thuế. Tuy nhiên, chính phủ và các cơ quan quản lý cũng có thể có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái

FinTech bằng cách tạo ra các quy định quan liêu và cứng nhắc. Mối quan hệ của chính phủ và cơ quan quản lý với hệ sinh thái FinTech có thể thay đổi hoặc khác biệt giữa các quốc gia. Một vài quốc gia có xu hướng thắt chặt quy định và quản lý nghiêm ngặt hơn với một số lĩnh vực của FinTech như bổ sung thêm các quy định, ưu tiên tính minh bạch để giảm hành vi gian lận và bảo vệ người tiêu dùng. Để khuyến khích các đổi mới dựa trên công nghệ, hoạt động khởi nghiệp và đảm bảo khả năng cạnh tranh cao hơn trong lĩnh vực tài chính, một số quốc gia đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia và thiết kế các chính sách kinh tế linh hoạt hơn, tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho sự xuất hiện của FinTech.

Ba là, khách hàng tài chính.

Khách hàng tài chính bao gồm các cá nhân và tổ chức, là khách hàng và tạo nguồn doanh thu cho các công ty FinTech. Bên cạnh nguồn doanh thu từ nhóm khách hàng tổ chức thì nhóm khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng mang lại doanh thu vượt trội và tạo sự tăng trưởng cho các dịch vụ FinTech. Sự hài lòng của khách hàng là điều tối quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp FinTech, do đó, các FinTech cần hiểu rõ đặc điểm của người dùng để có thể cung cấp dịch vụ hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng cũng như nhu cầu của khách hàng.

Bốn, nhà phát triển công nghệ (các công ty phát triển công nghệ).

Nhà phát triển công nghệ cung cấp các nền tảng kỹ thuật số và công nghệ như các mạng xã hội, việc phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, điện thoại thông minh và dịch vụ di động… tạo cơ sở cho các công ty khởi nghiệp FinTech áp dụng công nghệ để cải tiến nhiều dịch vụ. Cùng với các công ty FinTech, các nhà đầu tư vào FinTech, các công ty phát triển công nghệ về dữ liệu lớn (Big data), giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface - API), ứng dụng trí tuệ nhân tạo của khoa học máy tính (Machine learning - ML), ứng dụng về trải nghiệm, cảm nhận của người dùng (User experience - UX), Blockchain…đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái FinTech.

Năm là, các tổ chức tài chính truyền thống.

Là các ngân hàng truyền thống, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, nhà đầu tư mạo hiểm… Các tổ chức này là động lực quan trọng trong hệ sinh thái FinTech. Mặc dù ban đầu các tổ chức tài chính truyền thống phải đối mặt với sự cạnh tranh của các công ty khởi nghiệp FinTech như một mối đe dọa, nhưng gần đây họ đã bắt đầu hợp tác với các công ty mới đó nhằm tung ra các dịch vụ mới với chi phí hoạt động thấp hơn. Nhiều tổ chức tín dụng có thể phát triển các sản phẩm hợp tác với doanh nghiệp FinTech nhằm tận dụng được điểm mạnh của cả hai bên. Theo đó, thời gian để một sản phẩm, dịch vụ FinTech mới tiếp cận với thị trường và khách hàng được giảm bớt. Một số tổ chức ngân hàng đã bắt đầu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp FinTech thông qua việc mua lại hay thành lập các công ty FinTech hoặc vườn ươm FinTech riêng.

Cách tiếp cận về hệ sinh thái FinTech cho thấy, khi 5 chủ thể hay 5 yếu tố của hệ sinh thái FinTech này ược hoàn thiện và ngày càng phát triển, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cũng như sự phát triển của thị trường FinTech. Các yếu tố của hệ sinh thái FinTech cộng sinh với nhau và góp phần cải tiến, kích thích nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính và cuối cùng là mang lại lợi ích cho khách hàng.

Một số vấn đề đặt ra trong phát triển Fintech ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ ở mức cao, khả năng nắm bắt xu thế nhanh, lại rất được các nhà đầu tư quốc tế quốc tế quan tâm nên có tiềm năng phát triển FinTech rất lớn, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ lớn như: FPT, Viettel, VNPT… đang rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp về công nghệ tài chính. Tuy nhiên, sự phát triển FinTech ở Việt Nam còn nhiều thách thức đặt ra như:

Một là, do trình độ, năng lực về công nghệ thông tin còn hạn chế, cơ sở hạ tầng cho phát triển FinTech còn yếu kém nên các sản phẩm, dịch vụ FinTech còn sơ khai, chưa đủ đa dạng, sáng tạo và đột phá để cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ truyền thống. Nhiều lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của nền tảng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ bảo mật. Thêm vào đó là người sử dụng hệ thống không có ý thức bảo mật thông tin cá nhân.

Hai là, hành lang pháp lý chưa bắt kịp với sự phát triển của các mô hình mới, nên sẽ là rủi ro hiện hữu đối với các công ty FinTech cũng như người tiêu dùng dịch vụ. Khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động FinTech vẫn còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô. Nước ta hầu như chưa có khuôn khổ quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ; mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của các công ty FinTech; cũng như bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân; các quy định về thanh toán vẫn còn chưa đồng bộ.

Thứ ba, hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có những Công ty FinTech quy mô lớn, chưa có các chính sách thuế ưu đãi đối với nhà đầu tư. Điều này tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển của ngành đầu tư tài chính có cơ hội thu lợi nhuận cao

Thứ tư, hệ sinh thái FinTech còn thiếu liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia (cơ quan quản lý, các định chế tài chính, người tiêu dùng dịch vụ tài chính, các công ty phát triển công nghệ và các công ty FinTech), do chưa có nhiều cơ chế phối hợp cũng như các chương trình đào tạo, giáo dục, liên kết cho thị trường.

Thứ năm, là những rủi ro, thách thức đối với ngành công nghệ tài chính nói chung như: rủi ro tài chính và công nghệ, rủi ro về bảo mật thông tin hay khó khăn trong việc bảo vệ người tiêu dùng. FinTech, trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính trên các thị trường, các tổ chức và các vùng địa lý, cũng làm cho rủi ro tài chính dễ lây lan hơn và phạm vi thiệt hại tiềm năng lớn hơn. Cùng với việc làm cho cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tài chính cởi mở hơn thông qua hệ thống trực tuyến, FinTech cũng tích lũy các rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào công nghệ và an ninh mạng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Hạ (2022) – Phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) của Trung Quốc và một số hàm ý cho Việt Nam – Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam;
  2. Nghiêm Thanh Sơn (2020), Thực trạng và giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ tài chính tại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, http://tapchinganhang.gov.vn/thuc-trang-va-giai-phap-hoan-thien-he-sinh-thai-cong-nghe-tai-chinh-tai-viet-nam.htm;
  3. Lee, In and Shin, Yong Jae (2018), FinTech: Ecosystem, business models, investment decisions, and challenges, Business Horizons.