Phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh Việt Nam gia nhập AEC

ThS. Lê Thị Thanh Huyền

Nền kinh tế số là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý bởi những đóng góp to lớn của nó vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ tư, còn Việt Nam đang thúc đẩy nền kinh tế khởi nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hoà. Bài viết đánh giá tiềm năng kinh tế số của Việt Nam, đồng thời đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Việt Nam đang xuất hiện xu thế “số hóa” ở mọi lĩnh vực từ thương mại, thanh toán cho đến vận chuyển, giáo dục, sức khỏe…. Nguồn: Internet.
Việt Nam đang xuất hiện xu thế “số hóa” ở mọi lĩnh vực từ thương mại, thanh toán cho đến vận chuyển, giáo dục, sức khỏe…. Nguồn: Internet.

AEC và phát triển kinh tế số

Báo cáo “Thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Nền kinh tế số và dòng chảy tự do của dữ liệu - nâng tầm hội nhập kỹ thuật số trong ASEAN vì sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam” do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN công bố ngày 13/01/2017 cho biết, AEC hiện đứng thứ 3 toàn cầu về sử dụng internet, đứng thứ 2 thế giới về thu hút đầu tư.

Đông Nam Á hiện cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng internet nhanh nhất thế giới và hiện nay có trên 700 triệu thiết bị di động đang nối mạng. Đến năm 2020, số lượng người dùng internet tại khu vực này sẽ đạt 480 triệu người, so với 260 triệu người hiện nay. Riêng tại Việt Nam, ước tính đến năm 2020, tỷ lệ người sử dụng smartphone tăng gấp 30 lần so với năm 2010, với 60 triệu người dùng smartphone chiếm 60% dân số.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện một chiến lược phát triển nền kinh tế số hóa có thể khiến tổng GDP của ASEAN tăng thêm một nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tiếp theo. Đây chính là lý do hiện nay nhiều nước rất quan tâm đến kinh tế số. Mới đây, Thái Lan chính thức thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế Kỹ thuật số để thay thế Bộ Công nghệ Thông tin và truyền thông với chức năng lên kế hoạch, xúc tiến, phát triển và thực hiện các hoạt động liên quan đến một nền kinh tế kỹ thuật số và xã hội.

Trong khi đó, nhằm đẩy nhanh kế hoạch xây dựng nền kinh tế số, Malaysia cũng dành khoảng 36 triệu USD để phát triển một hệ sinh thái thương mại điện tử. Các trung tâm kỹ thuật số dành cho cộng đồng khởi nghiệp sẽ được thành lập vào năm 2017. Bên cạnh đó, Malaysia cũng thúc đẩy phong trào nhà sáng chế kỹ thuật số, với các dự án trị giá 100 tỷ USD dự kiến sẽ được triển khai trong 10 năm tới…

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi mà đang xuất hiện xu thế “số hóa” ở mọi lĩnh vực từ thương mại, thanh toán cho đến vận chuyển, giáo dục, sức khỏe… Đặc biệt, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, trong đó năm 2016 đạt 390 triệu USD (thị phần của Google và Facebook là 75%, còn lại 25% là của các công ty khác).

Ước tính đến năm 2020, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến sẽ tăng gấp trên 3 lần, đạt 950 triệu USD. Năm 2016, thương mại điện tử cũng tăng mạnh 50% so với cùng kỳ năm 2015 với tổng giá trị giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử đạt 900 triệu USD và ước tính đến 2020 đạt 5 tỷ USD. Tổng giá trị thanh toán trực tuyến năm 2016 đạt 680 triệu USD, ước tính đến 2020 là 4 tỷ USD…

Một số thách thức và khuyến nghị

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hoà. Phát triển nền kinh tế số sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả người tiêu dùng cũng như các DN, đặc biệt là các DNNVV. Kỹ thuật số sẽ làm cho hoạt động sản xuất trở nên cạnh tranh hơn.

Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu chi phí hậu cần và giao dịch. Thông qua trao đổi trực tuyến, sẽ tạo cơ hội cho các DN mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh, quảng bá, thực hiện tốt các dịch vụ sau bán hàng…

Đối với Việt Nam, phát triển công nghệ số sẽ giúp DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp. Các DNNVV – lực lượng chiếm phần đông trong cộng đồng DN của nền kinh tế Việt Nam rất quan tâm đến tiềm năng kinh tế số, vì họ không có nhiều nguồn lực tài chính để quảng bá hay mở rộng thị trường như các DN lớn.

Thực tế cũng đã chứng minh có những DN nhỏ rất thành công, chẳng hạn như chuyện một DN nhỏ ở làng Vũ Đại đã rất thành công khi sử dụng internet để bán cá kho đi khắp cả nước và ra cả nước ngoài. Hiện quy mô của DN này đã tăng 100 lần mỗi năm.

Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia AEC nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đối mặt với không ít thách thức. Chẳng hạn, làm sao tìm ra được những sản phẩm, dịch vụ có thể cạnh tranh được với những sản phẩm, dịch vụ đang có của nước ngoài. AEC là khu vực có sự lưu thông của các dòng dữ liệu dễ bị tổn thương do các lỗ hổng an ninh mạng, trộm cắp dữ liệu và tấn công mạng.

Đó là chưa kể vấn đề lòng tin trong khâu thanh toán. Việt Nam đang có khoảng 100 nghìn tài khoản đăng ký thanh toán qua mạng, nhưng giá trị thanh toán hầu như không tăng sau nhiều năm. Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển trong bối cảnh gia nhập AEC, cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, cần tạo lập được một môi trường, chính sách tốt cho phát triển công nghệ số. Thực tế cho thấy, nền kinh tế số chỉ phát triển tốt nhất, khi quốc gia AEC nói chung và Việt Nam nói riêng có mức độ hội nhập cao. Để khai thác tốt tiềm năng của nền kinh tế số rất cần tăng cường kết nối hơn nữa giữa các thành viên. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, đây là điều mà ASEAN chưa làm tốt nên chưa khai thác hết tiềm năng của nền kinh tế số.

Hai là, tìm ra được những sản phẩm, dịch vụ có thể cạnh tranh được với những sản phẩm, dịch vụ đang có của nước ngoài. Trong đó, cần coi yếu tố nội địa và hiểu nhu cầu người dùng là yếu tố tiên quyết trong thành công của ngành nội dung số trong nước. Đối với DN Việt Nam, nên tập trung vào những mảng có tính chất chuyên biệt hơn như học tập, y tế…

Ba là, cần thực hiện và hướng tới các biện pháp về bảo vệ dữ liệu cá nhân, ứng phó xử lý sự cố, an ninh mạng… Sự tự do lưu chuyển dữ liệu là yếu tố nền tảng của nền kinh tế số. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy các quốc gia ASEAN đối thoại với nhau và với các đối tác để hài hòa chính sách, tạo ra một môi trường số chung thống nhất, an toàn và đảm bảo. 

Bốn là, các chính phủ cần cùng nhau tạo ra một môi trường pháp lý cho thanh toán thông thoáng hơn. Thanh toán có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế số, đặc biệt là thanh toán xuyên biên giới. Vì vậy, các quốc gia AEC nói chung và Việt Nam nói riêng cần cùng nhau tạo ra một môi trường pháp lý cho thanh toán thông thoáng hơn, an toàn hơn, qua đó hỗ trợ quản lý thu thuế hiệu quả hơn.

Năm là, ứng dụng một cách sâu rộng, hiệu quả của công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của nền kinh tế, góp phần hình thành một nền kinh tế số không biên giới, mang lại giá trị lợi nhuận cao. Công nghệ số thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh cải tiến mô hình phát triển, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ đường biên giới địa lý. Hiện nay, hầu hết nền kinh tế phát triển trên thế giới có một chiến lược phát triển công nghệ số, tập trung vào việc nghiên cứu để có thể áp dụng công nghệ mới vào việc tăng trưởng kinh tế.     

Tài liệu tham khảo:

1. Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (2017), Báo cáo “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN: Nền kinh tế số và dòng chảy tự do của dữ liệu - Nâng tầm hội nhập kỹ thuật số trong ASEAN vì sự phát triển của DNNVV, DN khởi nghiệp Việt Nam”;

2. Xuân Bách (2017), Nền kinh tế số cần trở thành trọng tâm chính sách AEC, Báo Nhân dân;

3. Nhữ Sơn (2017), Nền kinh tế số và cơ hội của DN, Báo Đại biểu Nhân dân;

4. Một số website: bnews.vn, vcci.com.vn.