Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Việt Nam được hưởng lợi nhiều
Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, với mục tiêu xa là tạo ra một khu vực mậu dịch tự do cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, RCEP là bước trung gian để hướng đến một hình mẫu thông minh hơn, thích hợp hơn trong hội nhập liên kết khu vực, bảo đảm đem lại thịnh vượng, tăng trưởng bền vững, thúc đẩy sáng tạo, lợi ích chia sẻ công bằng cho các nước, quốc gia, nền kinh tế thành viên.
Sẵn sàng hội nhập sâu rộng
Phóng viên: Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
TS. Võ Trí Thành: Theo rất nhiều đánh giá của các tổ chức nghiên cứu quốc tế, trong các Hiệp định có mức độ hội nhập sâu rộng hơn thì các nước chậm phát triển sẽ hưởng lợi nhiều hơn một cách tương đối. Do cơ sở phát triển của Việt Nam còn ở mức thấp cho nên tốc độ phát triển thường cao hơn so với các nước phát triển.
Khi ở quy mô lớn thì sản xuất kinh doanh của thế giới và khu vực mang tính chuỗi giá trị. Còn Việt Nam và một số nước khác mới ở giai đoạn đầu tham gia quá trình này nên khi hội nhập sâu hơn thì mức độ tham gia lớn hơn. Điều đó tác động mạnh tới xuất khẩu và tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo tôi đánh giá đấy chỉ dựa trên một số giả định về mức độ mở cửa hội nhập. Còn trên thực tế nó phụ thuộc vào 2 điều. Thứ nhất là tiến trình cải cách thể chế của đất nước. Thứ hai là công tác chuẩn bị sẵn sàng hội nhập của đất nước và đặc biệt là của các doanh nghiệp.
Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trước Hiệp định này?
Tín hiệu tích cực là đa số doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ hội nhập sâu rộng và cho rằng trong dài hạn sẽ mang lại điều tốt lành cho đất nước, cho doanh nghiệp. Mặc dù thách thức là rất lớn. Tuy nhiên, điều tốt lành đó không tương xứng với sự chuẩn bị của các doanh nghiệp đối với tiến trình hội nhập của Việt Nam.
Đối với RCEP, công tác chuẩn bị giống như quá trình hội nhập khác, cần chuẩn bị về thông tin, sự hiểu biết về thương mại, các FTA để gắn với chiến lược, quá trình cải cách trong nước, chiến lược làm ăn kinh doanh. Qua đó, gắn với việc quan trọng là đào tạo, nâng cao năng lực mỗi doanh nghiệp.
Có 2 đặc thù rất quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý: Thứ nhất đây là khu vực mà sản xuất kinh doanh năng động nhất, phát triển nhất. Thứ hai, các doanh nghiệp phải rất hiểu đối tác, đặc biệt là những đối tác đang chi phối các mạng, gắn với sản xuất kinh doanh, thương mại đầu tư trong mạng và với thế giới.
Tăng trưởng bền vững
Thưa ông, sau Hiệp định TPP thì RCEP có thể coi là bước đi khác của Việt Nam không?
Việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP đã đặt ra nhiều dấu hỏi và là một điều thất vọng đối với Việt Nam và các nước tham gia TPP. Bởi vì TPP được kỳ vọng tích cực đối với tất cả các thành viên. TPP có thể coi là một hình mẫu của Hiệp định thương mại mặc dù chưa đầy đủ, chưa hoàn hảo; qua đó thúc đẩy cải cách thể chế ở các nước thành viên. Nhưng dù thế nào thì TPP vẫn còn rất nhiều ý nghĩa, đã đặt ra rất nhiều luật chơi phải thích ứng đối với các đòi hỏi mới.
Do đó, TPP có tồn tại như một thực thể hay chỉ là trên giấy tờ thì nó vẫn tác động tích cực trong quá trình cải cách để chúng ta suy nghĩ, thích ứng trong điều kiện, môi trường mới; tác động tích cực đến các đàm phán FTA hiện nay.
Bên cạnh đó, RCEP là một Hiệp định rất gắn với liên kết, mạng sản xuất, chuỗi giá trị ở Đông Á và toàn cầu. Nếu mở rộng đem lại rất nhiều cơ hội. Một khu vực rộng lớn có vai trò quan trọng trong thương mại đầu tư, tăng trưởng kinh tế của thế giới. Một khu vực mà mạng sản xuất năng động nhất, vai trò FTA rất lớn.
Một khu vực mà có nhiều hình mẫu thành công cùng phát triển. Như vậy, vấn đề không chỉ là thương mại, đầu tư mà năng lực của mỗi nước nếu có chính sách thích hợp, có cải cách tốt thì sẽ vươn lên và thành công. Đó chính là thách thức lớn nhất đối với mỗi nước, đặc biệt là nền kinh tế của các nước còn chậm phát triển trong khu vực này.
Có ý kiến cho rằng, nếu nội lực không đủ mạnh thì dường như hội nhập không mang lại lợi ích thiết thực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Hội nhập đem lại tác dụng rất lớn nhưng không giải quyết được tất cả vấn đề. Hội nhập phải gắn với cải cách trong nước, phải có những chính sách và công cụ khác để giảm thiểu chi phí và các tác động tiêu cực.
Phải có sự nghiên cứu để từ đó có được lựa chọn chính sách đúng thì mới có thể khẳng định được là nên tiếp tục hội nhập hay đóng cửa, hay hội nhập như thế nào, không thể chỉ nhìn một hiện tượng mà ta vội kết luận nên hội nhập hay không. Bên cạnh những điều tích cực thì ta cũng phải có nghĩa vụ giải trình, có những nghiên cứu mới, thực chứng tốt hơn để có thể thấy trước những nguy cơ.
Xin cảm ơn ông!