Phát triển nguồn nhân lực số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay
Một trong các mục tiêu lớn của Việt Nam đến năm 2025 là 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đây là giai đoạn khẩn trương để đào tạo và phát triển nguồn lực số liên tục đáp ứng cho toàn bộ các doanh nghiệp và các cơ quan bộ, ban, ngành, giúp chuẩn bị cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai của Việt Nam. Bài viết phân tích thực trạng nguồn nhân lực số của Việt Nam hiện nay và đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực này trong tương lai.
Thực trạng phát triển nguồn nhân lực số trong doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Nguồn nhân lực số là nguồn nhân lực trong nền kinh tế số, là lực lượng chủ yếu để triển khai và hiện thực hóa nền kinh tế số, quyết định sự tồn tại của nền kinh tế số, có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số, vận hành nó trong quá trình sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của nền kinh tế.
Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nội dung Quyết định đã xác định: Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Quyết định số 411/QĐ-TTg đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển kinh tế số, trong đó có mục tiêu là tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và đạt 30% GDP vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực là một trong các nhiệm vụ để tạo nền móng cho kinh tế số.
Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Đại dịch COVID–19 là cú hích tạo ra sự thay đổi căn bản về môi trường làm việc, thúc đẩy nhu cầu về lực lượng lao động có khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao, giúp doanh nghiệp (DN) vẫn giữ vững và phát triển bất kể có biến động lớn ra sao.
Vì vậy, hiện nay, nhu cầu đào tạo và tái đào tạo nhân lực số rất lớn trong xã hội. Lực lượng lao động cần được chú trọng tập trung đào tạo và tái đào tạo bao gồm: Lực lượng lao động đang làm việc trong cả hai khối tư nhân và hành chính công; Những sinh viên trẻ – lực lượng lao động kế cận; Học sinh các cấp làm quen với tri thức và kỹ năng số đảm bảo nhân lực tương lai có khả năng thích nghi với tương lai từ công nghệ và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cách quản lý, điều hành cũng như quá trình phát triển của DN. Nó có thể phá vỡ thị trường lao động bởi khi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) dần thay thế con người khiến hàng triệu lao động thất nghiệp. Đó là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến xu hướng phát triển nguồn nhân lực số, nhất là trong DN. Trong khi đó, nền kinh tế số vận hành dựa trên ứng dụng công nghệ số, tri thức và sự sáng tạo của con người là động lực chính. Do vậy, nguồn nhân lực số phải có đầy đủ năng lực về trí tuệ, tri thức và văn hóa để tổ chức, quản lý và vận hành nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố quyết định sự thành công việc xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đang tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Tính đến ngày 15/4/2023, Việt Nam có quy mô dân số đạt 100 triệu người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2023 là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2023 là 26,4%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý I/2023 là 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I/2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Tổ chức Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (ngày 09/9/2022), Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển khá đứng thứ 115/191 quốc gia. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nguồn nhân lực của Việt Nam có khả năng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số để xây dựng kỹ thuật số trong thời kỳ cách mạng 4.0.
Theo báo cáo của Ủy ban về chuyển đổi số, hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: Công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 53.000 (nếu tính cả đào tạo cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 65.000). Với năng lực đào tạo này, trong những năm gần đây, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng cao để thực hiện chuyển đổi số. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, cùng với các địa phương trên cả nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai Nền tảng học trực tuyến mở, hoàn thành ba khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương. Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng chuyển đổi số cho khoảng 300 nghìn công chức, viên chức, 200 nghìn thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân.
Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố triển khai 40.590 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200 nghìn thành viên tham gia. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có xấp xỉ 1,2 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với các quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).
Hiện các nước châu Âu đã đặt mục tiêu số lượng nhân lực để chuyển đổi số đến năm 2030 là 5% dân số. Như vậy, nếu Việt Nam đặt mục tiêu nhân lực công nghệ thông tin chỉ chiếm 2 - 3% dân số, thì nhân lực số cũng đã khoảng 2 - 3 triệu người. Trong khi số sinh viên ra trường ngành công nghệ thông tin (gồm cao đẳng và đại học) ra trường hàng năm chỉ khoảng 60.000 - 70.000 người.
Trong môi trường chuyển đổi số, việc đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số trên toàn quốc nhằm chuyển đổi số một cách nhanh, hiệu quả, bền vững và thành công, đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, không chỉ thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin, mà rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đông đảo người dân còn thiếu kỹ năng để tham gia chuyển đổi số. Việt Nam có điều kiện trong việc phát triển nguồn nhân lực số, song sự phát triển đó đang chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ tăng nhưng so với tổng nhân lực đang làm việc trong ngành còn thấp, đặc biệt còn thiếu nhiều nhân lực trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây....
Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam
Để nhân lực số của Việt Nam lớn mạnh, vẫn còn nhiều việc làm trong thời gian tới, cần sự chung tay của người dân và sự tham gia vào cuộc của các DN. Bên cạnh đó, cần có sự chuyển đổi về nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Đồng thời, xây dựng mạng lưới chuyển đổi số từ trung ương đến cấp xã, với đội ngũ nhân lực được tổ chức đồng bộ, thường xuyên. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực số, đó là:
Thứ nhất, đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số quốc gia với các yếu tố trọng tâm: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng Chính phủ điện tử trên nền tảng công nghệ hiện đại, để người dân từng bước thích nghi với xã hội số và kinh tế số; Tăng cường hoàn thiện thể chế, văn bản luật tạo điều kiện thuận lợi xây dựng nền kinh tế số.
Các DN xây dựng môi trường lao động chuyên nghiệp, điều kiện làm việc an toàn hiện đại, điều chỉnh các chính sách về thu nhập, phúc lợi một cách phù hợp để kích thích thái độ, khả năng sáng tạo của người lao động trong quá trình lao động sản xuất. Đảng và Nhà nước cần chỉ đạo và xây dựng tốt công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận để bảo vệ người lao động. Công tác đào tạo ở DN cần được thực hiện thường xuyên để người lao động có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ.
Thứ hai, DN cần cải thiện chính sách nhân sự hợp lý để giữ chân người lao động. Do đó, ngoài duy trì các chế độ phúc lợi tốt, DN cần hình thành hệ thống phân quyền, ủy quyền để các cấp quản lý tự chủ trong công việc.
Thứ ba, xây dựng chiến lược giáo dục và đào tạo phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của nền kỹ thuật số. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kết hợp với các bộ, ngành cụ thể, giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu để dự báo được nhu cầu lao động. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo số chú trọng đào tạo tri thức công nghệ thông tin, viễn thông, kỹ năng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong lao động sản xuất cho học sinh từ bậc học phổ thông. Các trường cần xây dựng hệ thống học liệu số, thư viện số giúp phát huy khả năng tự học, tiếp cận thông tin tri thức của người học, người cần nghiên cứu. Về phần các trường cũng phải thay đổi chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ giảng viên để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cần tạo mối liên kết, DN hỗ trợ kinh phí, đặt hàng nhân sự, nhà trường đào tạo kiến thức chuyên sâu cho người học trong các lĩnh vực DN có nhu cầu tuyển dụng lao động. Người học nhận thức được yêu cầu của DN, căn cứ năng lực bản thân để lựa chọn ngành nghề, rèn luyện năng lực của bản thân một cách phù hợp.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng DN số từ đó thúc đẩy sự chuyển dịch nguồn nhân lực số. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi số trong hoạt động để phù hợp với định hướng phát triển chung của nền kinh tế.
Thứ năm, xây dựng văn hóa lao động cho nguồn nhân lực số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cho mỗi người trong xã hội khả năng tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác và bổ ích. Nhiều thông tin mang tính độc hại, những tư tưởng chống phá Nhà nước, thông tin sai sự thật gây mất định hướng trong hành động của mỗi cá nhân. Do đó, cần tăng cường xây dựng môi trường làm việc văn hóa, tạo điều kiện, cơ hội cho nhân lực phát triển, lãnh đạo phải là người nêu gương, mẫu mực trong lời nói và việc làm. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải được thực hiện trong môi trường công bằng, kỷ cương, đạo đức, thượng tôn pháp luật được coi làm chuẩn mực; tạo ra một môi trường văn hóa, dẫn dắt sự phát triển nguồn nhân lực.
Vì thế, tất cả các lực lượng cùng tham gia phát triển nguồn nhân lực số phải chủ động, tích phát huy được vai trò mình thì mới thực sự mang tới hiệu quả. Đảng và Nhà nước giữ vai trò định hướng, chỉ đạo, xây dựng cơ chế thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số; các tổ chức, DN cần chủ động, linh hoạt trong việc chuyển đổi mô hình, phương thức hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số; bản thân mỗi cá nhân phải tự giác học tập, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, tạo khả năng làm chủ khoa học công nghệ ứng dụng vào lao động sản xuất, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1 . Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý I năm 2023;
2. Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, https://baophapluat.vn;
3. Việt Nam sớm thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc. https://nhandan.vn;
4. Lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ mới chỉ đạt 24,5%. https://cand.com.vn;
5. ADB. (2021). Reaping the benefits of industry 4.0 through skills development in high-growth industries in Southeast Asia - Insights from Cambodia, Indonesia, the Philippines and Vietnam;
6. ASEAN Secretariat. (2021). Human Resources Development Readiness in ASEAN - Vietnam Country Report. Jakarta, Indonesia: ASEAN Secretariat.