Phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập vào thị trường quốc tế. Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam trong tương quan với các nước khác là nguồn nhân lực dồi dào, có khả năng tiếp thu nhanh công nghệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, năng suất lao động Việt Nam còn thấp. Bài viết làm rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế, các hạn chế của nguồn nhân lực và một số kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tình hình phát triển nguồn nhân lực
Trong xu thế toàn thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh, nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ thế kỷ thứ XVI, nhà kinh tế người Anh William Petty đã cho rằng: “Lao động là cha, đất đai là mẹ của mọi của cải vật chất”. Nhà tương lai Mỹ Avill Toffer cũng đề cao vai trò của nguồn lao động “Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất; Chỉ có trí tuệ của con người khi sử dụng không những không mất đi mà còn lớn lên”.
Như vậy, nguồn nhân lực là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, vì là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác.
Trong thời gian qua, Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để nhanh chóng hội nhập vào thị trường quốc tế. Thế mạnh lớn nhất của Việt Nam trong tương quan với các quốc gia khác là nguồn lao động trẻ dồi dào, là lực lượng có khả năng tiếp thu nhanh nhất về công nghệ, khoa học.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với sự ứng dụng rộng rãi các thành tựu của công nghệ thông tin, tự động hóa, năng suất lao động Việt Nam lại chưa theo kịp các yêu cầu đặt ra.
Mặc dù, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, có tỷ lệ người đang trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhưng năng suất lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Điều đáng quan tâm là hiện nay, các quốc gia khác đã tự ý thức không ngừng cải tiến và phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa bằng những đề án rất công phu trong các lĩnh vực giáo dục, sản xuất, dịch vụ... Với mục tiêu hàng đầu là nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, nếu Việt Nam không chú trọng mục tiêu này thì khoảng cách với các nước khác trong khu vực và thế giới sẽ ngày càng nới rộng hơn.
Trong rất nhiều nguyên nhân khiến năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp, có thể kể đến 4 nguyên nhân sau: Trình độ kỹ thuật, công nghệ còn thấp và lạc hậu; Tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm, thủy sản vẫn ở mức cao; Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; chế độ đãi ngộ cơ bản cho người lao động còn thấp.
Thứ nhất, trình độ công nghệ, kỹ thuật còn thấp và lạc hậu
Trình độ công nghệ, kỹ thuật số ở Việt Nam đã cải thiện dần qua các năm gần đây nhưng nhìn chung việc ứng dụng khoa học, công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ trên GDP, từ năm 2001- 2011 của Việt Nam chỉ tăng từ 0,48% lên 0,51%. Giai đoạn 2011-2013, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 0,4%.
So sánh với các nước trong khu vực ASEAN, đầu tư cho nghiên cứu khoa học trên đầu người ở Việt Nam vẫn là rất thấp. Ở Việt Nam, đầu tư cho nghiên cứu khoa học trên đầu người là 3,1 USD/người dân năm 2012 thì ở Thái Lan là 22 USD/người dân, Malaysia là 86 USD/người dân...
Hầu hết các DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn còn hạn hẹp; công nghệ sản xuất lạc hậu và trung bình; cơ sở vật chất còn nghèo nàn; trình độ khoa học công nghệ còn chưa cao nếu không muốn nói là lạc hậu, lỗi thời; trình độ, chất lượng lao động chưa đạt yêu cầu; năng lực cạnh tranh còn thấp… Trong khi đó, các DN nước ngoài lại có sự hỗ trợ mạnh về tài chính, đầu tư những máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, giúp quá trình sản xuất diễn ổn định và năng suất lao động tăng cao.
Tại một số khu công nghiệp, theo khảo sát, tỷ lệ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang công nghệ hiện đại, tiên tiến vào Việt Nam chỉ đạt khoảng 5%, còn lại là công nghệ truyền thống, hoặc quá lạc hậu, hoặc chủ yếu tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ của Việt Nam. Điều này cho thấy, năng lực cạnh tranh về công nghệ của Việt Nam vẫn còn quá yếu.
Cụ thể, ở một số ngành nghề điển hình như sau: Trong ngành than, khai thác than lộ thiên ở hầm lò, khâu chiếm hơn một nửa sản lượng (45% - 56%) thì cơ giới hóa chỉ đạt khoảng 2%. Đối với ngành chế biến, chế tạo, DN vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, lỗi thời chiếm đến 88% vào năm 2012. Nhiều công đoạn vẫn còn khá thô sơ, tốn nhiều chi phí nhân công không cần thiết vì chưa áp dụng được công nghệ hiện đại, tiên tiến vào quy trình hoạt động...
Thứ hai, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm, thủy sản vẫn ở mức cao
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2005-2015, tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp (giảm từ 55,09% năm 2005 xuống còn 45% năm 2015, công nghiệp tăng từ 17,59 lên 21,78%; dịch vụ tăng từ 27,32% lên 33,03%). Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao, chiếm tới 49%.
Tuy nguồn lực lao động làm việc trong khu vực nông lâm thủy sản khá đông nhưng mức đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế lại thấp nhất. Điển hình, năm 2016, tăng trưởng GDP là 6,21% nhưng mức tăng của khu vực nông lâm thủy sản chỉ đạt 1,36% và chỉ đóng góp 0,22% vào mức tăng chung.
Thứ ba, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và kỹ năng mềm của lao động còn thấp
Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2016, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật (gồm những người có bằng cấp/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên) chiếm tỷ lệ 20,71%, tăng 2,22% so với quý IV/2015.
Nhìn chung, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động và đây là tỷ lệ quá thấp đối với một đất nước đang đẩy mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam. Năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nhân lực Việt Nam xếp thứ 11/12 so với các nước châu Á.
Thứ tư, chế độ đãi ngộ cơ bản (lương, thưởng, phúc lợi xã hội) cho người lao động còn thấp.
Thực tế cho thấy, tiền lương là một trong những công cụ kinh tế quan trọng trong quản lý lao động, nâng cao tiền lương cơ bản cũng là cách để thúc đẩy người lao động nâng cao trình độ và khả năng lao động của mình.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, mức lương cho người lao động và năng suất lao động là hai yếu tố có quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Vì vậy, việc điều tra và đưa ra chính sách tiền lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng tác động đến năng suất của người lao động.
Một số kiến nghị
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế khiến năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp, cần triển khai một số biện pháp sau:
Đối với Nhà nước:
- Tập trung khai thác hiệu quả các cam kết thương mại, hiệp định song phương, đa phương đã và đang ký kết để mở rộng được thị trường, tận dụng được các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng... từ bên ngoài, từng bước chuyển hóa thành vốn tích lũy của Việt Nam, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch kinh tế, rút ngắn được khoảng cách giữa Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới, tạo thêm cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực Việt Nam.
- Hoàn thiện các thể chế, chính sách trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế khu vực tư nhân, tạo “sân chơi” bình đẳng cho mọi loại hình DN, cần tái cơ cấu các DN nhà nước nhanh chóng để có có thêm nguồn vốn đầu tư cho nguồn nhân lực.
- Đối với lĩnh vực đào tạo, giáo dục: Cần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giao dục, gắn đào tạo kiến thức với thực tập, thực hành nghề tại các cơ sở DN.
Tập trung đào tạo các ngành nghề chất lượng cao: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học... Đổi mới và cập nhật những kiến thức mới, các tiêu chuẩn và kỹ năng nghề nghiệp mới phù hợp với bối cảnh quốc gia và xu thế phát triển của các nước khác khi cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra.
Đối với cơ sở đào tạo:
Cần đổi mới toàn diện về hệ thống kiến thức và phương pháp đào tạo; Lấy người học làm trung tâm, đào tạo nhằm hướng tới phát huy năng lực làm việc, tính sáng tạo của người lao động; Giảng dạy lý thuyết đi kèm với thực hành thực tế để phát triển các kỹ năng mềm của người lao động, tăng tính thích ứng, thích nghi với môi trường làm việc thực tế.
Các cơ sở giáo dục cần phát triển hơn nữa vào các ngành nghề chất lượng cao: như lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng, vật liệu mới, công nghệ sinh học... để giúp người lao động có thể làm chủ khi cuộc cách mạng số hóa bùng nổ như hiện nay.
Đối với người lao động:
Cần xác định rằng Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra là xu thế tất yếu. Cuộc cách mạng này sẽ đem lại cho xã hội loài người nhiều thành tựu vĩ đại hơn và giúp cho chất lượng cuộc sống con người ngày càng nâng cao hơn.
Người lao động bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện để có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết để đón đầu các kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa.
Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là một cơ hội vừa là một thách thức rất lớn đối với mỗi quốc gia, nếu không tự đổi mới, tự vượt qua chính mình thì Việt Nam sẽ mãi đứng ở vị trí phía sau các quốc gia khác. Hơn lúc nào hết, người lao động cần phải xóa bỏ những tư duy, tập quán, lề thói cũ để tự học, tự trang bị kiến thức mới, kỹ năng mới cho nhu cầu phát triển.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Hồng Điệp (2014), Những hạn chế về lao động và việc làm trên thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 30, Số 4 (2014) 48-54, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội;
2. Bộ Tài chính (2016), Báo cáo “Đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến kinh tế - tài chính Việt Nam”;
3. Nguyễn Anh Bắc (2015), Năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5 (90);
4. Phạm Đức Tiến (2016), Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.