Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra những thách thức mới với doanh nghiệp
Đó là khẳng định của ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, tại Hội thảo khoa học và công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Những thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam
Theo ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đặt ra những thách thức mới đối với doanh nghiệp, như: "Yêu cầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý và xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh.
Cũng Theo ông Châu, yêu cầu về đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu". Chỉ thị của Thủ tướng đã nêu ra 06 giải pháp, trong đó, có giải pháp "Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh . Tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo".
Đại diện của HoREA cho rằng, nước ta đang hình thành các trung tâm khoa học - công nghệ theo hướng hiện đại, như Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Công viên phần mềm Quang Trung, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư, xây dựng "Thành phố khoa học" tại Quy Nhơn (Bình Định); Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có chủ trương đầu tư, xây dựng "thành phố sáng tạo phía đông bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức", để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo tiền đề để đất nước thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực trạng nguồn nhân lực và năng suất lao động hiện nay
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, năng suất lao động thấp là một nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn - hệ số ICOR của nước ta thuộc loại thấp, chỉ trong khoảng 4,9 - 5,2 (Chỉ số ICOR của Nhật Bản những năm 1970, Hàn quốc, Đài Loan những năm 1980 chỉ trong khoảng 2,5 - 3, chỉ bằng một nửa so với nước ta). Năm 2017, năng suất lao động của nước ta tăng lên 6% và so với trung bình cả giai đoạn 2011-2017 thì tăng lên đến 25%. Tuy nhiên, với năng suất lao động của nước ta bình quân chỉ đạt 9.894 USD, thì chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippin và bằng 87,4% của Lào.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, trong ngành xây dựng, đã ứng dụng nhiều công nghệ mới, thiết bị mới như phương pháp thi công "Top - down", sử dụng vật liệu xây dựng mới như công nghệ xây dựng 3D, tấm tường Acotec, thi công sàn nhà cao tầng chỉ từ 3 - 5 ngày... Nước ta đã có những đơn vị tổng thầu thi công "design & build" đạt đẳng cấp quốc tế như Coteccons, Hòa Bình; đã xây dựng thành công công trình cao tầng Vinhome LandMark Tower 81 tầng cao nhất Việt Nam, trong top 10 tòa nhà cao nhất thế giới, do Coteccons làm tổng thầu thi công. Nhưng, nhìn chung, năng suất lao động của ngành xây dựng vẫn còn thấp; thiết bị, máy thi công, công cụ lao động, trang bị bảo hộ lao động còn lạc hậu; Có những vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường như gạch không nung, cát nhân tạo, nhưng chậm được chuẩn hóa (Riêng gạch không nung vừa to vừa nặng hơn gạch nung truyền thống nên năng suất lao động thấp, lại dễ bị thấm, nứt);
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trong thị trường bất động sản, đã áp dụng các tiến bộ mới của công nghệ thông tin, thực tế ảo, tận dụng lợi thế thông qua các trang mạng xã hội để thực hiện các hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu dự án, sản phẩm đến khách hàng, thu thập thông tin của khách hàng và đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động kinh doanh bất động sản...Tuy nhiên, phổ biến vẫn còn là kinh doanh bất động sản kiểu truyền thống như tổ chức sự kiện, phát tờ rơi, quảng cáo trên báo hình, báo giấy, báo điện tử...với hiệu quả không cao;
Vị này cho biết, chiến lược "săn đầu người" với rất nhiều phương thức và thủ đoạn để có lực lượng lao động trình độ cao đang làm "chảy máu chất xám" của đất nước, cũng như của các doanh nghiệp là một vấn đề hệ trọng cần được quan tâm giải quyết để vừa giữ được người tài, vừa thu hút thêm được nhiều người tài, trước hết là các vị trí cán bộ chủ chốt, như Singapore đã có chính sách trả lương rất cao cho Bộ trưởng tương đương lương của Chủ tịch Tập đoàn kinh tế, lương công chức rất cao, lương của cán bộ quản lý và người lao động của khu vực kinh tế tư nhân cũng rất thỏa đáng, đi đôi với chế độ trách nhiệm và được sát hạch, sàng lọc kỹ lưỡng.