Phát triển nguồn nhân lực, thực hiện thành công chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước
Trải qua quá trình 25 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từng bước ổn định, phát triển gắn với hiện đại hóa cả về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia. Trong mỗi giai đoạn phát triển của Kho bạc Nhà nước, việc xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực của hệ thống luôn được đặt vào vị trí đặc biệt.
Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Ngày 21/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020, với bốn trụ cột phát triển là: (1) Cải cách về thể chế, chính sách; (2) Hoàn thiện tổ chức bộ máy; (3) Hiện đại hóa công nghệ, (4) Phát triển nguồn nhân lực nhằm mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định, vững chắc. Theo đó, KBNN được giao thực hiện 02 chức năng mới là: Tổng kế toán Nhà nước và Quản lý ngân quỹ Nhà nước.
Để triển khai thực hiện hai chức năng mới, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính. Đây được coi là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự ghi nhận những kết quả và đánh dấu một bước trưởng thành mới trong quá trình xây dựng và phát triển của hệ thống KBNN, là cơ hội để KBNN phát huy vai trò, vị thế, tầm ảnh hưởng của KBNN đối với hệ thống tài chính.
Triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới theo Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg của Chính phủ trong toàn hệ thống, KBNN đã xác định các công việc trọng tâm mà trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền và quán triệt về mục đích, yêu cầu, những điều chỉnh, thay đổi về sắp xếp nhiệm vụ, tổ chức của các đơn vị khi triển khai mô hình tổ chức mới; Chỉ đạo việc rà soát, bàn giao công việc chính xác đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn, không gây ách tắc, không bỏ sót công việc... kết hợp việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy với công tác luân chuyển, luân phiên điều động và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị quyết 02 NQ/BCSĐ ngày 10/10/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính; Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn và phổ biến đến từng công chức các nội dung chủ yếu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức KBNN các cấp cũng như các cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác tổ chức cán bộ.
Việc xác định rõ các mục tiêu và sự chuẩn bị kỹ càng cũng như thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của công tác kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống KBNN. Đến nay, mô hình tổ chức bộ máy mới của KBNN đã vận hành ổn định, thông suốt ở cả 3 cấp từ trung ương đến KBNN cấp huyện. Đặc biệt, so với cơ cấu tổ chức trước đây giảm được 07 phòng tại cơ quan KBNN, 123 phòng tại KBNN cấp tỉnh và giảm trên 660 tổ (phòng) tại KBNN cấp huyện; bộ máy của KBNN các cấp được tổ chức thống nhất theo chức năng, giảm thiểu các đầu mối làm công tác nội vụ.
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Cùng với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cải cách thể chế, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, KBNN luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực, thông qua việc thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn và kế hoạch cụ thể từng năm, từng giai đoạn, kết hợp nhiều phương thức và hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ công chức, viên chức hệ thống.
Đến nay, đội ngũ công chức KBNN đang ngày càng được củng cố, tăng cường và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Với hơn 1,4 vạn công chức, viên chức trong toàn Ngành, hầu hết đội ngũ công chức đều có phẩm chất đạo đức, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị - tư tưởng vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ, trong đó, có tới hơn 71% công chức, viên chức có trình độ đại học và trên đại học.
Bên cạnh lớp thế hệ công chức Kho bạc đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, gắn bó và cống hiến nhiều năm cho Ngành, KBNN có một đội ngũ công chức trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo chính quy, năng động, tự tin, có trình độ và kỹ năng tốt trong việc tiếp cận và thực thi công vụ.
Có được đội ngũ cán bộ đạt chất lượng như vậy là do KBNN đã có quy trình đào tạo cán bộ thường xuyên và đều khắp thông qua các hình thức đào tạo dài hạn cho các cán bộ chuyên sâu; đào tạo ngắn hạn cho cán bộ đi luân chuyển; đào tạo tiền công vụ cho cán bộ mới tuyển dụng. KBNN đã chủ động cử công chức có trình độ chuyên môn cơ bản đi đào tạo chuyên sâu về tổng kế toán và quản lý ngân quỹ tại các quốc gia có kinh nghiệm về lĩnh vực để tạo nguồn then chốt triển khai hiệu quả chức năng tổng kế toán nhà nước và quản lý ngân quỹ.
Cùng với việc đào tạo đội ngũ công chức nghiệp vụ chuyên sâu, KBNN cũng khẩn trương triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thừa hành (kiểm ngân, thủ quỹ) thông qua việc bố trí, sắp xếp phân công công việc để bồi dưỡng trực tiếp về nghiệp vụ hoặc cử đi đào tạo, đào tạo lại tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành với trên 1.700 công chức làm kiểm ngân và thủ quỹ để bổ sung lực lượng công chức nghiệp vụ triển khai chức năng Tổng kế toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của công tác luân chuyển, điều động chính là mũi nhọn trong công tác phát triển nguồn nhân lực của hệ thống, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, KBNN đã thực hiện đồng bộ việc triển khai Nghị quyết số 02 NQ/BCSĐ ngày 10/10/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác luân chuyển, luân phiên, điều động và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác gắn liền với công tác sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Theo đó, KBNN đã thực hiện việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của trong toàn hệ thống, ở cả 3 cấp, Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; từ công chức giữ chức vụ lãnh đạo đến công chức làm nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ; luân chuyển, điều động từ KBNN tỉnh này sang KBNN tỉnh khác, luân chuyển, điều động từ Trung ương về địa phương và ngược lại.
Tính đến nay, đã có hàng chục Giám đốc, Phó Giám đốc KBNN cấp tỉnh, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương, hàng trăm công chức là Trưởng phòng, Giám đốc KBNN cấp huyện đã được luân chuyển, điều động. Tại KBNN cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện điều động, thay đổi vị trí công tác với trên 2.000 công chức làm chuyên môn nghiệp vụ. Các trường hợp điều động, thay đổi vị trí công tác cơ bản thuộc đối tượng và danh mục vị trí công việc phải định kỳ thay đổi theo Quyết định số 2650/QĐ-BTC ngày 15/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức của Bộ Tài chính.
Đồng thời, trong thời gian qua, KBNN cũng luôn chú trọng đến công tác tuyển dụng đầu vào. Từ năm 2010 đến nay, KBNN đã tổ chức được 5 kỳ thi tuyển, xét tuyển với trên 2.000 lao động có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành đại học mới được bổ sung. Về cơ bản nguồn công chức tuyển dụng mới đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như bù đắp kịp thời cho số công chức giảm hàng năm trong hệ thống. Tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng ngày càng được nâng cao nhằm đáp ứng với yêu cầu công việc cũng như từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống. Với mục tiêu phát triển con người toàn diện, KBNN đã triển khai tốt chế độ chính sách, kịp thời động viên, khích lệ công chức, viên chức yên tâm công tác. Đồng thời, công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá, nâng lương, nâng ngạch, chuyển ngạch cho cán bộ, công chức cũng được tiến hành thường xuyên, theo đúng quy trình và đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo quyền lợi chung của cán bộ.
Nhìn lại những năm qua, có thể khẳng định rằng, công tác xây dựng hệ thống KBNN với trọng tâm là kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn đi đôi với phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có tính chuyên nghiệp cao, trình độ quản lý tiên tiến đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện với tư duy năng động, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực giúp cho hệ thống KBNN luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao, góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài chính.