Phát triển nhà ở xã hội vừa thiếu, vừa khó

Theo Hồng Nga/doanhnhansaigon.vn

Nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp tăng cao thời gian qua và đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn với phân khúc này.

Nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp tăng cao. Nguồn: internet
Nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp tăng cao. Nguồn: internet

Nhà ở xã hội quá thiếu

Nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động hiện đang rất bức bách. Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, cả nước hiện có trên 1,2 triệu công nhân, lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 377.000 công nhân lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp cần chỗ ở nhưng TP. Hồ Chí Minh mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu.

Tương tự, tỉnh Long An có 16 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp với khoảng 300.000 lao động trong và ngoài tỉnh làm việc nhưng nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được 2-3% nhu cầu thực tế. Nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động đang ngày càng tăng cao khi các nhà máy sản xuất mở ra ngày càng nhiều hơn. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có khoảng 1,7 triệu lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50%, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TP. Hồ Chí Minh (62%), Đồng Nam (60%)...

Các dự án nhà xã hội chưa được công khai rộng rãi khiến người mua khó tiếp cận. Đã vậy, để vay được vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, người mua nhà phải chuẩn bị, xác minh hàng loạt giấy tờ khiến họ e ngại. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm, hiện TP. Hồ Chí Minh có khoảng 13 triệu người đang sinh sống nhưng có đến 476.000 hộ chưa có nhà ở, hoặc đang sống chung với người thân, chiếm 1/4 tổng số hộ gia đình hiện nay.

Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân lao động, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nhằm hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Thế nhưng, đến nay, số lượng các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân... vẫn còn khiêm tốn. Số liệu từ Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho thấy, hiện mới có 100 dự án nhà ở công nhân hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này mới chỉ đáp ứng khoảng 28% so với nhu cầu.

Trong khi đó, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây cũng rất hạn chế. Điều đáng nói là có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn hộ nhưng hầu hết đều bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại.

Khó cho cả hai phía

Dù nhu cầu rất cao nhưng nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn đang bị “đóng băng”, triển khai chậm chạp. Theo các chuyên gia, sở dĩ tình trạng như vậy vì còn nhiều vướng mắc trong các thủ tục triển khai, lợi nhuận bị khống chế, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội... Cụ thể, thủ tục pháp lý khi vay vốn đầu tư xây dựng chưa “thông thoáng”, kể cả việc rao bán nhà cũng phải qua nhiều khâu xét duyệt.

Trong các quy hoạch đô thị hiện nay, khu chế xuất - khu công nghiệp chưa xác định quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Đó là chưa kể các thủ tục đầu tư (xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng...) còn chậm khiến việc xây dựng còn gặp nhiều khó khăn.

Nhưng những cản ngại đó không chỉ đến với nhà đầu tư mà còn đến với người mua nhà. Các dự án nhà xã hội chưa được công khai rộng rãi khiến người mua khó tiếp cận. Đã vậy, để vay được vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, người mua nhà phải chuẩn bị, xác minh hàng loạt giấy tờ khiến họ e ngại. Không chỉ thế, nhiều trường hợp người ở nhà xã hội phải đóng phí xử lý nước thải gấp hai lần người nhà phố.

Trong khi người ở nhà phố khi đóng tiền nước đã có luôn khoản phí nước thải thì người ở nhà xã hội dù đã đóng khoản này rồi vẫn phải đóng thêm một khoản nữa để xây bể, vận hành bể xử lý... Những điều này khiến người có nhu cầu về nhà ở “ngại ngần” với nhà xã hội và doanh nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư xây dựng.

Là một trong những doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, thủ tục xin đầu tư dự án nhà ở xã hội khó hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Đây là một nghịch lý đang tồn tại. Cái khó thứ hai về dân số. Nhà ở xã hội có diện tích nhỏ hơn so với nhà thương mại, khi quy hoạch thì số lượng căn hộ nhiều hơn so với số lượng cư dân quy hoạch.

Mặt khác, dự án nhà ở xã hội phải cùng Nhà nước làm hạ tầng, trong khi nhà thương mại không phải tham gia. “Huyện Bình Chánh nằm trong quy hoạch ưu tiên phát triển nhà ở xã hội của TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã nộp đơn xin triển khai dự án nhà ở xã hội từ tháng 3/2019 nhưng đến nay đơn vẫn nằm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư”, ông Lê Hữu Nghĩa nêu khó khăn đang gặp phải.

Ngoài những khó khăn trên, các doanh nghiệp đầu tư còn gặp khó về nguồn vốn vay. Cụ thể, các dự án vay tiền quỹ nhà ở xã hội từ năm 2016-2020 nhưng đến nay đã gần hết năm 2019 vẫn chưa được giải quyết. Mà đã không vay được tiền thì doanh nghiệp không thể đầu tư xây dựng.

“Gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã kết thúc nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn để cấp bù suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, ngân sách nhà nước chỉ mới bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội”, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết.

Trước thực tế đó, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nên giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp nhanh chóng nhất có thể, đồng thời cần có cơ chế riêng cho nhà ở xã hội để khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, “cần cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Với thực trạng có đến khoảng 42% nhà ở dưới 30m2/căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m2/căn đã đặt ra vấn đề cần xem xét lại, có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn quy định để giải quyết bài toán nhà ở”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.