Du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu đóng góp khoảng 30 tỷ USD vào doanh thu

Bảo Thương

Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% tổng lượng du khách và đóng góp khoảng 30 tỷ USD doanh thu hàng năm, với tốc độ tăng trưởng từ 10 – 30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ tăng trung bình 4%/năm.

Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên những hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hiện đang thu hút nhiều du khách.
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên những hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi hiện đang thu hút nhiều du khách.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, mục tiêu của Chương trình được xác định là “Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.

Nhìn nhận về vai trò và sự phát triển của du lịch nông thôn, TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn đánh giá, qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội đều khẳng định, thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch. Sự kết nối chặt chẽ của hai ngành sẽ xây dựng được sản phẩm du lịch nông thôn mang bản sắc văn hóa Việt. Ngành Nông nghiệp chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm tinh hoa, cung cấp cho ngành Du lịch sử dụng, khai thác.

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023, chiều 14/9 đã điễn ra hội thảo “Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn”. Tại hội thảo, dẫn thông tin từ UNWTO, ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dự báo đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% tổng lượng du khách và đóng góp khoảng 30 tỷ USD doanh thu hàng năm, với tốc độ tăng trưởng từ 10 – 30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ tăng trung bình 4%/năm.

Theo TS. Nguyễn Anh Phong, tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn rất lớn với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Anh Phong cũng chỉ ra những thách thức cho phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, đó là cần chi phí nhiều cho thiết kế và phát triển sản phẩm. Nguồn lực cần cho đào tạo, nâng cao năng lực lớn nhưng các chính sách hỗ trợ còn dàn trải. Thách thức trong xây dựng tổ chức thể chế, thiết chế đảm bảo phân phối lợi ích công bằng với hoạt động cần có sự hợp tác của nhiều bên, dễ xung đột lợi ích. Chính sách, thủ tục về đất đai cho du lịch nông thôn vẫn còn phức tạp..

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Phát triển du lịch nông thôn phải được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển đa dạng, bền vững của du lịch."

Đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn, TS. Nguyễn Anh Phong khuyến nghị các địa phương cần có chính sách đất đai cho loại hình này, dựa trên điều kiện của từng địa phương như phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường…

Cùng với đó, tăng cường kết nối du lịch với cộng đồng, hình thành các "điểm đến vệ tinh" gắn với các trung tâm du lịch lớn. Cần ưu tiên thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh ở cấp độ thôn bản gắn với quy hoạch không gian, kiến trúc tổng thể.

Đưa ra khuyến nghị nhằm phát triển nông nghiệp xanh gắn với mô hình du lịch nông thôn, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á, kiêm Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam nhấn mạnh: “Cần thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch. Cần xây dựng các chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm du lịch nông nghiệp. Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương…”

Ngoài ra, các chuyên gia chỉ ra rằng, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn liền với du lịch nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những vấn đề này và khai thác tiềm năng của ngành trong tương lai.

Trên cơ sở đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số các điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá, ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch nông nghiệp nông thôn được đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng nghề phục vụ du lịch…