Phát triển tài chính toàn diện nhằm cải thiện vị thế nền sản xuất Việt Nam
Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu có thể mở rộng cơ hội xuất khẩu một sản phẩm trung gian, gia tăng thị phần xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trên bản đồ các chuỗi giá trị toàn cầu, lợi ích của Việt Nam thu được chưa cao. Các giải pháp phát triển tài chính toàn diện sẽ góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn và đáp ứng các nhu cầu thanh toán, đầu tư của doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ năng lực sản xuất cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện vị trí của Việt Nam trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu.
Vị thế nền sản xuất Việt Nam - Góc nhìn từ bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu
Bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) là một công cụ mô tả vị thế của mỗi nền sản xuất trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, đem lại cái nhìn tổng thể về năng lực cạnh tranh và đặc điểm tham gia GVC của mỗi quốc gia trong hoạt động sản xuất và thương mại thế giới. Việc xác định vị trí quốc gia trong bản đồ GVC cũng đem lại những gợi ý về định hướng phát triển sản xuất và thương mại quốc tế đối với các nhà hoạch định vĩ mô.
Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả sử dụng kết quả định vị GVC của Kevin Cheng và Erik van der Marel để phân tích đặc điểm nền sản xuất Việt Nam trên bản đồ GVC với 2 đại lượng định vị: (i) “Mức độ tham gia vào GVC” thể hiện quy mô tham gia GVC trong tổng kim ngạch xuất khẩu; (ii) “Hệ số tới khoảng cách tới sản phẩm cuối cùng” thể hiện vị trí của mỗi nền sản xuất trong GVC.
Từ hai đại lượng định vị, Kevin Cheng và Erik van der Marel đã xây dựng bản đồ GVC với vị trí của các quốc gia trong quá trình tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu với tương quan dương giữa hệ số tham gia GVC và hệ số khoảng cách. Xu hướng chuyên môn hoá toàn cầu, nhập khẩu đầu vào để sản xuất và xuất khẩu sang một công đoạn khác trong chuỗi giá trị sản phẩm phát triển mạnh mẽ.
Chính vì vậy, mức độ tham gia GVC các nước có chiều hướng tăng theo tỷ trọng nhập khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, sự phân chia sản xuất thành các công đoạn đặt tại các nước khác nhau cũng khiến độ dài của các chuỗi giá trị sản phẩm mở rộng, tương ứng, khoảng cách tới sản phẩm cuối cùng của các quốc gia có xu hướng tăng lên.
Trên bản đồ GVC, Việt Nam có quy mô tham gia GVC trên 50% giá trị xuất khẩu - cao hơn mức trung bình của thế giới. Việt Nam có hệ số tham gia GVC cao hơn mức trung bình của thế giới, thể hiện nỗ lực gia nhập trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực châu Á và ASEAN, thì mức độ tham gia của Việt Nam khá thấp. Mức độ tham gia GVC trung bình của khu vực ASEAN là 68% tổng kim ngạch xuất khẩu – cao nhất trong khu vực châu Á. Đối với những nền sản xuất nhỏ, đặc biệt là tại các quốc gia mới nổi như Việt Nam, xu hướng chuyên môn hoá và tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu mạnh mẽ là một yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao năng suất lao động, mở rộng cơ hội xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
Chính vì vậy, với mức độ tham gia GVC hiện tại, nền sản xuất Việt Nam dù đã có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn ở vị trí thấp so với các nước trong khu vực. Gia tăng mức độ tham gia GVC có thể đặt ra như một nhu cầu tất yếu trong chiến lược phát triển sản xuất của Việt Nam.
Về hệ số khoảng cách, vị trí của Việt Nam có hệ số khoảng cách tới sản phẩm cuối cùng nằm ở giá trị trung bình. Nghĩa là, xét một cách tổng thể, trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, nền sản xuất Việt Nam chủ yếu tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp – là công đoạn mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong toàn chuỗi.
Thêm vào đó, nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2015) đánh giá phần giá trị gia tăng thu được từ GVC của Việt Nam hoàn toàn chỉ tập trung ở nhóm ngành công nghệ thấp, và hệ số khoảng cách dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn rất nhỏ, bằng 1/4 Thái Lan và Singapore, 1/3 Phillipines và 1/5 Ấn Độ. Như vậy, nền sản xuất của ta đang tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp, phân phối những mặt hàng công nghệ thấp hoặc xuất khẩu sản phẩm thô.
Để cải thiện vị thế của Việt Nam trên bản đồ GVC, cần cải thiện hệ số khoảng cách, di chuyển tới những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Xu hướng này là tất yếu, đặc biệt trong làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng tự động hoá toàn bộ những công đoạn chế biến lắp ráp đơn giản. Vì vậy, đầu tư công nghệ, phát triển nền sản xuất hiện đại nhằm di chuyển hệ số khoảng cách của nền sản xuất Việt Nam là yêu cầu sống còn.
Thực trạng phát triển tài chính toàn diện và ý nghĩa đối với phát triển nền sản xuất Việt Nam
Theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới, tài chính toàn diện là khả năng tất cả các cá nhân và DN có thể tiếp cận, sử dụng và chi trả cho những sản phẩm tài chính đa dạng đáp ứng nhu cầu của họ như: Thanh toán, tiết kiệm, vay vốn và bảo hiểm.
Tài chính toàn diện thường được quan tâm đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội sử dụng các dịch vụ tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong tài chính toàn diện, “tài khoản” được coi là sản phẩm cơ bản nhất và được coi là cánh cửa tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác cho mọi cá nhân và tổ chức. Vì vậy, để đo lường mức độ phát triển tài chính toàn diện của một nước, số liệu về tài khoản tại ngân hàng và các tổ chức tài chính một trong những chỉ tiêu cơ bản được sử dụng.
Bảng 1 phản ánh thực trạng phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam qua tiêu chí tỷ lệ tài khoản trên người trưởng thành (trên 15 tuổi) có tài khoản cá nhân. Số liệu cho thấy, tài chính toàn diện tại Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, cụ thể là:
- Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản từ 21,37% năm 2011 đã tăng lên 30,95% năm 2014. Trong đó, tốc độ gia tăng nhanh nhất là trong nhóm người có thu nhập thấp, từ 9,39% năm 2011 đã tăng gấp đôi, đạt 18,95% năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ người có tài khoản của Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ bằng 2/3 khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và bằng 2/3 nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Tài khoản là tiền đề quan trọng để phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại không dùng tiền mặt.
Tỷ lệ nhỏ người sở hữu tài khoản cá nhân như hiện nay cho thấy, nhu cầu và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và ngân hàng tại Việt Nam còn rất thấp. Thực trạng phát triển tài chính này cho thấy, khả năng mở rộng các dịch vụ tài chính cho mọi đối tượng xã hội sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, có đến 6,2 triệu người Việt Nam trưởng thành cho rằng các dịch vụ tài chính quá xa để tiếp cận; 2,2 triệu người trưởng thành cho rằng các dịch vụ tài chính quá đắt để sử dụng; 65% người trưởng thành đang sử dụng dịch vụ chuyển tiền phi chính thức để đóng học phí và thanh toán các hoá đơn điện, nước… bằng tiền mặt.
Như vậy, các dịch vụ tài chính tại Việt Nam chưa đa dạng, phù hợp để đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy, xu hướng sử dụng tiền mặt và thanh toán trực tiếp còn phổ biển, hệ thống tài chính chưa làm tốt vai trò di chuyển vốn trong toàn xã hội đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
- Tỷ lệ sử dụng dịch vụ tiết kiệm tại các tổ chức tài chính chính thức đã tăng gấp đôi, từ 7,7% năm 2011 lên 14,6% năm 2014. Tuy nhiên, tương tự như tỷ lệ tài khoản, các dịch vụ tiết kiệm do hệ thống tài chính chính thức cung cấp chưa đa dạng và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Trên 80% người trưởng thành không sử dụng dịch vụ tiết kiệm từ khu vực tài chính chính thức. Tỷ lệ tài khoản tiết kiệm chỉ gần bằng mức trung bình của nhóm nước thu nhập trung bình thấp, và mới bằng ½ khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
- Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ vay vốn từ khu vực tài chính chính thức là điểm sáng trong phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Tỷ lệ dân cư vay vốn thông qua kênh chính thức là từ các tổ chức tín dụng cao hơn hẳn mức trung bình của khu vực và trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp.
Tỷ lệ vay vốn từ bạn bè người thân xấp xỉ bằng mức trung bình, còn vay vốn từ các tổ chức tư nhân phi chính thức thì rất thấp. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy, hệ thống tài chính Việt Nam thời gian qua đã thực sự phát huy vai trò của mình trong phát triển tài chính toàn diện nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội.
Như vậy, mặc dù có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng mức độ phát triển tài chính toàn diện của Việt Nam còn ở mức thấp trong khu vực và trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp với mức độ tiếp cận nằm trong khoảng 60-70% dân số, chủ yếu phát triển dịch vụ vay vốn. Đồng thời, các khoản vay chủ yếu được cung cấp từ hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng dưới những hình thức truyền thống.
Đối với khu vực sản xuất, các dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ tín dụng nói riêng thời gian qua đóng vai trò vô cùng to lớn đối với sự phát triển của DN nói riêng và sự phát triển nền sản xuất Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, từ phía DN, việc tiếp cận các khoản vốn vay cũng như các dịch vụ tài chính còn nhiều khó khăn.
Cụ thể là các khó khăn về thủ tục vay vốn phức tạp và thiếu tài sản đảm bảo; Các sản phẩm tín dụng dành cho DN nhỏ và vừa chưa phong phú; Quy mô vốn vay và thời hạn khoản vay chưa thỏa mãn được nhu cầu của DN...
Hàm ý chính sách
Để cải thiện vị trí của Việt Nam trên bản đồ GVC đòi hỏi nền sản xuất chuyển hướng đầu tư mở rộng sang các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn ở đầu chuỗi hoặc cuối chuỗi. Như vậy, nhu cầu vốn cho phát triển những mô hình sản xuất mới rất đa dạng. Để hiện thực hoá mục tiêu này, hệ thống tài chính cần thành cầu nối hữu hiệu nhằm lưu thông và luân chuyển vốn tới mọi đối tượng trong nền kinh tế, phát triển tài chính toàn diện là hướng đi tất yếu. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu gồm:
Thứ nhất, thiết kế và xây dựng một Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hiệu quả nhằm thực hiện thành công các cải cách dự kiến trên cơ sở một lộ trình được đặt ra trong chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện, bao gồm: Cải cách toàn diện hệ thống thanh toán của Chính phủ; Đẩy mạnh các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin trong thanh toán giao dịch; Củng cố hệ thống tài chính vi mô; đẩy mạnh giáo dục tài chính tại các trường học nhằm tạo lập một thế hệ khách hàng tương lai có kiến thức và hiểu biết về tài chính.
Thứ hai, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số trong dịch vụ tài chính ngân hàng, nhằm đảm bảo an toàn và thuận tiện trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính. Song song với đó, cần đẩy mạnh giáo dục công nghệ thông tin trong trường học nhằm tăng cường khả năng sử dụng internet và các dịch vụ công nghệ thanh toán hiện đại cho người dân và DN.
Thứ ba, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không ngừng phát triển và đổi mới các sản phẩm tài chính, đặc biệt là các sản phẩm tín dụng cho DN sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao, DN khởi nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Lê Xuân Sang, Nguyễn Thị Thu Huyền (2011), Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, lý luận thực tiễn và định hương chính sách, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, 2011;
2. Christophe Degain, Andreas Maurer, Steve Macfeely (2016), International trade in value added: some suggestions for improved and new indicatiors, Journal of Mathematics and Statistical Science, Volume 2016, 256-263;
3. Erik van der Marel (2015), Positioning on the Global value chain map: where do you want to be? ECIPE occasional papers, February 2015;
4. Kevin Cheng, Sidra Rehman, Dulani Seneviratne, Shiny Zhang, Reaping the Benefits from Global Value Chains, IMF working paper, September 2015;
5. Koopman, R., W. Powers, Z. Wang and S.-J. Wei (2010). Give credit to where credit is due: Tracing value added in global production chains, NBER Working Papers Series 16426, September 2010;
6. Koene Backer, K. D. and Miroudot, S. (2013), Mapping Global Value Chains, OECD Trade Policy Papers, No. 159;
7. PuskaMaitra (2014), Financial inclusion for agricultural growth: An alternative approach, Monash university;
8. Pushkar Maitra, Sandip Mitra, Dilip Mookherjee (2013), Agent Intermediated Lending: A New Approach to Microfinance, Australian Agency for International Development.