Phát triển thẻ tín dụng nội địa, thị trường tiềm năng

Theo Bùi Hằng/thitruongtaichinhtiente.vn

Theo các chuyên gia, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt có rất nhiều dư địa phát triển, vì vậy, thị trường thẻ tín dụng vẫn còn nhiều tiềm năng cho các ngân hàng thương mại khai thác.

Có khoảng 6,5 triệu thẻ tín dụng do các tổ chức phát hành, hơn 20.000 máy rút tiền tự động (ATM) đã được các ngân hàng phát triển tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ.
Có khoảng 6,5 triệu thẻ tín dụng do các tổ chức phát hành, hơn 20.000 máy rút tiền tự động (ATM) đã được các ngân hàng phát triển tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Thẻ tín dụng nội địa, được coi là một trong những mục tiêu quan trọng của các ngân hàng thương mại, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Phát huy thêm sản phẩm nhiều tính năng

Số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Thẻ cho thấy, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng do gần 40 tổ chức phát hành, trong đó, thẻ ghi nợ chiếm phần lớn.

Cùng với đó, đã có hơn 300.000 đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ trên toàn quốc, chưa kể hơn 20.000 máy rút tiền tự động (ATM) đã được các ngân hàng phát triển. So với dân số gần 100 triệu người, số lượng thẻ tín dụng đã phát hành còn rất nhỏ.

Dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng còn thấp (tỷ lệ 46%) nhưng đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt. Số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm 34%.

Chính sách mở thẻ ngày càng dễ dàng, thuận tiện và khách hàng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán, theo báo cáo nghiên cứu hành vi và thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng năm 2021 của Công ty Nghiên cứu thị trường Mibrand cho hay.

Nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính trước nhu cầu đó đã đưa ra thị trường sản phẩm thẻ tín dụng nội địa mới. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh cho biết, bên cạnh sản phẩm thẻ tín dụng thông thường được phát hành bởi các ngân hàng hoặc các công ty tài chính, NAPAS phối hợp với các tổ chức phát hành thẻ đa ứng dụng (gồm thẻ ghi nợ và tín dụng…).

Thẻ tín dụng nội địa NAPAS cho phép khách hàng chi tiêu trước, trả sau, được tích hợp công nghệ thanh toán “chạm” hỗ trợ bỏ qua xác thực chủ thẻ đối với các giao dịch giá trị thấp, giúp việc thanh toán đơn giản, nhanh chóng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là đơn vị đầu tiên phát hành thẻ đa ứng dụng, với 2 chip trên thẻ (1 chip dùng cho thanh toán bằng tính năng tín dụng, 1 chip dùng cho tính năng ghi nợ). Tương tự, Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng có sản phẩm thẻ kép (2Card).

Để hút thêm khách hàng, cần đơn giản hóa thủ tục

Giám đốc vùng tại Hà Nội (Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - ACB) Trần Thị An Dung chia sẻ kinh nghiệm phát triển thẻ tín dụng nội địa cho hay, qua hơn 5 năm, thẻ tín dụng nội địa của ACB đã mở rộng đến tất cả các tỉnh, thành phố nhờ đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của nhiều phân khúc khách hàng.

Ngoài việc thanh toán thay tiền mặt, ACB còn cấp hạn mức tín dụng để khách hàng chi tiêu trước, thanh toán sau. Doanh số giao dịch thẻ tín dụng nội địa ACB hiện tăng trưởng bình quân khoảng 80%/năm.

Ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng thông tin, về tiềm năng phát triển, Agribank hiện có trên 16 triệu thẻ ghi nợ nội địa đang hoạt động, trong đó có hơn 10 triệu thẻ ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn và gần 5.000 điểm bán hàng chấp nhận thẻ trên toàn quốc.

Mục tiêu ngân hàng hướng tới trong năm 2022 là phát hành thẻ tín dụng nội địa đến các hộ kinh doanh và sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

Agribank triển khai thành công mô hình AutoBank theo hướng dần thay thế ATM truyền thống bằng ATM đa chức năng, cho phép khách hàng rút và gửi tiền trực tuyến cùng với nhiều dịch vụ ngân hàng số. Ngân hàng hướng tới số hóa toàn bộ dịch vụ thẻ và dần thay thế các phòng giao dịch hoạt động kém hiệu quả.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng liên quan đến thẻ tín dụng nội địa cho rằng, bên cạnh việc truyền thông rộng rãi cho khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của dòng thẻ tín dụng nội địa, các ngân hàng cần xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện của từng nhóm khách hàng.

Các sản phẩm thẻ gắn kết với dịch vụ ngân hàng theo hướng số hóa tự động hóa các quy trình; mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông với tất cả dịch vụ, lĩnh vực của nền kinh tế.

Các ngân hàng nên chú trọng nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, bảo đảm phát triển cân bằng, hài hòa, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nói.