Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam

Theo Trang Anh/congthuong.vn

Với tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng còn ở mức thấp, các chuyên gia cho rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện chiến lược phổ cập tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa

Chia sẻ tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” ngày 11/3, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập báo Lao Động cho biết, Việt Nam là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân. Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập chính toàn diện ở Việt Nam là hai trong số những trọng tâm mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Suốt 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt và chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng trong mua sắm, chi tiêu. Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 tổ chức phát hành. Lượng thẻ ghi nợ lớn hơn so với thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng từ năm 2001 đã được phát hành nhưng độ phát triển chưa cao.

Thực tế đã chứng minh, việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa mang lại lợi ích cho toàn nền kinh tế. Một mặt vừa tránh lệ thuộc tổ chức thanh toán nước ngoài, mặt khác thúc đẩy ngân hàng sớm hoàn thiện và làm chủ hệ thống thanh toán, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là công cụ tốt để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng khách hàng biết và sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam.

Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến ngày 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.

Theo ông Lê Văn Tuyên, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó thẻ nội địa là một điểm sáng. Nỗ lực này của tổ chức phát hành thẻ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cũng điểm qua một số lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa gắn với công năng lưỡng dụng vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng. Về khía cạnh tài chính toàn diện, hiện nay nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi, thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điển tử trong nước, đóng bảo hiểm… nhưng họ chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này. Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ khai phá.

Ông Lê Văn Tuyên nhận thấy một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Trong đó, thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 - 55 ngày và được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tổ chức phát hành thẻ. Nhờ đó, khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Thẻ tín dụng nội địa góp phần hoàn thiện danh mục sản phầm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đối với thẻ nội địa đã tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp thẻ tín dụng nội địa phát triển. “Hiện tất cả các tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, gia tăng các tiện ích sử dụng thẻ trong các hệ sinh thái đa dạng” - ông Tuyên nhận định.

Theo ông Tuyên, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần có thêm sản phẩm, dịch vụ mới, là công cụ quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ.

Vừa qua, một số tổ chức phát hành thẻ đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ (Contact và Contactless Dual - Card), thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện (trả tiền xe buýt điện và Metro trong tương lai…) đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành công của dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoăc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…). Đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ. Lợi ích chi phí như trên là cơ sở để các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ có thể nghiên cứu, xây dựng các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng, thu hút hơn nữa khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Đồng thời, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam.

Mang tới tiện ích thanh toán thông minh, linh hoạt

Là định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam, ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng giám đốc Agribank - cho biết, từ năm 2019, Agribank đã nghiên cứu và triển khai thành công đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường địa bàn nông nghiệp, nông thôn kết hợp phát hành thẻ với cấp hạn mức thấu chi qua thẻ không có bảo đảm bằng tài sản với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện.

Theo ông Tơn, Agribank rất quan tâm đến đầu tư, trang bị miễn phí thiết bị POS và miễn phí chiết khấu để khuyến khích phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra của bà con nông dân.

Việc triển khai đề án có vai trò và ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. “Từ đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính vi mô, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn”, ông Tô Đình Tơn chia sẻ.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân tăng, mức sống đang dần được cải thiện. Việt Nam lại là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi đi làm, thu nhập ổn định, rất tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa.

Với mục tiêu mang tới cho khách hàng giải pháp tài chính linh hoạt chi tiêu trong nước, hạn chế tín dụng đen, VietinBank mở rộng chính sách cấp tín dụng thẻ tín dụng nội địa đảm bảo phù hợp với mọi phân khúc khách hàng, bao gồm cả phát hành thẻ thẻ tín dụng nội địa tín chấp và có tài sản bảo đảm, dành cho cả các đối tượng thu nhập thấp, chi lương hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, khách hàng có quan hệ tiền gửi, tiền vay…

Trong thời gian qua, VietinBank đã tiên phong gỡ bỏ toàn bộ chi phí cho khách hàng, gọi là đại tiệc phí, như phí thường niên, phí tin nhắn khi sử dụng ngân hàng cũng miễn cho khách hàng. Đây là một trong những áp lực rất lớn về mặt kinh doanh. Đồng thời, VietinBank đã chung tay cùng Napas phát triển những dòng thẻ nội địa, thì thấy rằng chi phí tiết giảm rất nhiều so với dùng thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế. Chi phí hợp lý như vậy, nên chi phí dành cho chủ thẻ cũng rất hấp dẫn - ông Khoa chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - cho hay, trong 2 - 3 năm gần đây, ngân hàng thay đổi rất nhanh từ quy trình truyền thống sang công nghệ cùng nhiều sản phẩm phi truyền thống để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Ví dụ về hồ sơ tín dụng, trước đây khách hàng được đánh giá qua hồ sơ tín dụng rất truyền thống thì hiện nay đã sử dụng chấm điểm tín dụng, không cần dựa trên lịch sử tiêu dùng của khách mà có thể theo những thông tin liên quan. Hiện nay trên thị trường có những xu hướng chính bao gồm: Thẻ thanh toán không tiếp xúc (Contactless) và thẻ phi vật lý (Virtual Card).

Bên cạnh sản phẩm thẻ tín dụng thông thường được phát hành bởi các ngân hàng hoặc các công ty tài chính, NAPAS hiện đã và đang phối hợp với các tổ chức phát hành những loại thẻ mới, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng thẻ trong hoạt động thanh toán, tiết kiệm nguồn lực xã hội.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần phổ cập tài chính toàn diện và đẩy lùi tín dụng đen gắn với phát triển thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa. Trong thời gian tới, các tổ chức phát hành thẻ đẩy mạnh truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa.

Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với chính sách toàn diện tài chính quốc gia; tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam.

Cùng với phát triển thẻ tín dụng, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ tín dụng và NAPAS chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc NAPAS cho biết: Số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng. Thẻ tín dụng tại Việt Nam được chấp nhận tại hơn 300.000 đơn vị chấp nhận thanh toán và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. Có 7 tổ chức thẻ tham gia bao gồm: NAPAS, Visa, MasterCard, JCB, UnionPay International, American Express và Discover Financial Services, chủ thẻ Việt Nam có nhiều sự lựa chọn loại hình thẻ đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của mình.