Phát triển vốn nhân lực ngành ngân hàng - tài chính

Phùng Tuấn

(Tài chính) Lĩnh vực ngân hàng được coi là huyết mạnh của nền kinh tế, dẫn vốn cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, hiện nguồn nhân lực trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành và của nền kinh tế, cũng như chưa đảm bảo cho sự phát triển ổn định và vững chắc trong quá trình hội nhập quốc tế của lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Những tồn tại, bất cập và giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực ngân hàng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới đã được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo khu vực phát triển vốn nhân lực ngành ngân hàng - tài chính do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính phối hợp với Trung tâm Nhân lực Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Câu lạc bộ nguồn nhân lực tổ chức tại Hà Nội ngày 10/10/2012. Sự kiện này đã tạo được sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua việc tham gia của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng hàng đầu trong nước và quốc tế như: ông Trần Hữu Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Ngân hàng Nhà nước); ông Nguyễn Đức Vinh - Chủ tịch HĐQT Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính BTCI; ông Simon Andrews - Giám đốc  Khu vực Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC tại Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia, Thái Lan; ông Louis Taylor - Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered Bank Việt Nam; TS.Stenphen Choo – Chuyên gia từ Tập đoàn Hay Group; bà Carrie Leung - Tổng Giám đốc HKIB, Viện chuyên gia ngân hàng Hồng Kông; ông Tay Kay Luan - Tổng Giám đốc IBBM (Viện Chuyên gia ngân hàng Malaysia)…

Cung vẫn lệch cầu

Số liệu thống kê cho thấy, tổng nhân lực trong ngành ngân hàng tính đến cuối năm 2010 là 175.247 người, trong đó làm việc trong hệ thống NHNN là 6.322 người, hệ thống các tổ chức tín dụng là 168.925 người. Trong 10 năm qua, quy mô nhân lực ngành ngân hàng đã tăng lên nhanh chóng, từ 67.558 người năm 2000 đến 172.547 người năm 2010. Tốc độ tăng nhân lực bình quân từ năm 2000 đến năm 2010 là 10,03%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn này (7,2%).

Bên cạnh đó, cơ cấu nhân lực theo độ tuổi trong lĩnh vực ngân hàng tương đối trẻ. Lao động có độ tuổi dưới 30 chiếm 60,11%, từ 30 – 50 tuổi chiếm 35,05% và từ trên 50% trở lên chiếm 4,84%. Trong đó, nhân lực của hệ thống các tổ chức tín dụng có độ tuổi dưới 30 chiếm 61,37%, từ 30-50 tuổi chiếm 34,37%, trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ rất nhỏ 4,26%. Hầu hết nhân lực làm việc trong ngành ngân hàng đều có trình độ học vấn cao, cụ thể: tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 99,5%, còn lại một bộ phận rất nhỏ làm ở công tác phục vụ chưa học hết bậc trung học phổ thông trung học. Trong toàn ngành, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo chuyên môn chiếm 86,75%. Số trình độ sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) là 5.433 người (chiếm 3,1%), trình độ đại học là 114.006 người chiếm 65,05%, cao đẳng là 13.205 người (chiếm 7,54%), trung cấp là 19.553 người (chiếm 11,16%), nhân lực chưa qua đào tạo bằng cấp là 23.053 người (chiếm 13, 15%)…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hữu Thắng, cho biết, nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành và của nền kinh tế. Tính chuyên nghiệp của nhân lực ngân hàng trong các vị trí công việc ở nhiều ngân hàng chưa cao. Mảng kiến thức về kinh tế, chuyên môn ngân hàng, kiến thức bổ trợ (tin học, ngoại ngữ), kỹ năng tổng hợp – phân tích, giao tiếp khách hàng… của một số bộ phận không nhỏ nhân lực ngân hàng còn hạn chế. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng thiếu đội ngũ quản trị điều hành (cán bộ quản lý, lãnh đạo) có trình độ chuyên môn, khả năng phân tích, tổng hợp, am hiểu pháp luật và linh hoạt, độc lập xử lý các vấn đề thực tế. Không chỉ vậy, các tổ chức tín dụng thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn cao về quản trị ngân hàng hiện đại, phân tích tài chính, kiểm soát và kiểm toán nội bộ, phân tích và thẩm định dự án, quản trị rủi ro…

Theo khảo sát được thực hiện bởi Tập đoàn HayGroup, lượng sinh viên ra trường trong ngành này trong năm 2012 khoảng 29.000 người, năm 2013 khoảng 32.000 người và đến năm 2016 khoảng 61.000 người. Tuy nhiên, số sinh viên được các tổ chức tín dụng tuyển chọn chỉ khoảng 15.000 - 20.000 người. Xét về số lượng, dù các trường đại học Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu đề ra, song ông Stephen Choo - Giám đốc Vùng phụ trách mảng nghiên cứu và khảo sát nhân viên thị trường Đông Nam Á của Tập đoàn Hay Group nhận định: “Về chất lượng là điều cần phải xem xét lại”. Chuyên gia này đã viện dẫn bằng câu chuyện các trường đại học đều khẳng định chất lượng đào tạo sinh viên rất tốt, song thực tế, các ngân hàng lại không mấy lạc quan về các kỹ năng của sinh viên mới ra trường. Rất nhiều ngân hàng phải tiến hành đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Với sự khác biệt lớn giữa các trường đại học và các ngân hàng khi đánh giá về sinh viên như vậy, ông Stephen Choo cho rằng, hai bên - ngân hàng và các trường đào tạo - cần ngồi lại với nhau và hợp tác hơn nữa để tìm đến một đích chung: Đâu là kiến thức cần có, đâu là kiến thức hiện tại và tương lai để từ đó lấp đầy khoảng trống giữa cung đào tạo và cầu về nhân lực trên thị trường.

Làm gì để xây dựng nguồn nhân lực?

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, dù Việt Nam đã có đội ngũ làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khá đông đảo, song trước những biến động của thị trường tài chính – ngân hàng hiện nay, Việt Nam cần một thế hệ nhà quản lý, điều hành mới. Để làm được điều này, các chuyên gia đều khẳng định rằng, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng là một trong những ưu tiên quan trọng nhất.

Tại hội thảo này, rất nhiều kinh nghiệm của các ngân hàng, các tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế được trình bày. Chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng và xây dựng một đội ngũ quản lý vững mạnh trong hơn 50 năm qua, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho rằng ngân hàng này đã có thực hiện tốt bảy nhiệm vụ quan trọng, gồm: Đưa ra quy trình quy hoạch cán bộ và thực hiện theo quy trình; Phát hiện nhân lực để bồi dưỡng; Lựa chọn lãnh đạo quản lý theo tiêu chí cụ thể và có sàng lọc; Phân chia các lớp cán bộ quản lý theo chức danh và kinh nghiệm công việc; Chuẩn hóa chức danh quản lý các cấp và có chương trình đào tạo kỹ năng quản lý cho từng chức danh; Đánh giá chất lượng cán bộ quản lý hàng năm; Luân chuyển cán bộ giữa các phòng/ban và giữa hội sở chính với các chinh nhánh và Có cơ chế lương thưởng, đãi ngộ, khuyến khích cán bộ quản lý. Có chế độ lương cứng, lương mềm, thưởng…

Chia sẻ thêm về định hướng xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý trong những năm tới, bà Nguyễn Thu Hà cho biết, Vietcombank sẽ tiếp tục những giải pháp đã được vạch ra, gồm: Xây dựng chiến lược quản trị nguồn nhân lực; Tiếp tục thực hiện quy hoạch, tuyển chọn cán bộ quản lý vào vị trí xứng đáng; Tiến hành tuyển dụng ngoài một số vị trí quản lý; Luân chuyển cán bộ; Tăng cường đào tạo và đào tạo lại trong nước và ngoài nước; Hoàn thiện quy trình và bộ tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp quản lý; và Xây dựng môi trường văn hóa giàu bản sắc Vietcombank, tạo sự hài hòa giữa lợi ích của Vietcombank và người lao động.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Hữu Thắng, để xây dựng được đội ngũ nhân lực ngành ngân hàng có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, thực hiện tốt mục tiêu của Ngành, trên cơ sở thực trạng nhân lực và thực trạng công tác đào tạo, căn cứ kết quả dự báo nhân lực và Quy hoạch, Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 có thể nhận thấy, ngành ngân hàng không bị sức ép về việc quy mô tăng năng lực, tăng quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo ngành ngân hàng hiện có, hoặc mở thêm trường đào tạo nhân lực cho ngành ngân hàng. Vì vậy, những giải pháp sắp tới sẽ tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực trong ngành, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành tài chính, trong đó cần đẩy mạnh mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực.

Trong khi đó, chia sẻ về kinh nghiệm giữ chân và thu hút nguồn nhân lực cao, TS.Stenphen Choo từ Tập đoàn Hay Group cho rằng, cần trao nhiều cơ hội thăng tiến và cống hiến cho nhân viên. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng cần chủ động xây dựng danh tiếng và uy tín, đặc biệt là cách đối xử với nhân viên… Trên một góc nhìn khác, trước sự phức tạp về “đa dạng văn hóa” trong ngân hàng Standard Chartered với mạng lưới trên toàn cầu, ông Louis Taylor cho biết ngân hàng này đã tập trung vào một số chiến lược như: Tạo nguồn nhân lực dự trữ đa dạng cho các vị trị lãnh đạo cao cấp; Chuẩn bị kế hoạch kế vị ở các vị trí cao cấp nhất; Tạo cơ hội làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau; Tiến hành các chương trình đào tạo…