Phát triển vùng Tây Nguyên theo hướng “xanh, hài hòa và bền vững”
Dự kiến vào ngày 20/11/2022 sẽ diễn ra Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là một trong nhiều thông tin được đưa ra tại Họp báo giới thiệu về Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng. Họp báo diễn ra tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Hà Nội) sáng 14/11 do Thứ trưởng Bộ Trần Duy Đông chủ trì.
Cụ thể, với chủ đề “Phát triển xanh – Hài hòa – Bền vững”, Hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, 500 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị.
Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.
Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Tây Nguyên, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, “nóc nhà của Đông Dương”.
Cũng theo Thứ trưởng Đông, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Vùng và đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta, phát huy những tiềm năng, lợi thế của Vùng để phát triển nhanh và bền vững.
Quy mô kinh tế của Vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002; Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng, và giữa Vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai được hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Tây Nguyên phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Chính phủ đang khẩn trương ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ theo nguyên tắc bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.
Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng nhằm thể hiện được định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nguyên đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Giải đáp thắc mắc của báo chí tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ, chương trình hành động của Chính phủ dự kiến đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng, gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và là cơ hội cho Vùng Tây Nguyên phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Đặc biệt, cũng nhấn mạnh tới việc phát triển bền vững vùng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc (cả vật thể và phi vật thể) của bà con dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.
Trong khuôn khổ Hội nghị là hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng. Dự kiến, tại Hội nghị, sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cũng trong Hội nghị, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên xanh – Hài hòa – Bền vững” cũng sẽ được tổ chức trong hai ngày 19-20/11, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất và con người vùng Tây Nguyên, khắc họa những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào vùng Tây Nguyên.
Để thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chính phủ dự kiến đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: (1) Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; (2) Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; (3) Phát triển văn hoá - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; (5) Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; (6) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; (7) Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Ngoài ra, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 23 nhiệm vụ cụ thể và 09 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể./.