Xây dựng cơ chế đặc thù để TP. Buôn Ma Thuột trở thành cực tăng trưởng vùng Tây Nguyên
Chiều ngày 2/3/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có cuộc làm việc với Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk về đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị và một số dự án trọng điểm trên địa bàn.
Tham dự cuộc làm việc, về phía tỉnh Đắk Lắk có ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh ủy, ông Phạm Ngọc Anh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Từ Thái Giang - Bí thư Thành ủy TP. Buôn Ma Thuột cùng các thành viên đoàn công tác của Tỉnh. Về phía Bộ Tài chính có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ.
Tại cuộc làm việc, Lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk đã báo cáo về tình hình xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Đề án, về cơ chế, chính sách trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh đề xuất nâng hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương lên mức 40%; Bổ sung tiêu chí làm cơ sở phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương cho TP. Buôn Ma Thuột được xác định là đô thị trung tâm vùng.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đề xuất được phân bổ thêm 45% mức chi của các nội dung chi tính theo định mức dân số (tính cho giai đoạn ổn định ngân sách 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030) để Tỉnh phân bổ thêm cho TP. Buôn Ma Thuột, tạo nguồn lực tăng chi cho một số ngành, lĩnh vực trọng tâm trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, Tỉnh đề xuất được phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khu chức năng, cục bộ quy hoạch đô thị; Có cơ chế, chính sách thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê và sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc hữu của tỉnh Đắk Lắk và của Vùng Tây Nguyên tại TP. Buôn Ma Thuột.
Về cơ chế, chính sách trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ ưu tiên cho tỉnh vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, xử lý rác, nước thải, y tế... trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Đối với vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, địa phương kiến nghị được áp dụng tỷ lệ vay lại với mức 10% và ngân sách Trung ương bố trí 100% vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Quốc hội đã đồng ý thông qua cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển tại một số địa phương.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ góp phần đưa Thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, trở thành cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên vào giai đoạn tới.
Về một số cơ chế, chính sách cụ thể, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh nghiên cứu để có cơ chế thu hút được nguồn lực đầu tư lớn, tạo đột phá, có sức lan tỏa, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy địa phương tăng trưởng, góp phần tăng thu về cho ngân sách nhà nước.
Tại cuộc làm việc, các thành viên trong đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk và đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính cũng đã trao đổi, làm rõ hơn về các nội dung đề xuất của địa phương.