Phê duyệt phương án cổ phần hóa của 3 “ông lớn” dầu khí
Phương án cổ phần hóa của PVOil, Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg, ngày 8/12/2017 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN).
Hình thức cổ phần hóa là bán bớt một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Quyết định nêu rõ, vốn điều lệ của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) là 10.342.295.000.000 đồng. Trong đó, cổ phần PVN nắm giữ là 363.014.555 cổ phần, chiếm 35,1% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1.864.300 cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 206.845.900 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 462.504.745 cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PVOIL với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ.
Quyết định cũng nêu rõ về bán cổ phần ra công chúng. Theo đó, giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phần, được bán theo phương thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo tiêu chí lựa chọn về năng lực tài chính: Chứng minh đủ nguồn tài chính để mua cổ phần theo tỷ lệ trong phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt; có nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp trong nước hoặc tương đương 2.000 tỷ đồng theo tỷ giá quy đổi tại ngày đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược đối với doanh nghiệp nước ngoài. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (đã được kiểm toán) 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi, không có lỗ lũy kế.
Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản của Hội đồng quản trị hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu Tổng công ty Dầu Việt Nam trong thời gian ít nhất là 10 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược; Không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời gian tối thiểu 10 năm kể từ ngày Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp…
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 790 người. Số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 770 người. Bộ Công Thương theo dõi, giám sát quá trình thực hiện công tác cổ phần hóa tại doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Vốn điều lệ của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER) là 23.418.716.000.000 đồng. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 1.194.354.516 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 2.757.400 cổ phần, chiếm 0,118% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 468.374.320 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 676.385.364 cổ phần, chiếm 28,882% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Giá bán cổ phần ra công chúng khởi điểm là 14.400 đồng/cổ phần. Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo quy định tại thời điểm thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Trường hợp thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược từ thời điểm Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Công ty cổ phần thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 1.181 người; lao động chuyển sang công ty cổ phần là 1.181 người.
Bộ Công Thương theo dõi, giám sát quá trình thực hiện công tác cổ phần hóa tại doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Cổ phần hóa Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1978/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (trực thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam).
Theo đó, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn có vốn điều lệ 31.004.996.160.000 đồng. Mức vốn điều lệ nêu trên chưa bao gồm nhu cầu vốn đầu tư cho Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Số tiền Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện góp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn hoàn trả lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hạch toán, quản lý theo quy định.
Về cơ cấu vốn điều lệ, cổ phần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ là 1.333.214.835 cổ phẩn, chiếm 43% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6.483.000 cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ; 241.556.969 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1.519.244.812 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ theo quy định.
Về bán cổ phần ra công chúng, bán đấu giá công khai với giá khởi điểm là 14.600 đồng/cổ phần. Thời gian bán cổ phần trong 3 tháng kể từ ngày 8/12/2017.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng các tiêu chí như: Có năng lực tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất đã kiểm toán tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế; có vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm chào bán tối thiểu là từ 10.000 tỷ đồng trở lên; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm vận hành nhà máy lọc dầu và/hoặc có tiềm lực về thị trường/có hệ thống phân phối xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phẩn hóa;...
Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo quy định tại thời điểm thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Trường hợp thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược từ thời điểm Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
Thời hạn hoàn thành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ. Trong trường hợp việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có vướng mắc, không thể hoàn thành trong 3 tháng theo quy định, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động tìm kiếm đối tác, tiến hành đàm phán với nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở phương án cổ phần hóa được phê duyệt và các quy định có liên quan, gửi Bộ Công Thương xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả bán cổ phần theo quy định.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 1.563 người. Lao động chuyển sang công ty cổ phần là 1.563 người.