Sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Vào chặng “nước rút“
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng đầu năm 2017, cả nước có 38 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, 11 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa. Trong những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đang vào chặng "nước rút" để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong năm.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính luôn chú trọng công tác nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN); Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính đối với DNNN; Tích cực đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN theo lộ trình đã đề ra.
Bộ Tài chính cho biết, 10 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị thực tế của 38 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 81.050 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.917 tỷ đồng.
Tính riêng trong tháng 10/2017, các đơn vị thoái vốn được 634 tỷ đồng, thu về 765 tỷ đồng, trong đó, thoái vốn ở lĩnh vực tài chính ngân hàng được 86 tỷ, thu về 196 tỷ đồng.
Về thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm, được 483 tỷ đồng, thu về 495 tỷ đồng, trong đó, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam thoái 262 tỷ đồng tại công ty TNHH sửa chữa tầu biển Vinalines (VNLSY), thu về 81 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán vốn được 64 tỷ đồng, thu về 74 tỷ đồng.
Kết quả trên đã đưa lũy kế 10 tháng đầu năm 2017 tại các đơn vị thực hiện thoái vốn được 4.473 tỷ đồng, thu về 16.764 tỷ đồng, trong đó, bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 10 tháng đầu năm 2017.
Trong các tháng còn lại của năm 2017, để bảo đảm nguồn thu đáp ứng cho ngân sách Nhà nước từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội giao, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương về xử lý tài chính, xử lý lao động dôi dư đối với các DNNN; Thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các doanh nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp.