Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:
Phiên chất vấn về lĩnh vực Tài chính diễn ra sôi nổi, trách nhiệm và thẳng thắn
Chiều ngày 8/6, phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tài chính là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, dù ngồi "ghế nóng", nhưng Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời thẳng thắn, không né tránh những vấn đề thuộc quản lý của Ngành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với lĩnh vực tài chính, đã có 72 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Còn 45 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính để được trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nhiều chính sách tài chính có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp nên việc lựa chọn lĩnh vực này để chất vấn tại Kỳ họp đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri cả nước.
Phiên chất vấn về lĩnh vực Tài chính đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội, bám sát nội dung yêu cầu.
Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính, dù là lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trên cương vị trưởng ngành Tài chính, nhưng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, tập trung trả lời thẳng thắn, không né tránh vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động bất lợi từ kinh tế thế giới và dịch COVID-19, thu ngân sách khó khăn, chi ngân sách tăng cao để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch. Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành trong thẩm quyền và hoàn thiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết và giải pháp để bảo đảm nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ chi quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua nội dung được Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo tại Kỳ họp lần này đã cho thấy bức tranh tổng thề về tình hình tài chính ngân sách của đất nước. Trong đó, thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng cao, tiến độ thu ngân sách 5 tháng đầu năm nay đạt khá. Các cân đối lớn được bảo đảm; kiểm soát được lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách trong mức cho phép. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua mọi khó khăn do tác động của dịch bệnh đã phát huy tác dụng.
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế được ban hành và triển khai giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa. Chính phủ cũng đã kịp thời có quyết sách xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, qua đó góp phần làm lành mạnh thị trường vốn, thị trường tài chính nói chung.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Chính phủ cần khắc phục một số bất cập, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều chính sách quan trọng đang trong quá trình hướng dẫn, chưa áp dụng trong thực tiễn; một số chính sách đã được thực hiện nhưng kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nhằm chủ động thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất giải ngân được số tăng bội chi, nguồn lực bổ sung và điều hợp lý giữa nguồn vốn thuộc kế hoạch tài chính, kế hoạch và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là đối với đầu tư kết cấu hạ tầng.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập cho người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa...