Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời thẳng thắn, trách nhiệm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Ngày 8/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Với tinh thần, thẳng thắn, trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm như: Công tác cổ phần hóa, thoái vốn; đấu giá tài sản; điều hành giá xăng dầu; điều hành thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; vấn đề chuyển giá; thu thuế chuyển nhượng bất động sản; kiểm soát lạm phát; chống thất thu thuế; chính sách tài khóa cho phục hồi và phát triển kinh tế...
Sửa đổi quy định về đất đai để không thất thoát tài sản Nhà nước sau cổ phần hóa
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề xử lý, sắp xếp nhà, đất trong cổ phần hóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sắp xếp nhà đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, đặc biệt là doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai.
Khi trình phương án sắp xếp tài sản công của các doanh nghiệp nhà nước, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, tuy nhiên việc phê duyệt phương án hiện nay rất chậm. Năm 2021 chỉ bán vốn được 18 doanh nghiệp và cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp, thu về hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, việc định giá đất không sát giá thị trường sẽ tạo ra thất thoát tài sản của Nhà nước chuyển qua tài sản của tư nhân. Nhiều chuyên gia đã đề xuất, khi doanh nghiệp nhà nước thuê đất với mục đích sản xuất kinh doanh khi chuyển sang cổ phần hóa hay tư nhân thì phải thực hiện đúng mục đích phê duyệt. Nếu không có nhu cầu sử dụng, phải trả lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho doanh nghiệp đó và tổ chức đấu giá để thu về ngân sách.
Về gắn sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, theo quy định, nếu tài sản của doanh nghiệp nhà nước đó gắn liền với thuê đất hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nếu nộp tiền đất 1 lần thì được tính vào giá trị doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng, đây là lỗ hổng phải kiến tạo lại, để đảm bảo sau khi cổ phần hóa thì đất đai không bị thất thoát.
Về việc xác định lợi thế thương mại và đưa tiền thuê đất một lần vào giá trị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, qua các hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý. Bởi đánh giá lợi thế thương mại theo ước tính, không có tiêu chí đánh giá chính xác, khi đã đưa vào giá trị của doanh nghiệp thì có thể hôm nay giá cao, nhưng ngày mai có thể rẻ. Do đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ sửa đổi quy định này.
Giá xăng dầu còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu
Trả lời ý kiến đại biểu nêu về giảm giá thuế đối với xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, so với các nước láng giềng như: Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn.
Về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thời gian qua, chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Cả nước đã giảm 24 nghìn tỷ đồng tiền thu ngân sách. Hiện xăng dầu chịu các loại thuế là: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam tăng, vấn đề đặt ra là có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nữa hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét quyết định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cần thực hiện chính sách đồng bộ, nếu chỉ giảm thuế để giảm giá xuống mà để tình trạng buôn lậu xảy ra thì vô hình trung dòng tiền của chúng ta chảy ra nước ngoài.
Mặt khác, giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu; mua ở đâu để rẻ cũng phải tìm nguồn cung; đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất trong nước. Hiện nay, chúng ta sử dụng 21 triệu tấn/năm, sản xuất trong nước là 11 triệu tấn, nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn. Do đó, đẩy mạnh sản xuất trong nước là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này.
Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường chứng khoán
Trước lo ngại của đại biểu Quốc hội về bong bóng thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua có bước phát triển tốt, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 khoảng 26%; đến năm 2021 thị trường cổ phiếu đạt 92,5% GDP năm 2021. Thị trường trái phiếu đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp đạt 15% GDP.
Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra một số hiện tượng thao túng cổ phiếu, đưa thông tin sai lệch, lừa đối khách hàng, đầu cơ trái phiếu... Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp: Cảnh báo người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, trình Chính phủ sửa Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và tăng cường các giải pháp thực hiện minh bạch thị trường đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn, cùng tín dụng đảm bảo nguồn lực quan trọng cho kinh tế phát triển. Một số hiện tượng thao túng thị trường vừa qua là hành vi của cá nhân, vi phạm Luật Chứng khoán và các luật liên quan thì phải xử lý nghiêm. Hiện nay, Bộ Tài chính đã có những giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, đưa Trí tuệ nhân tạo (AI) vào theo dõi các nghiệp vụ phát sinh, công khai và theo dõi quá trình lên xuống đột ngột của các cổ phiếu. Với trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính sẽ thiết lập một sàn riêng để theo dõi. Như vậy, cùng với các giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, thời gian tới, sẽ đề nghị hoàn thiện Luật Chứng khoán đặc biệt là thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm bất thường dòng tiền. Vừa qua, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm, kể cả lợi dùng thị trường chứng khoán để rửa tiền, Bộ Tài chính đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng; phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra. Bộ cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán bộ trong lĩnh vực tài chính có vi phạm trong khi thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Hỗ trợ sản xuất kinh doanh hiệu quả là giải pháp căn cốt để kiểm soát lạm phát
Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, lạm phát là vấn đề nóng và cần thiết phải tập trung chống lạm phát để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển.
Trên thế giới, hiện nay nhiều nước lạm phát đang tăng cao. Việt Nam hiện nay hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nguyên vật liệu chưa sản suất được phải phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài. Do đó, giá nguyên vật liệu nước ngoài tăng đương nhiên kéo theo giá trong nước tăng, dẫn đến lạm phát. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh tự chủ lương thực thực phẩm, chiếm 40% hàng hóa nên vấn đề lạm phát tác động sẽ ít hơn. Bộ trưởng cho rằng, đây là thời điểm vàng để Việt Nam bứt phá, tận dụng cơ hội kiến tạo để bật lên.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, cần áp dụng các giải pháp về chính sách tiền tệ; chính sách tài khóa thì đã và đang thực hiện, vừa giảm thuế, vừa đầu tư an sinh xã hội, vừa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; vừa tiết kiệm chi đầu tư, chi thường xuyên và các khoản khác. Một vấn đề quan trọng khác là quản lý chặt chẽ về giá, niêm yết, công khai về giá; thúc đẩy doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển đổi số.
“Điều cốt lõi không chỉ có chính sách tài khóa và tiền tệ mà cơ bản các chính sách đó phải hướng đến doanh nghiệp, người dân. Người dân, doanh nghiệp mà làm ăn hiệu quả, có thu nhập, GDP tăng lên, nộp ngân sách tăng lên, giải quyết được việc làm và phục vụ cuộc sống tốt thì sẽ giữ vững được chính sách vĩ mô. Do đó, mọi thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng cũng như chuyển đổi số và tiến bộ khoa học kỹ thuật và các điều kiện khác phải dồn cho doanh nghiệp, người dân để sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đây là giải pháp căn cốt nhất để chống lạm phát một cách tốt nhất", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội
Về vấn đề triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tổng số tiền của gói hỗ trợ là 347.000 tỷ đồng, liên quan đến chính sách tài khóa là khoảng 291.000 tỷ đồng. Trong chính sách tài khóa, liên quan đến phần thu ngân sách, trong đó có giãn, hoãn, miễn và giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% và một số loại chính sách khác. Bộ Tài chính đã trình với Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 là miễn giảm 64.000 tỷ đồng và sau đó được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn thêm khoảng 24.000 tỷ đồng.
Như vậy, riêng vấn đề giảm thuế đã tăng hơn so với dự kiến trong Nghị quyết số 43/2022/QH15, tổng số giảm là 88.000 tỷ đồng, ngoài ra còn khoảng 135.000 tỷ đồng nữa được giãn đến ngày 31/2/2022. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành các nghị định để hướng dẫn thực hiện sử dụng các nguồn kinh phí.
Bộ trưởng cho biết, đến nay, chỉ còn duy nhất một hướng dẫn nữa Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai hoàn hiện đó là hướng dẫn sử dụng kinh phí trong Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để thực hiện các vấn đề về ứng dụng khoa học, công nghệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Thực hiện minh bạch, công bằng trong công tác cán bộ
Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội về công tác luân chuyển cán bộ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, công tác này được Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ, không quá 8 năm giữ một vị trí và thường 5 năm đều luân chuyển. Như vậy, hàng năm Bộ Tài chính luân chuyển hàng chục ngàn cán bộ, thực hiện một cách hết sức minh bạch và công bằng. Qua đó, đã tạo được tính tự giác đối với các cán bộ của các ngành. Thông thường, đầu năm đưa ra danh sách luân chuyển của năm sau để cán bộ nắm được thời hạn phải luân chuyển, như vậy tạo nên sự chuẩn bị và chủ động trong tư tưởng của cán bộ trong tiếp nhận vị trí công việc mới.
Trước ý kiến về xử lý cán bộ, công chức vi phạm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, Bộ Tài chính sẽ tăng cường giám sát và tăng cường kiểm tra, lắng nghe dư luận xã hội, phản ánh của các cấp, các ngành, từ công tác tự kiểm tra để phát hiện những sai phạm. Bộ trưởng chia sẻ thẳng thắn, cán bộ của Bộ Tài chính, đặc biệt là cán bộ thuế, cán bộ hải quan thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, thường xuyên tiếp xúc với người dân và giải quyết những công việc liên quan đến lợi ích cho nên khó tránh khỏi vi phạm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính kiên quyết tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thông qua công tác kiểm tra. Năm 2021, Bộ Tài chính đã xử lý cán bộ vi phạm trong lĩnh vực kho bạc là 76 trường hợp, thuế là 143 trường hợp, hải quan là 45 trường hợp, dự trữ 9 trường hợp và chứng khoán 3 trường hợp.
Sẽ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa đổi
Liên quan đến giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giá sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, do đó quyền quyết định giá là của các nhà sản xuất ra sách giáo khoa, trên tinh thần là phải minh bạch, niêm yết công khai.
Về đề nghị đưa sách giáo khoa vào thẩm định giá đối với những vùng sâu, vùng xa, những người nghèo cần được hỗ trợ, Bộ trưởng cho rằng ý kiến này rất hay, rất đúng. Nội dung này cần được đưa vào Luật Giá để đảm bảo tính hợp lý về giá cả, giảm khó khăn cho người dân và hỗ trợ được những người nghèo, những người yếu thế.
Trước ý kiến của đại biểu về việc đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá theo Luật Giá, Bộ trưởng cho biết, việc đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá là thẩm quyền của Quốc hội. Về phía Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trao đổi, thống nhất sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa đổi sắp tới và trình Quốc hội quyết định.
"Dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn chu chuyển bình thường"
Trả lời ý kiến đại biểu nêu về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 15% GDP. Đại biểu băn khoăn từ trước đến nay trái phiếu doanh nghiệp có phải không đảo nợ được không, hay không trả nợ được không? Theo Bộ trưởng, trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay chưa trả được nợ khi hủy giao dịch thì còn lại các doanh nghiệp đến hạn đều trả được nợ. Điều này đồng nghĩa với việc dòng trái phiếu doanh nghiệp này vẫn chu chuyển bình thường.
Đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ, Bộ trưởng cho biết, khi thảo luận Luật Chứng khoán và khi đưa ra lấy ý kiến, chúng ta cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, do doanh nghiệp phát hành, do doanh nghiệp vay trả, Nhà nước không can thiệp vào hoạt động này của doanh nghiệp. Sau này, khi thị trường phát triển mạnh mẽ thì mới đặt vấn đề Nhà nước quản lý. Đó là cách tiếp cận pháp luật.
Bộ trưởng dẫn chứng, trong Luật Chứng khoán không đưa ra điều kiện phát hành cần phải là doanh nghiệp có lãi hay cần có tài sản đảm bảo... Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 cũng không thể quy định được điều kiện phát hành. Do đó, thực hiện đúng quy định như vậy, doanh nghiệp phát hành trái phiếu và phải trả nợ nhưng phải đảm bảo phát hành đúng trình tự, đúng quy định.
Đã hướng dẫn cụ thể về thu thuế chuyển nhượng bất động sản
Liên quan đến các ý kiến đại biểu về thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khắng định, nội dung này đã được hướng dẫn rất rõ tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP và Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Theo đó, khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận, trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng thì thu theo giá mà bảng giá đất của Nhà nước.
Vấn đề đại biểu cho rằng, thu tiền đất với giá cao nhưng đền bù giá thấp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, giá đất gắn liền với mục đích sử dụng đất. Đối với đất ở, đền bù theo giá thoả thuận nếu doanh nghiệp lấy đất. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước lấy đất thì đền bù theo giá của Nhà nước, nhưng giá của Nhà nước có hệ số điều chỉnh, hệ số điều chỉnh đó do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định với nguyên tắc phải sát giá thị trường. Do đó, khi thu hồi đất, đền bù và nộp thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều thực hiện theo mục đích sử dụng đất. Bảng giá đất, đơn giá đất và hệ số điều chỉnh chính là căn cứ để tính thu thuế bất động sản theo đúng pháp luật.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đôn đốc Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế của địa phương và có văn bản gửi Chủ tịch và Bí thư của các tỉnh chỉ đạo để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế không được gây phiền hà, sách nhiễu với người dân, hậu kiểm, chứ không tiền kiểm. Tiền kiểm là vận động, thuyết phục, giải thích để tránh cho những người chuyển nhượng bất động sản khỏi trốn thuế. Nếu phát hiện ra tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm.
Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.