Phiên tòa “quá tam… ba bận”, vẫn hoãn!

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Một phiên tòa xét xử vụ kiện dân sự giữa Vietbank và khách hàng đã bị hoãn đến 3 lần khi nội vụ có nhiều người có quyền lợi liên quan và mỗi người đều vin vào lý do chính đáng để vắng mặt tại tòa…

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) và CTCP Thương mại và Sản xuất An Quý (Công ty An Quý), có địa chỉ tại thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, do bà Nguyễn Thị Minh Tuấn làm đại diện.

Theo tài liệu truy tố, ngày 29/4/2011, Công ty An Quý có ký hợp đồng cấp tín dụng hạn mức với Vietbank Chi nhánh Hà Nội - Phòng giao dịch Tây Sơn số tiền 2,1 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng, trả lãi hàng tháng, vốn gốc trả cuối kỳ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Trong đó, khế ước nhận nợ số 1 có số tiền là 1,201 tỷ đồng, thời hạn vay 4 tháng bắt đầu từ thời điểm 29/4/2011 đến 29/8/2011; khế ước nhận nợ số 2 có số tiền là 899 triệu đồng, thời hạn vay 6 tháng từ 5/5/2011 đến 5/11/2011.

Để đảm bảo cho khoản vay, bà Nguyễn Thị Minh Tuấn đã thế chấp các bất động sản sau: 1 bất động sản tại thôn Gò Gạo, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, 1 bất động sản tại thôn Hiền Lương, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội; 1 bất động sản tại thôn Linh Quy Đông, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cả 3 bất động sản này đều thuộc sở hữu của bà Tuấn.

Ngoài ra, bà Tuấn còn thế chấp 2 bất động sản nữa là bất động sản tại Khu 6 Thuỵ Lôi, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội mang tên ông Trương Tuấn Đường và bất động sản tại xóm Hậu, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội của hộ gia đình bà Hoàng Thị Thành. Toàn bộ bất động sản trên được thế chấp theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba và được đăng ký giao dịch đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình vay, Công ty An Quý đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Cụ thể, tính đến ngày 7/12/2011, Công ty An Quý mới thanh toán cho Vietbank tổng cộng 202,4 triệu đồng, bao gồm cả gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn và lãi phạt. Vì vậy, Vietbank đã khởi kiện An Quý ra Toà, yêu cầu Công ty phải thanh toán cho Ngân hàng tổng cộng 2,225 tỷ đồng, bao gồm 2,1 tỷ đồng nợ gốc; 29 triệu đồng nợ lãi trong hạn; 95 triệu đồng nợ quá hạn và 1,2 triệu đồng nợ phạt. Trong trường hợp Công ty An Quý không thanh toán được số nợ trên, Vietbank sẽ phát mãi số tài sản là bất động sản để thu hồi công nợ.

Sau hai phiên hoãn xử, phiên toà ngày 17/9 lại tiếp tục bị hoãn do vắng mặt bị đơn và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Dự kiến, phiên xét xử sẽ được mở lại vào ngày 27/9 tới.

Theo Điều 201, Chương XIV, Bộ luật Tố tụng dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của toà án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Tuy nhiên, qua vụ việc rất đơn giản này, có thể nảy sinh tình huống một vụ kiện dân sự có rất nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu muốn trì hoãn, tại mỗi phiên tòa, mỗi người có liên quan đều lấy lý do chính đáng để vắng mặt thì nguy cơ các vụ xử dân sự bị kéo dài, tốn kém thời gian, tiền bạc, thậm chí gây bất ổn cho các hoạt động kinh tế là nhãn tiền.