Bộ Tài chính:

Phổ biến, quán triệt Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi


Chiều ngày 9/10/2019, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tài chính.

Toàn cảnh Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) của Bộ Tài chính.
Toàn cảnh Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) của Bộ Tài chính.

Tại hội nghị, ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) đã trình bày những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo ông Minh, so với Luật hiện hành, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, các nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Về hành vi tham nhũng, Luật quy định riêng về các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ trình bày những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ trình bày những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Đối với hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) giữ như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005. Đối với hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, do đây là lần đầu mở rộng phạm vi áp dụng ra khu vực này và để phù hợp với Bộ luật Hình sự nên Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) chỉ quy định các hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện gồm: tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý theo quy định; kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý theo quy định.

Tại Hội nghị, ông Đinh Văn Minh cũng đã trình bày về các nội dung như: các hành vi bị nghiêm cấm; phòng ngừa tham nhũng; phát hiện tham nhũng; trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng; xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng...

Hội nghị còn được nghe bà Nguyễn Thị Tố Hằng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) trình bày về những nội dung chính và điểm mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Bà Nguyễn Thị Tố Hằng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp trình bày về những nội dung chính và điểm mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Bà Nguyễn Thị Tố Hằng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp trình bày về những nội dung chính và điểm mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Theo bà Hằng, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có 9 chương và 78 điều với nhiều điểm mới so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Trong đó, Luật đã mở rộng đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường và quy định rõ hơn từng nhóm đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường.

Theo đó, những người đương nhiên có quyền bồi thường gồm: người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật quy định của Bộ luật Dân sự. Những người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền của những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường.

Bà Nguyễn Thị Tố Hằng cũng làm rõ những điểm mới về thời hiệu yêu cầu bồi thường; bổ sung nguyên tắc bồi thường; trách nhiệm bồi thường; bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, lượng hóa một số loại thiệt hại được bồi thường và bổ sung quy định về các thiệt hại Nhà nước không bồi thường...

"Việc ban hành đạo luật này có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là một bước hoàn thiện về mặt thể chế điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc củng cố, hoàn thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nền công vụ cũng như trách nhiệm của Nhà nước trước công dân." - bà Hằng nhấn mạnh.