Phổ biến văn bản về quản lý tài chính dự án ODA và vốn vay ưu đãi

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 16/4 tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo phổ biến các Thông tư của Bộ Tài chính về quản lý tài chính các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nhằm giới thiệu và làm rõ thêm một số nội dung mới tại các Thông tư này. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ ngành có liên quan, một số địa phương khu vực phía Bắc và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

 Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Nguyễn Mạnh Hòa phát biểu tại hội thảo. Nguồn: mof.gov.vn
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Nguyễn Mạnh Hòa phát biểu tại hội thảo. Nguồn: mof.gov.vn

Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị trực tiếp soạn thảo Thông tư đã trình bày những điểm cơ bản nhất tại Thông tư 218/2013/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của các nhà tài trợ. Thông tư 198/2013/TT-BTC về quản lý, sử dụng xử lý tài sản dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước. Thông tư 181/2013/TT-BTC về chính sách thuế đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Chia sẻ với Hội thảo một số vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng Thông tư  218/2013/TT-BTC về vấn đề cơ chế tài chính áp dụng đối với khu vực tư nhân, ông Nguyễn Mạnh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, Luật Quản lý nợ công quy định, điều kiện vay lại khi chủ dự án đáp ứng được các yêu cầu: vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức vốn đầu tư dự án; Không lỗ trong 3 năm liền kề. Nếu doanh nghiệp mới thành lập dưới 3 năm cần có cam kết trả nợ thay của công ty mẹ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có trường hợp công ty mẹ không chịu bảo lãnh do khó khăn về nguồn vốn, do Chủ tịch của công ty con cũng không phải nhân sự do công ty mẹ quản lý…

Một số câu hỏi cũng  đã được các Ban Quản lý dự án đặt ra tại Hội thảo  xung quanh vấn đề mua xe ô tô và xử lý tài sản sau khi dự án kết thúc, đại diện Cục Quản lý công sản cho biết, Thông tư 198/2018/TT-BTC nêu rõ trừ trường hợp văn kiện Dự án quy định rõ về chủng loại, mức giá của ô tô, tất cả các trường hợp mua ô tô phục vụ công tác phải tuân thủ đúng quy định theo Quyết định 59 và Quyết định 61 của Thủ tướng Chính phủ, tránh trường hợp như một số Dự án mua ô tô có giá trị lớn vượt khung, sau khi kết thúc dự án việc điều chuyển tài sản cho đơn vị khác không mấy khả thi do rất ít đơn vị đủ tiêu chuẩn và định mức tiếp nhận.

Đại diện đơn vị soạn thảo Thông tư 198 cũng khuyến nghị tất cả các ban Quản lý dự án thực hiện nghiêm túc công tác kê khai tài sản vào dữ liệu tài sản quốc gia. Phạm vi tài sản phải thực hiện báo cáo kê khai bao gồm: Trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án; Ô tô các loại; Các tài sản khác đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…

Về những vướng mắc của các đơn vị trong xử lý tài sản của dự án sau khi dự án kết thúc, đơn vị này cho biết, xử lý tài sản phục vụ công tác quản lý dự án có các hình thức: Điều chuyển, Bán: đấu giá-chỉ định, thanh lý và chuyển giao về địa phương quản lý. Tuy nhiên, hình thức hay được sử dụng hơn cả là điều chuyển (cho dự án khác hoặc cho đơn vị khác có tiêu chuẩn và định mức) nhằm tránh lãng phí và đạt hiệu quả xã hội. Đây là phương án đầu tiên được ưu tiên. Thực tế, trong thời gian vừa qua, các địa phương, các ban quản lý dự án đã chủ yếu thực hiện bằng phương án này.

Điểm mới nữa tại Thông tư 198, đối với các tài sản thuộc phạm vi điều chuyển mà không thuộc các trường hợp: Không phải là tài sản cố định; không phải ô tô và tài sản không vượt quá 500 triệu thì Chủ tịch UBND tỉnh được phép ủy quyền cho đơn vị chức năng tiến hành điều chuyển, bán thanh lý đối với các tài sản còn lại. 

Đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cũng cho biết, trong thời gian tới, khi tiến hành tổng kết  5 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công, một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến Nghị định 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ sẽ được lấy ý kiến để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.