Ngành Thuế và công an tỉnh Yên Bái:

Phối hợp phòng chống tội phạm về thuế

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Theo Đại tá Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, khi kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, thì tình hình tội phạm về kinh tế cũng rất phức tạp. Theo đó, tội phạm về thuế ngày càng có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội và làm thất thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cơ quan công an và cơ quan thuế đã phối hợp giải quyết 728 vụ việc. Nguồn: internet
Tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cơ quan công an và cơ quan thuế đã phối hợp giải quyết 728 vụ việc. Nguồn: internet
Nhiều vi phạm trong lĩnh vực thuế
 
Báo cáo 5 năm phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế cho thấy, các thủ đoạn vi phạm pháp luật thuế ở Yên Bái chủ yếu là gian lận về sử dụng hoá đơn, chứng từ, hạch toán kế toán và vận chuyển hàng hoá không có giấy tờ (hoặc quay vòng hóa đơn), trốn thuế nhập khẩu; sử dụng hoá đơn Giá trị gia tăng (GTGT) kê khống toàn bộ hoặc một phần về giá mua vào hoặc về số lượng; giá trị và số lượng hàng hoá ghi trên hoá đơn lớn hơn giá trị và số lượng hàng hoá bán thực tế; khi vận chuyển hàng hoá sản xuất trong nước đi tiêu thụ thiếu thủ tục, chứng từ hợp lệ theo quy định; đơn vị kinh doanh vận tải, san tạo mặt bằng, bao thầu xây dựng, khai thác tài nguyên không kê khai đăng ký nộp thuế, phí, lệ phí...
 
Tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cơ quan công an và cơ quan thuế đã phối hợp giải quyết 728 vụ việc, trong đó, cơ quan thuế đã chuyển 127 hồ sơ cho cơ quan công an và cung cấp tài liệu theo đề nghị của cơ quan công an 5 vụ; cơ quan công an đã chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế 596 vụ. Tổng số tiền thuế trốn, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 17 tỷ đồng.

Một số địa phương có số lượng vụ vi phạm lớn như: huyện Lục Yên có số vụ vi phạm lớn nhất 457 vụ, số tiền thuế truy thu và xử phạt vi phạm hành chính là 631 triệu; TP. Yên Bái có 191 vụ, số tiền truy thu và xử phạt là 7.541 triệu đồng; huyện Văn Yên 54 vụ, với số tiền vi phạm 841 triệu; Phòng thanh tra Cục Thuế xử lý 9 vụ, với số tiền vi phạm 2.786 triệu đồng; huyện Trấn Yên chỉ với 3 vụ, nhưng có số tiền thuế truy thu và xử phạt nộp NSNN lên tới 4.429 triệu đồng; huyện Mù Cang Chải có số lượng  vi phạm ít nhất là 1 vụ.
 
Cục trưởng Cục Thuế Yên Bái Hoàng Văn Diểm cho biết, trong những năm qua, cơ chế quản lý thuế ngày càng được hoàn thiện; công tác thu ngân sách và chống thất thu đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và phối hợp thực hiện; ý thức chấp hành chính sách, pháp luật thuế của người nộp thuế cũng đã được nâng lên nhiều, tuy nhiên, do cơ chế chính sách liên tục sửa đổi, bổ sung, trong khi đó nguồn nhân lực chưa thay đổi kịp; việc thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai vẫn là cơ hội để một số đối tượng gian lận trốn thuế. 
 
Tiếp tục phối hợp công tác liên ngành
 
Theo nhận định của Đại tá Đặng Trần Chiêu, trên địa bàn, tình trạng tội phạm về hoàn thuế, kinh doanh thương mại điện tử trốn thuế, kinh doanh xăng dầu hoặc thành lập DN “ma” để mua bán hoá đơn, chứng từ… xảy ra khá phổ biến. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về thuế ngày càng gian nan, đòi hỏi hai ngành phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác phối hợp và cung cấp thông tin.

Hiện nay, công tác phối hợp giữa ngành Thuế và công an mới chỉ bó hẹp trong phạm vi chống tội phạm về thuế trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và trên khâu lưu thông, còn các lĩnh vực khác chưa được chú trọng thực hiện. Việc phối hợp còn theo vụ việc, chưa thường xuyên, liên tục và mới triển khai phối hợp tốt ở cấp tỉnh. Do đó, trong thời gian tới, hai ngành cần phải quan tâm khắc phục sự chồng chéo, thiếu trọng tâm, trọng điểm trong việc xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời, phải nghiên cứu, đề xuất các biện pháp và xây dựng kế hoạch thật chi tiết, đi vào từng chuyên đề cụ thể để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm cũng như hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.
 
Đối với ngành Thuế, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc in và sử dụng hoá đơn, chứng từ, hồ sơ khai thuế, hoàn thuế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế, nhằm hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm. Phía cơ quan công an cũng sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan thuế để kịp thời phát hiện những phương thức, thủ đoạn mới về trốn lậu thuế và sử dụng trái phép hoá đơn chứng từ. Qua đó, tìm ra những sơ hở trong công tác quản lý cũng như những kẽ hở trong văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu cho các ngành chức năng, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Cả hai ngành cũng sẽ tiếp tục phối hợp điều tra, đưa ra xét xử công khai các vụ vi phạm có tính chất điển hình, nhằm  phát huy tác dụng răn đe đối với các đối tượng, thể hiện thái độ cương quyết chống thất thu cho NSNN và đảm bảo cho môi trường sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, lành mạnh của các cơ quan quản lý.