Phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính

Bảo Thương

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm.

Bộ Tài chính sẽ chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm như chứng khoán, hải quan, thuế...
Bộ Tài chính sẽ chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm như chứng khoán, hải quan, thuế...

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh - trật tự và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống nhân dân.

Trong lĩnh vực tài chính, nổi lên là hoạt động sàn giao dịch chứng khoán quốc tế trực tuyến, các vụ án thao túng thị trường chứng khoán, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bộ Tài chính cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tình hình và kết quả phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, kinh tế của nước ta có những bước phục hồi và chuyển biến mạnh mẽ, từ đó tác động đến công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.

Cụ thể, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức truyền thống giảm; hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao cũng đã được phát hiện, điều tra, xử lý và cảnh báo đến người dân để phòng ngừa. Đặc biệt, công tác phòng chống tội phạm lừa đảo được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên các mặt: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; Rà soát, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Tập trung phát hiện, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, góp phần kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này.

Chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính

Trong thời gian tới, dự báo tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động nhanh và sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trong khi năng lực tiếp cận kinh tế số của nước ta còn chưa đáp ứng; các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Thêm vào đó, trình độ nhận thức còn thấp của một bộ phận người dân vẫn là điều kiện cho các nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thường xuyên khuyến cáo nhà đầu tư về việc các đối tượng giả mạo thông tin của các công ty quản lý quỹ.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thường xuyên khuyến cáo nhà đầu tư về việc các đối tượng giả mạo thông tin của các công ty quản lý quỹ.

Trong bối cảnh thị trường vốn tiếp tục phát triển mạnh mẽ với sự tham gia ngày càng nhiều của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng, nhiều hình thức giao dịch điện tử được triển khai, khả năng tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, dự báo tình hình vi phạm pháp luật có thể sẽ diễn biến phức tạp, hành vi, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặt ra yêu cầu ngày càng cao về quản lý, giám sát và thực thi pháp luật. Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp  trọng tâm.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ngành thực hiện nghiêm các Kết luận của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm, các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg. Đồng thời, tiếp tục rà soát quy định của pháp luật, đánh giá các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát hiện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để điều chỉnh cho phù hợp.

Ngành Tài chính cũng sẽ chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, chú trọng việc đưa ra các quy định nhằm hỗ trợ công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Giá; trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công, chứng khoán, casino, xổ số.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan xác định các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tiếp tục nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện các chỉ số thuộc lĩnh vực tài chính trong đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam...

Bộ Tài chính sẽ chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm như chứng khoán, hải quan, thuế, casino, xổ số, trò chơi điện tử có thưởng; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.